(VACNE)-Trong số gần 300 cây cổ thụ đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam thì cây Sấu ở bản Nà Sác, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng có ý nghĩa đặc biệt, bởi nó đứng sát cột mốc số 651 biên giới Việt - Trung.
Rời trung tâm Cao Bằng đầy cờ hoa trong bối cảnh thị xã chuẩn bị được nâng cấp trở thành Thành phố vào một ngày đầu mùa Thu, xe chúng tôi đi về hướng Bắc, vượt qua hơn 40km thì đến bản Nà Sác, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng để chứng kiến sự kiện các vị lãnh đạo Hội BVTN&MT Việt Nam và tỉnh Cao Bằng về gắn biển công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây Sấu cổ thụ đứng ngay bên cột mốc số 651 biên giới Việt - Trung. Cây sấu này mọc cách cửa khẩu Sóc Giang chừng 200m và cách Trạm Hải quan Sóc Giang cũng ngần ấy quãng đường nhưng lối đi hơi gồ gề với đất và đá men theo những ngôi nhà dân thưa thớt.
Bà Triệu Thị Xìn, 75 tuổi (dân tộc Nùng) cho biết: từ lúc còn bé đã nhìn thấy 2 cây sấu cổ thụ của xã to như bây giờ. Nhưng rất tiếc cách đây ít năm, cây sấu cổ thụ ở bản Cốc Vường (còn cao hơn cây sấu này) đã bị chặt hạ. Nay thấy cây sấu của bản Nà Sác được công nhận là Cây Di sản Việt Nam và được chăm sóc bảo vệ, bà con mừng lắm. Câu chuyện cả hai bố con người chặt hạ cây sấu ở Cốc Vường bị chết tươi vì tai nạn xe máy nay sau đó cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Chẳng biết yếu tố tâm linh có độ chính xác bao nhiêu, nhưng chắc chắn niềm tin đã góp phần rất quan trọng để gìn giữ những cây cổ thụ này; đồng thời tạo sức mạnh bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc.
Và hôm nay (3/10/2012) cả nghìn người con đất Việt, từ nhiều vùng quê, đủ mọi thành phần, lứa tuổi lại tề tựu về đây bên ngôi miếu nhỏ - nơi vốn là nền một trạm gác tiền tiêu được lập dựng từ thời Nùng Chí Cao, cách đây cả nghìn năm để vinh danh “cột mốc xanh” là Cây Di sản. Không chỉ bà con dân bản, các chiến sỹ biên phòng, mà cả các nhà khoa học và cán bộ quản lý của địa phương đều xúc động khi tận mắt được chiêm ngưỡng bức ảnh khu vực này, do một người Pháp chụp cách đây gần 100 năm, trong đó có cây sấu mà hôm nay được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam, do ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Cao Bằng vừa sưu tầm được. Bức ảnh cho thấy: vùng này khi đó còn rất nguyên sơ và chỉ có con đường mòn men theo sường núi dốc, xuyên qua trảng cỏ bên gốc cây sấu và chạy về phía cửa khẩu Sóc Giang.
Mặc dù đã trải qua biết bao mùa giông bão, chứng kiến bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng cây sấu cổ vẫn trường tồn và phát triển. Tới nay cây cao 38 m chu vi thân 5,6 người ôm không xuể (hơn 9 mét) và vẫn cho quả hàng năm. Một nam thanh niên địa phương quả quyết rằng: quả của cây này thơm ngon hơn những cây sấu khác trong vùng. Một số người may mắn nhặt được quả rụng dưới gốc ăn thử cũng đồng thuận với nhận xét trên. Nhưng có lẽ vị ngọt và mùi thơm mà họ cảm nhận được còn chứa đựng cả những gì sâu xa hơn thế, đó là tình cảm của những công dân đứng bên cột mốc biên giới quốc gia.
Một vị chuyên gia lâm nghiệp 70 tuổi đi cùng chúng tôi phải thốt nên rằng bành vè của cây sấu này quá tuyệt, tán cây như hình chiếc ô tỏa rộng trong một không gian rộng lớn dưới chân núi. Cây thường xuyên được các chất mùn và nước, trên các khe đá núi chảy xuống bồi bổ; đồng thời không bị tranh chấp ánh sáng bởi bất cứ cây nào khác, nên nó như trẻ mãi không già. Tuyệt vời nhất là cây lại đứng sát cột mốc biên giới và ông nói vui “mốc cây sấu”. Cột mốc xi măng, kẻ xấu có thể di chuyển đi, nhưng “mốc cây sấu” thì không thể đưa đi đâu được. Nó chính là nhân chứng và sẽ trường tồn dưới chân núi với các thế hệ sau này của bản làng.
Từ cây sấu, phóng tầm mắt về hướng Tây Nam qua đường cái vượt qua suối Sóc Giang khoảng 2 Km sẽ thấy ngôi đền thờ Nùng Chí Cao – một vị tướng tài ba người Cao Bằng đã cùng các bộ tộc địa phương chiến đấu oanh liệt chống lại các thế lực xâm lăng phương Bắc, được nhân dân trong vùng ủng hộ, được nhà Lý phong chức Thái Bảo (một trong ba chức quan lớn nhất nhà Lý thế kỷ thứ XI). Đền thờ Nùng Chí Cao ở bản Co Phường, xã Sóc Hà, đã được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Hiện nay nhiều khu vực khác vùng biên giới của tỉnh Cao Bằng vẫn còn vết tích nhiều trạm gác của binh sỹ của Nùng Chí Cao.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu giữa trạm gác của binh sỹ Nùng Chí Cao và cây sấu cổ thụ tại Nà Sác có mối liên hệ nào chăng? Nếu trạm gác binh sỹ Nùng Chí Cao ở cửa khẩu Sóc Giang được dựng dưới bóng cây, hoặc cây sấu cổ thụ được các binh sỹ trồng cùng thời điểm xây dựng trạm, thì cây sấu này đã có tuổi nghìn năm.
Hôm nay, cây sấu bản Nà Sác đã được đặc tên “cây di sản Việt Nam”. Với tước hiệu này, chắc chắn sẽ góp phần làm tôn thêm giá trị lịch sử vốn có của nó. Để không chỉ bà con các dân tộc địa phương, mà tất cả mọi người dân đất Việt, cũng như du khách nước ngoài khi đến đây sẽ thêm tự hào. Vì họ được sống, được gặp lại quá khứ lịch sử ở một vùng biên cương rất hào hùng của dân tộc.
Việc “cụ sấu” được tôn vinh cây di sản, còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc với việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ các nguồn gene quý hiếm mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Hơn thế nữa, nó còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ ở vùng địa đầu của tổ quốc./.
Bài và ảnh: Mạnh Cường