(VACNE) - Trong số hơn 300 “lượt xem” bài “Carbon Công dân” trong mục “Tản mạn môi trường” dù mới ra mắt hơn 1 tháng, nhưng không ít phản hồi là khó hiểu quá, bởi nó được thể hiện dưới dạng “Thơ nóng”. Nên Phó Hội Viên đành phải “trao đổi lại” bằng ngôn từ thông dụng, để mọi người cùng thông cảm và chia sẻ.
Ý tưởng Carbon Cộng đồng (CC) có thể là hơi mới lạ và khi tìm trên mạng, ta thấy nhiều biến thể của nó. Thường gặp một số cụm từ/thuật ngữ liên quan đến CC, chẳng hạn như thông tin mới nhất là cụm từ “The Citizen Carbon Budget – Ngân sách Carbon Công dân (CCB)”. Trong đó, tác giả cho biết: “…Để đạt được “Net Zero” vào năm 2050, chúng ta cần một số biện pháp can thiệp triệt để và mang tính đột phá. Đặc biệt, ý tưởng về Ngân sách Carbon Công dân (CCB) mà tác giả đưa ra cũng rất đơn giản.
Cụ thể là: mỗi người đều có một Ngân sách Carbon mà họ có thể chi tiêu mỗi tháng. Mọi quyết định tiêu dùng “dấu chân carbon” đều do cá nhân đó quyết định và ảnh hưởng đến Ngân sách này họ. Lượng khí thải carbon sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn và bị ảnh hưởng bởi phương thức tiêu dùng của người sử dụng. Ví dụ như: chọn phương tiện vận chuyển (máy bay hay xe đạp), khoảng cách di chuyển và các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm...có nguồn gốc, quy trình sản xuất khác nhau, thì “Dấu chân carbon” bị khấu trừ của người tiêu dùngcũng khác nhau.
Tầm nhìn về Ngân sách Carbon liên quan mật thiết đến công nghệ, hệ thống quản trị ở hai cấp độ khác nhau:
- Tự động hóa lượng khí thải carbon của mỗi cá nhân từ các nguồn kỹ thuật số khác nhau thông qua cơ sở hạ tầng 'thông minh' trong đó các tác nhân tính toán cá nhân thu thập dữ liệu thay mặt cho các cá nhân, ví dụ có thể thông qua “Thiết kế viễn tưởng” của CCB ( Design Fiction- CCB).
- Nguyên mẫu thực tế của ứng dụng “Ví ngân sách carbon” (Carbon Budget Wallet - CBW) sẽ triển khai các đề xuất được cá nhân hóa do AI điều khiển như một động lực khuyến khích mọi người giảm lượng khí thải carbon của họ.
Nhìn chung, ở giai đoạn hiện nay của nhận thức và sự sẵn sàng của các quốc gia, cần tiến hành 1 số dự án với mục đích là để điều tra tính khả thi về mặt kỹ thuật, các mối quan tâm về quy định, độ tin cậy và khả năng chấp nhận của công chúng đối với một hệ thống liên quan đến CC, chẳng hạn như dự án về CBW nói trên mà một phần trong số đó sẽ được nghiên cứu dưới dạng nguyên mẫu hoạt động (ứng dụng CBW ), trong khi phần còn lại sẽ tạo thành Thiết kế viễn tưởng có liên quan, đòi hỏi nhiều thời gian hơn…”.
Đại học Nottingham đã xây dựng một Dự án dựa trên ứng dụng CBW, ứng dụng mà người dùng sử dụng để báo cáo các hoạt động tiêu thụ carbon của họ (du lịch, sử dụng năng lượng và tiêu thụ thực phẩm) và cung cấp so sánh với lịch sử của chính người dùng như cũng như ẩn danh đối với những người dùng khác. Người tham gia Dự án này sẽ được tính và được “thưởng” liên quan đến các hoạt động tiêu thụ carbon của họ.
Suy rộng ra sẽ thấy, nếu mỗi người, mỗi công dân tham gia Dự án “CBW”, người đó dần dần sẽ tự động tìm cách giảm phát thải ít nhất là trong các hoạt động đi lại, mua sắm và tiêu thụ thực phẩm. Quan trọng hơn, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính nhanh chóng và trực tiếp sẽ đi vào cuộc sống của từng con người. Nếu cả triệu người, và may mắn hơn, nếu cả tỷ người đều hành động bằng cách tham gia trực tiếp vào Dự án này hoặc những dự án tương tự, thì kết quả sẽ rất khả quan, nếu không muốn nói là vô cùng to lớn.
Thụy Điển là quốc gia đang cổ súy cho các dự án loại này. Liệu 100 triệu người Việt Nam ta có thể đồng hành?