VACNE) Tạp chí Văn Hiến Việt Nam ngày 04/11/2017 vừa đăng bài "“Cây Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam”: Phản hồi thông tin kịp thời và những bài học cần thiết", chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sau loạt bài trên vanhien.vn (Phản hồi sau thông tin “Dẹp loạn danh hiệu Nghệ nhân, Cây Di sản”; Danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh và Cây di tích lịch sử văn hóa là chính đáng, hợp pháp cần tiếp tục phát huy; Tiếp tục tôn vinh nghệ nhân và cây cổ thụ trong phạm vi hoạt động xã hội nghề nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội và Hết “nhầm” đến “lẫn”: Có lẽ văn thư không báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch? Đó là những bài viết của nhà báo Đỗ Phượng và nhà báo Quyết Tuấn) cùng một số cơ quan báo chí khác phản hồi công văn của Bộ VHTTDL về “dừng” tôn vinh danh hiệu nghệ nhân và cây di sản. Ngày 09/10/2017, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL chính thức ban hành văn bản số 4300/BVHTTDL-DSVH để kết thúc cuộc tranh luận dài ngày giữa một bên là cơ quan quản lý nhà nước và một bên là một số tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Phản hồi thông tin kịp thời và cũng có hồi kết
- Ngày 10/3/2017, Bộ VH-TT-DL đã có Công văn số 932/BVHTTDL-TTr do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý việc chứng nhận tôn vinh “Nghệ nhân”; công nhận “Việt Nam Linh thiêng cổ tự” và “Cây di sản”. Nội dung công văn yêu cầu các tỉnh thành phố không tổ chức các hoạt động của ba tổ chức là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trong một số hoạt động. Điều đáng nói, hoạt động của ba tổ chức này hoàn toàn không thuộc thẩm quyền của Bộ VHTTDL. Công nhận “Cây Di sản” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Trong văn bản gửi đi Bộ VHTTDL nhầm thành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam).
- Ngay khi công văn được phát hành, Nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã khẳng định với báo chí rằng: “Đã có sự nhầm lẫn, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam không phải là đơn vị công nhận Cây Di sản như văn bản của Bộ VHTTDL đã nêu”
- Ngày 16/3/2017, Nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ký Công văn số 16/2017/QĐ – SVC gửi Bộ VHTTDL; Tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh/thành phố và gửi báo cáo tới Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng TƯ MTTQVN có nội dung chính như sau: “Hội Sinh vật cảnh Việt Nam không phải là đơn vị công nhận “Cây Di sản” như nội dung văn bản số 932/BVHTTDL – TTr đã nêu; Việc điều tra, khảo sát, thẩm định, đề xuất phương án bảo tồn và vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chăm sóc, bảo vệ và tôn vinh cây cổ thụ gắn với các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; Cây gắn với các sự kiện biểu biểu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc; Cây do Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trồng lưu niệm…(gọi tắt là cây Di tích lịch sử văn hóa) là hoạt động xã hội của Hội phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành; Ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của Hội và tôn chỉ mục đích hoạt động, Điều lệ Hội đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Hội đã tổ chức hai cuộc Hội thảo quốc gia vào năm 1992 và năm 2010 với sự tham gia của các Ủy viên Bộ Chính trị, các đồng chí lão thành cách mạng cùng nhiều nhà khoa học cùng với những hoạt động thực tiễn của Hội được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp và nhân dân đánh giá cao…đã đi đến khẳng định việc chăm sóc, bảo vệ và tôn vinh cây cổ thụ, tôn tạo cảnh quan môi trường, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Hội là việc làm tiếp nối những giá trị từ phong trào “Tết trồng cây” do Bác Hồ khởi xưởng; Văn bản cũng khẳng định, việc Hội tôn vinh cây cổ thụ gắn với các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, sinh hoạt cộng đồng không phải là việc “xếp hạng”di tích lịch sử văn hóa cho cây như cách hiểu và viện dẫn văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời cũng khẳng định Hội hoàn toàn không thu tiền, ngược lại còn động viên một số chủ trang trại, nhà vườn ủng hộ kinh phí cho những hoạt động này (Nội dung Công văn trên được vanhien.vn qua bài “Phản hồi thông tin “Dẹp loạn danh hiệu Nghệ nhân, Cây Di sản”).
- Ngày 29/3/2017, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1269/BVHTTDL-TTr về việc đính chính Văn bản số 932/BVHTTDL-TTr ngày 10/3/2017 của Bộ để hiểu cho đúng là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam không phải là cơ quan trực tiếp tổ chức các hoạt động nêu trên trong Văn bản của Bộ. Tuy nhiên những nhầm lẫn và đề nghị rất rõ ràng của Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã không được Bộ VHTTDL quan tâm và khước từ phản hồi đối thoại.
- Ngày 4/4/2017, vanhien.vn đăng bài “Tiếp tục tôn vinh nghệ nhân và cây cổ thụ trong phạm vi hoạt động xã hội nghề nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và Điều lệ Hội” khẳng định: “Đến thời điểm chiều ngày 04/04/2017, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi chính thức của Bộ VHTTDL về nội dung đề nghị trên. Trong khi văn bản của Bộ VHTTDL đã gửi tới các địa phương gây ra cách hiểu không thống nhất, tổn hại đến uy tín và danh dự của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Về nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng: Công văn của Bộ VHTTDL ra đời trong bối cảnh dư luận từng phản ánh về việc nhiều doanh nghiệp tự ý xét tặng danh hiệu để trục lợi. Tuy nhiên, công văn của Bộ không cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn nhầm lẫn và đánh đồng giữa những danh hiệu được xét tặng một cách phi lợi nhuận và có giá trị tích cực với cộng đồng với một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Đặc biệt gần đây, TS. Nguyễn Văn Phương, Trường Đại học Luật Hà Nội đã khẳng định: “Điều 4; 6 và 145 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định, “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân”; Nhà nước khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường như “vận động mọi người tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học” và tổ chức tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm “Tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường”. Tương tự như vậy, Luật Đa dạng sinh học 2008 cũng quy định: “Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân” (Điều 4); Nhà nước khuyến khích việc “Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học” (Điều 6) và “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư lưu giữ và bảo quản lâu dài mẫu vật di truyền để hình thành ngân hàng gen phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 62). Hành vi “đề nghị UBND các tỉnh thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng “không tổ chức các hoạt động nêu trên” (được hiểu là hoạt động công nhận các danh hiệu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp) của Công văn 932/BVHTTDL là hành vi trái pháp luật. Theo nguyên tắc chung của pháp luật thì các hành vi không vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân đều được thực hiện và được Nhà nước bảo hộ, bảo vệ để thực hiện. Mọi hành vi cản trở hoặc đề nghị, yêu cầu người khác cản trở hành vi hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều là hành vi vi phạm pháp luật”.
- Ngày 07/4/2017, vanhien.vn đăng bài “Danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh và Cây di tích lịch sử văn hóa là chính đáng, hợp pháp cần tiếp tục phát huy” trong đó khẳng định: “Hội trân trọng đề nghị Bộ VHTTDL cần xem xét lại văn bản nêu trên và cần sớm văn bản đính chính để có sự chỉ đạo đúng đắn với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước; Văn bản của Bộ VHTTDL ra đời trong bối cảnh dư luận từng phản ánh về việc có hiện tượng doanh nghiệp tự ý xét tặng danh hiệu để trục lợi. Tuy nhiên, văn bản của Bộ không nêu cụ thể, rõ ràng, thậm chí còn để có nhầm lẫn đáng tiếc đánh đồng giữa các hoạt động tôn vinh của nhân dân, tổ chức xã hội với một số hiện tượng tiêu cực…đã gây ra cách hiểu không đúng trong dư luận xã hội; Dư luận đang hy vọng Bộ VHTTDL có đủ dũng cảm và tinh thần trách nhiệm để xử lý văn bản “dừng tôn vinh” này như cách làm đối với văn bản “cấm hát” ca khúc cách mạng nổi tiếng “Màu hoa đỏ” của Sở VHTTDL tỉnh Tiền Giang ban hành trước đó hay không?! Từ những cơ sở và thực tiễn đó, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam khẳng định: Danh hiệu Nghệ nhân Sinh vật cảnh và Cây di tích lịch sử văn hóa là chính đáng, hợp pháp. Hội tiếp tục thực hiện trong khuôn khổ hoạt động xã hội nghề nghiệp phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Ngày 06/9/2017, Bộ VHTTDL đã có Công văn số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung chấn chỉnh hoạt động vinh danh, tôn vinh một số danh hiệu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Điều đáng nói là công văn này có nội dung báo cáo không đúng sự thật khi cho rằng: “Sau khi Công văn 932/BVHTTDL-TTr ngày 10/3/2017 của Bộ VHTTDL ban hành, các tổ chức khác không có ý kiến, riêng Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã có Công văn 16/CV-LH ngày 27/3/2017 và Công văn số 46/CV- Lh ngày 09/6/2017 gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đối với Công văn 932/BVHTTDL-TTr” trong khi ngày 16/3/2017, nhà báo Đỗ Phượng, Chủ tịch Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam ký Công văn số 16/2017/QĐ – SVC gửi Bộ VHTTDL đã có xác nhận của văn thư Bộ.
- Ngày 11/9/2017, vanhien.vn đăng tiếp bài “Hết “nhầm” đến “lẫn”: Có lẽ văn thư không báo cáo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch?” với nội dung khẳng định Công văn số 3754/BVHTTDL-TTr báo cáo Thủ tướng Chính phủ có nội dung không trung thực như trên và bày tỏ băn khoăn: “Từ những sự việc trên, dư luận đang băn khoăn: Có lẽ nào, bộ phận Văn thư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại tắc trách để “lẫn” hoặc làm thất lạc Công văn số 16/2017/QĐ – SVC của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam với một đơn vị khác dẫn tới cả lãnh đạo Bộ này cũng thiếu thông tin đã báo cáo chưa đúng về nội dung này với người đứng đầu Chính phủ? Nếu quả vậy thì quá buồn! Một cơ quan quản lý nhà nước đầu ngành về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà để xảy ra tình trạng văn bản gửi xuống các địa phương thì “nhầm”, gửi báo cáo lên trên thì “lẫn””
- Ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hội và việc thực hiện Điều lệ của hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước về hội, trong đó lưu ý quản lý chặt chẽ việc công nhận, tôn vinh, phong tặng các danh hiệu theo quy định của pháp luật và điều lệ của hội; xử lý theo thẩm quyền đề nghị, phản ánh của các hội, không chuyển công việc thuộc thẩm quyền xử lý lên cấp trên”
- Ngày 09/10/2017, Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL chính thức ban hành văn bản số 4300/BVHTTDL-DSVH có nội dung khẳng định: “Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét việc cấp Bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” của Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” của Hội sinh vật cảnh Việt Nam, đồng thời cho ý kiến về việc quản lý đối với những cây cổ thụ nằm ngoài di tích để có phương án bảo vệ phù hợp với quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp”.
Như vậy, một sự việc không quá lớn, không quá khó để nhận ra những sai sót trong một văn bản cụ thể đã được nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân chỉ ra rất rõ ràng nhưng phải mất đến hơn 200 ngày mới đi vào hồi kết. Dư luận cho rằng hoàn toàn có cách giải quyết khác, đơn giản nhanh chóng hợp lòng dân hơn. Đó là ngày khi phát hiện ra những vấn đề bất cập, Bộ VHTTDL nên tổ chức một cuộc đối thoại trao đổi với các bên có liên quan và đi đến kết luận ngay, sai đâu sửa đó trên tinh thần cầu thị, không nên để cho chính các cơ quan, đơn vị đã tham mưu sai tiếp tục “xoay sở đối phó”, bao biện cho cái sai, cái chưa phù hợp của mình với các bên có liên quan.
Những bài học cần thiết
- Trước khi ban hành Công văn số 932/BVHTTDL-TTr có ảnh hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng Bộ VHTTDL đã không tham khảo đầy đủ các quy định của pháp luật, không tìm hiểu, không đối thoại với các cơ quan liên quan mà vội vàng ban hành một văn bản gửi toàn quốc gây hiểu nhầm và ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động của các tổ chức này là một việc làm đáng tiếc thể hiện sự thiếu tôn trọng các đối tượng bị tác động của văn bản.
- Bộ VHTTDL đã tham gia điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp không thuộc phạm vi quản lí cả về tổ chức lẫn chuyên môn của Bộ (Cụ thể: Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam thuộc quản lý của Bộ Tài Nguyên và Moi trường; Hội Sinh Vật Cảnh VIệt Nam thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Trong văn bản gửi đi, Bộ VHTTDL nhấn mạnh cấm các tổ chức này triển khai các hoạt động khi chưa có quy định pháp luật cho phép thực hiện cho thấy Bộ đã không nắm rõ quy định chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước thể hiện trong nhiều văn bản: “Công dân được quyền làm những việc pháp luật không cấm, Đảng viên chỉ được làm những việc pháp luật cho phép”. Điều này cho thấy sự chủ quan khi ban hành văn bản.
- Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà báo, các đại biểu Quốc hội nhưng Bộ VHTTDL đã phản ứng quá chậm, không trung thực thẳng thắn đối thoại với các bên có liên quan để giải quyết dứt điểm vấn đề mà né tránh và báo cáo lên Chính phủ có nội dung không đúng với thực tế. Điều này cho thấy sự thiếu trung thực và khách quan khi giải quyết một vấn đề phát sinh cụ thể.
Sai thì sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp; Nghiêm túc kiểm điểm nội bộ; Xin lỗi các đối tượng bị tác động sai; Cảm ơn công luận, các chuyên gia và người phát hiện ra những sai sót và góp ý; Rút kinh nghiệm để không lặp lại…Đó vừa là quy trình hành chính thông thường, vừa là cách ứng xử thể hiện đạo đức công vụ, trách nhiệm cộng đồng. Vậy mà trong trường hợp này, Bộ VHTTDL cứ “vòng vo” mãi, phải đến khi dư luận bức xúc, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo mới giải quyết đứt điểm, gây tổn hại ít nhiều đến hình ảnh của một cơ quan Nhà nước; hoạt động của nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp bị đình trệ; tốn khá nhiều thời gian, công sức, “bút mực” của nhiều cơ quan báo chí liệu cần thiết phải “lãng phí” như vậy, trong bối cảnh chúng ta còn nhiều việc quan trọng hơn phải lo cho dân?
Kết thúc viết bài này, tôi xúc động tưởng nhớ Nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam Hương Sắc giai đoạn (1997 - 2017) đã đột ngột qua đời trưa 8/10/2017, hưởng thọ 88 tuổi.