Quê tôi, một vùng nông thôn thuần nông của vùng Đồng bằng Bắc bộ nên làng tôi nhà nào cũng có cây rơm to tướng. Nhà tôi cũng không là ngoại lệ khi cứ sau mùa gặt là cây rơm lại to cao ngất ngưởng. Ngày trước, cứ nhà nào có cây rơm to là thể hiện sự no đủ, giàu có bởi lẽ nhà đó làm nhiều ruộng, cấy nhiều lúa thì đống rơm mới to, thóc đầy bồ, và dĩ nhiên là sẽ có gạo ăn quanh năm.
Cây rơm nhà tôi luôn to, cao nhất xóm và hầu như chẳng mấy khi nhà hết chất đốt, mặc dù tất tật các thứ đun nấu đều sử dụng đến rơm. Một năm có hai mùa lúa và cũng tương ứng với hai lần cây rơm được vun đống mới. Cây rơm nhà tôi được cất ở góc sân trước nhà. Mẹ bảo, từ thời ông bà nội tôi còn sống chỗ đó đã được sử dụng làm chỗ chất rơm, bởi nó gần gian bếp, giếng nước, và khá tiện dụng cho việc lấy rơm mang vào bếp để đun nấu.
Mùa gặt đến, sau khi những đụn lúa gặt ở ngoài đồng về được tuốt sạch những hạt thóc thì rơm được mang ra ngõ phơi. Công việc phơi rơm khá vất vả khi phải rắc rơm đều ra khắp mặt ngõ. Rồi thì, cứ một khoảng thời gian nhất định, tùy theo có nắng nhiều hay không, mà dùng gậy lật mặt dưới của các mảng rơm sao cho rơm khô đều. Nếu trời nắng to mà phơi ở những chỗ không có bóng cây che thì mẻ rơm chỉ hai nắng là khô và mang chất lên đống được. Nếu là những hôm râm trời, ít nắng thì có khi phải mất 3, 4 hôm mới phơi xong một mẻ.
Cây rơm nhà gắn liền với tôi suốt cả một thời tuổi thơ, khi không có ngày nào là tôi không phải ra đó để rút rơm mang vào bếp nấu nướng. Gian bếp nhà tôi chật chội nên chỗ chứa rơm chỉ đủ cho việc đun nấu bữa một. Những năm học cấp 1, cấp 2 là khoảng thời gian tôi gần gũi cây rơm hơn bao giờ hết. Hầu như một tháng có 30 ngày thì có đến 25 ngày tôi phải nấu cơm, đun nước, vì thế chả có ngày nào là tôi không phải ra cây rơm để rút rơm mang vào bếp. Đó còn chưa kể, những buổi tối trước khi đi ngủ mẹ thường sai tôi ra rút ôm rơm to mang vào cho trâu ăn, hay rải ổ cho đàn lợn nằm ở những tháng mùa đông giá rét… Rồi nữa, trò chơi trốn tìm buổi tối quanh chân cây rơm của trẻ con quê cũng là kỷ niệm đẹp khó mờ phai trong tôi.
Vẫn biết rằng, làng quê trong đà đô thị hóa đã đủ đầy, sung túc hơn là điều mừng. Thế nhưng, khi trở về quê nhà không nhìn thấy cây rơm nơi góc sân trước nhà tôi như thấy thiếu thiếu một cái gì đó, bởi hình ảnh của nó không bao giờ có thể mờ phai trong ký ức, vì nó quá đỗi thân thuộc và đã đi cùng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ khi gia đình còn nghèo khó…
Nguyễn Hoàng Đại
(ĐĐK)