Cặp đôi Long não di sản tuyệt đẹp đã chia lìa - ảnh 1    

Ngày 26/9/2018, chúng tôi đến chứng kiến cảnh cưa xẻ cây Di sản trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.   


Vừa bước vào cổng đã nghe náo nhiệt tiếng hô cẩu gỗ xếp lên xe lẫn trong tiếng máy cưa nổ giòn. Cả không gian ngào ngạt mùi hương tinh dầu tỏa ra từ những đoạn cành nhánh không ngừng bị cắt lìa khỏi khối gốc to khổng lồ chờ đào, bứng. Gỗ Long não thuộc nhóm 4, không quá rắn chắc nhưng có vân gỗ tự nhiên rất đẹp.

 

Cặp đôi Long não di sản tuyệt đẹp đã chia lìa - ảnh 2

Phần lớn thân cành còn phủ kín rêu xanh, tầm gửi và phong lan ...

Đây là 1 trong 2 cây Long não được trồng đối xứng bên cổng ra vào phía mặt đường Nguyễn Du của khu di tích. Cả hai cây phát triển rất đều nhau, từ độ cao, tán lá đến cách chia cành, tạo nhánh. Mỗi cây đều có chu vi gốc lên tới 8m, đường kính thân 2,5 m, cao khoảng 30 m. Tán lá xanh tươi, phần lớn thân cành lại còn phủ kín rêu xanh, tầm gửi và phong lan, vừa tự nhiên vừa hoang dã, trông như cổ thụ nghìn năm.  

 

Cặp đôi Long não di sản tuyệt đẹp đã chia lìa - ảnh 3  


Gần 4 năm trước, ngày 17/12/2014, đôi cây Long não này đã được vinh danh là Cây di sản Việt Nam, do Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Hội đồng Cây di sản Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk cùng tổ chức lễ công nhận. 


Theo nội dung ghi trên tấm bia cắm dưới tán cây, thì năm 1914, viên quan Pháp Leopold Sabatier khi về nhận chức Công sứ tại Đắk Lắk đã khởi công xây Tòa Đại lý Quận trưởng. Suốt quá trình xây dựng, Sabatier cho trồng nhiều cây xanh, trong đó có đôi cây Long não trồng hai bên lối vào dinh thự.   

Theo dõi, chỉ đạo việc cưa cắt cây Long não chết khô, ông Nguyễn Trung Hiếu phó giám đốc Xí nghiệp Công viên Cây Xanh thuộc Công ty Quản lý Đô thị - Môi trường Đắk Lắk cho biết: Từ năm 2016 khi phát hiện cây có dấu hiệu bị bệnh, Công ty đã làm tờ trình lên UBND tỉnh, liên hệ với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các chuyên gia của Bộ Nông nghiệp &PTNT, Hội Bảo vệ Môi trường VN để cùng tìm cách cứu cây.

 
Thạc sĩ  Lê Anh Kết chuyên ngành bảo vệ thực vật, người từng chữa bệnh thành công cho cây Đa Tân Trào ở Thái Nguyên cũng về tận nơi, cùng các cộng sự “chẩn bệnh” và điều trị công phu cho cây.

 
Cặp đôi Long não di sản tuyệt đẹp đã chia lìa - ảnh 4  

Các chuyên gia đã đào rất sâu vòng quanh cây, thay đất, xử lý diệt khuẩn cho bộ rễ,
nhưng không thành công.


Nhóm công nhân cưa cắt ước tính cây Long não chết cho chừng 40m3 gỗ. Phía Xí nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ cưa cắt, bốc dỡ, bứng toàn bộ thân gỗ, gốc rễ bàn giao lại cho Bảo tàng quản lý, sử dụng. Sau đó, Xí nghiệp sẽ múc bỏ toàn bộ đất, xử lý diệt khuẩn bằng vôi và hóa chất, đưa đất mới về, trồng bù vào bằng một cây Long não trẻ. Cây thế chỗ hiện cao hơn 5 mét, đường kính khoảng 20cm, gieo ươm từ 14 năm trước trong Lâm viên cảnh Buôn Ma Thuột.
 

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, Tỉnh ủy đã chỉ đạo giữ nguyên phần gốc rễ cây để trưng bày. Phía Bảo tàng đang tìm đối tác xử lý chống mối mọt, dự kiến xin tỉnh cho phép Bảo tàng sử dụng cả cây tạo thành trọn bộ sưu tập đồ gỗ Long não. Trong đó có việc tạo vòm nhân tạo tựa như tán cây để làm mái che cho nơi đặt gốc cây Long não trên bệ đỡ ngoài trời.
 

Nếu có nhà tài trợ, sẽ mời nghệ nhân tạo hình quanh gốc, trưng bày cùng những bộ tượng dân gian. Những đoạn gỗ tốt thì làm thuyền độc mộc, ghế kpan, chế tác bộ ghế ngồi lớn nhỏ, thớt gỗ khổng lồ nhằm tăng phần hấp dẫn cho mảng hiện vật đa dạng sinh học. Các nhánh gỗ nhỏ hơn có thể làm hàng lưu niệm thủ công...


 

Cặp đôi Long não di sản tuyệt đẹp đã chia lìa - ảnh 5

Có chuyên gia Lâm Sinh nhờ phóng viên báo Tiền Phong chuyển lời đến Xí nghiệp Công viên Cây Xanh: Cần lưu ý việc dùng chung cưa cắt cành khi chuyển từ cây bệnh sang cây khỏe, cũng có thể khiến cây khỏe nhiễm bệnh.


Bây giờ cặp đôi Long não Di sản lớn nhất Việt Nam còn có mỗi một cây, phải vô cùng cẩn trọng khi chăm sóc, bởi cây Long não đại thụ này có ý nghĩa rất giá trị về lịch sử và văn hóa.