Bên bờ sông Diêu Trì, ở cuối thôn Hội Phước, xã Hòa Phú (Hòa Vang, TP Đà Nẵng) có cây Thị cổ gắn với cuộc sống của người dân nơi đây qua bao đời.
Qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cây Thị cổ là "cây gai" trong mắt bọn giặc nên chúng đã tìm trăm phương ngàn kế "triệt hạ". Nhưng cây Thị cổ vẫn kiên cường đứng giữa bom rơi đạn nổ và được chứng kiến và tham gia vào cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Hòa Phú. Nơi có đội quân "Tóc dài" với mưu trí, dũng cảm đã làm kinh hồn bạt vía quân thù của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng đi đầu diệt Mỹ.
Nhiều bậc cao niên nói rằng cây Thị ước chừng trên dưới 500 tuổi với dáng vẻ rất cổ kính, cao chừng hơn 30m, gốc có đường kính hơn 2 mét.
Đặc biệt, trong gốc cây có một hốc trống, gọi là cái "bộng". Bà Đỗ Thị Quyên (90 tuổi), nguyên thành viên trong đội quân tóc dài xã Hòa Thượng (nay là xã Hòa Phú), nhà gần cây Thị cổ cho biết: "Trong kháng chiến chống Mỹ, bà con trong khu dồn Cấm Chu Hương, lợi dụng lúc đi về làng sản xuất, mang theo lương thực, thuốc men... cất giấu vào "bộng" cây thị để tiếp tế cho dân quân du kích địa phương. Trong thời gian dài bí mật tiếp tế, số lượng có lên hàng tấn. Đây có thể xem là trạm "Quân bưu" để thông tin, liên lạc của dân, quân ta giữa miền núi và đồng bằng...".
Ông Nguyễn Tuấn (56 tuổi), trú tại thôn Hội Phước cho hay, từ thời ông nội tôi, cây thị này đã là cây cổ thụ rồi. Bà con nhân dân ở đây gắn bó với cây thị qua bao đời. Tuổi của cây thị thì chưa ai biết rõ, kể cả các bậc cao niên, nhưng nhiều vị ước chừng khoảng trên dưới 500 tuổi.
Trong những năm qua, cây thị cổ là biểu tượng văn hóa "sống động" của địa phương, được nhiều người đến tham quan. Từ xưa cây thị đã đi vào dân ca, qua những câu hát làm rung động lòng người như: "Gốc cây thị, bên sông còn đó/Bến Diêu Trì lấp loáng bóng ai/Quân dân nghĩa nặng tình dày/Thương anh du kích, lòng day dứt lòng...". Thôn Hội Phước, xã Hòa Phú được xem là cái nôi của cách mạng qua hai cuộc đấu tranh giữ nước với bao lớp người đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Nhiều câu chuyện trong vùng đã được lưu truyền trong dân gian như: Chuyện người du kích già có tên là Nguyễn Ký, nhà gần cây Thị cổ, một mình một súng,... là người đầu tiên bắn rớt máy bay của giặc Mỹ ở Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1965. Về sau có bài thơ truyền tụng: "Du già - Nguyễn Ký năm xưa/Súng trường Garân - xít bắn lia một tràng/Trực thăng gãy cánh đại bàng/Cụp đầu lộn xuống Phước Giang giữa đồng". Rồi chiến công của mẹ Dững ở thôn Hội Phước, đi đầu trong đội quân tóc dài thời chống Mỹ cũng không kém phần "huyền thoại".
Chuyện kể rằng: Một hôm, nhiều trực thăng của bọn Mỹ đang chuẩn bị đổ quân "càn" xuống cánh đồng Phước Giang. Sợ hư hại lúa, mẹ xung phong đi đầu đội quân, dùng nón khoát lấy khoát để, không cho máy bay hạ, bọn giặc Mỹ hoang mang không hiểu chuyện gì, liền lái máy bay vào trong chân núi... Về sau có mấy câu thơ tặng mẹ Dững: "Dang tay khoát nón giữa đồng/Trực thăng bọn Mỹ - sợ - trồng bay ra/Bay vào chân núi phía xa/Không ngờ địa võng thiên la đang chờ/Hầm chông, mìn bẫy mịt mờ/Trước khi bị rớt, nghĩ ra bị lừa".
Và ở cuối thôn Đông Lâm, mẹ Nho đã dũng cảm giang tay chặn đầu xe tăng M48 của Mỹ trên đường càn quét vào vùng căn cứ, còn lưu truyền các câu thơ: "Mẹ Nho ta cũng không vừa/Dang tay mẹ chặn trước đầu xe tăng. Em mờ bốn tám hết hăng/Quay đầu lộn cổ, xích lăn về đồn...".
Xin đề cử là cây "Di sản"
Hiện nay, con đường đến cây thị cổ khá thuận tiện nhờ Nhà nước vừa xây dựng cầu Diêu Phong, nối liền hai xã Hòa Nhơn và Hòa Phú. Thiết nghĩ các ngành chức năng TP. Đà Nẵng sớm khảo sát tìm hiểu về cây "thị cổ" qua những nhân chứng sống nhằm đề nghị với ngành chức năng công nhận cây là cây di sản Việt.
Từ đây, đi ra QL14G, du khách sẽ đến các khu du lịch nổi tiếng như: Khu Di tích huyện ủy Hòa Vang, Ngầm Đôi, Núi Thần Tài, Khu trượt thác Hòa Phú Thành, KDL sinh thái Suối Hoa, KDL sinh thái Lái Thiêu trên địa bàn xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang).