Miếu thờ Mẫu địa đầu làng Hạ Thái đề hai câu thơ: “Vạn cố lưu truyền Gia Hát phố/ Đại thụ thiên niên toả ngát hương”. Đại thụ nhắc tới ở đây là cây đa trên 200 năm tuổi, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tôn vinh là Cây Di sản.
Cây đa Hạ Thái được vinh danh là Cây Di sản
Nhân chứng lịch sử
Với người dân làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (Hà Nội), cây đa đời đời kiếp kiếp vấn vít cổng làng không đơn thuần là vật thể vô tri vô giác. Nó giống như một người bạn tri kỷ; một nhân chứng lịch sử, dõi theo những thăng trầm của làng.
Các cụ cao niên trong làng chẳng thể biết chính xác cây đa này có từ bao giờ, nhưng căn cứ vào những bức hoành phi, câu đối do chính người Hạ Thái làm ra, các chuyên gia sinh vật cảnh xác nhận nó được trồng vào triều đại Tây Sơn, cách nay khoảng hơn 200 năm.
Cuối triều Lê (năm 1778), Hạ Thái chỉ là một xóm nhỏ (gọi là Thượng Kiệt) nằm ở tả ngạn sông Tô Lịch, cách kinh thành Thăng Long nửa ngày đi bộ. Thời ấy Pháp chưa đô hộ nước ta nên không có QL 1A như bây giờ. Sĩ tử từ miền Trung, miền Nam lai kinh ứng thí phải đi thuyền qua sông Tô Lịch mới vào được Quốc Tử Giám. Đến bây giờ, nhiều người dân bản địa vẫn ví đó là “tuyến đường lai kinh”.
Nắm bắt được lợi thế đắc địa của vùng đất cửa ngõ kinh thành, bà con Thượng Kiệt đua nhau mở hàng quán phục vụ những người đi đường, hình thành nên phố Gia Hát. Làng Giường xưa trở thành nơi trọ nghỉ của các bậc nho sĩ khi lều chõng đi thi.
Để tạo không gian thoáng mát, người ta đã trồng cây đa ở đầu phố. Theo năm tháng, thân đa vươn mình lớn dậy, tạo nên “cái ô thực vật” khổng lồ che nắng cho mọi người. Cây đa trở thành nhân chứng lịch sử chứng kiến bao khát vọng vươn tới đỉnh cao tri thức của người Việt.
Cụ Đỗ Văn Vụ (78 tuổi), một người cao niên trong làng chia sẻ: “Cây đa là “cột mốc sống” của hai xã Duyên Thái và Đông Mỹ; hai huyện Thường Tín và Thanh Trì. Cây đa - bến nước - sân đình là biểu tượng cho nét đẹp của làng Việt truyền thống”.
Những trưa hè oi ả, dưới gốc đa tỏa bóng râm như cái ô khổng lồ ven đường làng, mọi người quây quần chuyện trò rôm rả. Chốc chốc, những cơn gió thổi mát rượi khiến cho bất cứ ai cũng có cảm giác khoan khoái.
Cảm hứng cho văn nghệ sĩ
Bóng mát của cây đa đã trở thành một trong những tụ điểm văn hoá của làng. Nó thu nhận bao câu chuyện của đời sống, bao biến thiên của làng nghề sơn mài cổ trên đất kinh kỳ.
Cây đa đầu làng Hạ Thái tạo cảm hứng sáng tác cho nhiều họa sĩ
Hạ Thái là nơi sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa. Trưởng thôn Đỗ Văn Khoái kể, từ hàng trăm năm trước, người dân của làng đã đi khắp đất Việt để làm hoành phi, câu đối, đồ thờ tự sơn son thếp vàng… trong các cung đình, lăng tẩm, chùa chiền.
Những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, đồ sơn mài, khảm trai của làng đã xuất khẩu sang tận Đông Âu, Nam Phi và các nước châu Á (Malaysia và Singapore), tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Ông Vũ Huy Mến, thành viên BCH Hội làng nghề Hạ Thái - Duyên Thái, kể: Hồi bé, tôi đã được ông nội dẫn ra gốc cây đa đầu làng để vẽ tranh. Đến bây giờ, nghệ nhân trong làng vẫn thường tụ họp ở đó để chia sẻ kinh nghiệm làm sơn mài.
Cây đa đã trở thành cảm hứng sáng tác cho nhiều hoạ sĩ và đi vào thơ ca truyền miệng. Cây đa xù xì, rậm rạp, lừng lững, uy nghiêm và vô cùng thân thuộc. Những đêm trăng vằng vặc, gốc đa làng lại là nơi chứng kiến bao nhiêu lứa đôi thuộc nhiều thế hệ của làng tôi tình tự và đằm thắm trao nhau những lời thệ hải minh sơn…
Mỗi đợt tuyển quân đầu năm, làng tôi cũng chọn bóng đa cổ kính ấy làm nơi tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ.
Theo Minh Hoàng (Báo Nông Nghiệp)