Thủa nhỏ, ở quê khi nắng bắt đầu rực rỡ cũng chính là mùa cua đồng. Buổi sáng, lũ trẻ con chỉ đi dọc vài bờ ruộng là đã có mớ cua ngon. Những chú cua chắc nịch nằm im dưới gọng cỏ xanh để trốn nắng cũng bị những đứa trẻ tinh quái chúng tôi tóm gọn. Nhưng ngon nhất vẫn là những chú cua đá được soi ban đêm. Buổi tối mát mẻ sau một ngày nắng nóng, khắp đồng ruộng vang lên những âm thanh của đủ các loại ếch nhái thì những chú cua đá mới từ trong hang sâu thong dong ra ngoài hóng mát. Với chiếc đèn nhỏ trong tay, một cái giỏ tre lũ trẻ chúng tôi "ra trận” trong đêm tối, đi dọc theo những mương nước sâu. Ở dưới làn nước mát lành, những chú cua đá làm sao có thể thoát khỏi ánh đèn loang loáng. Thằng Ngọc thường đi đầu cầm đèn soi trúng thì dừng lại và ra lệnh cho chúng tôi nhè nhẹ bước xuống tóm lấy trong tiếng hò reo của những đứa còn lại. Tiếng cười giòn tan vang vọng khắp cả cánh đồng quê.
Cua đồng được nấu với nhiều loại rau khác nhau như tập tàng, bầu, rau rút, rau đay hay nấu canh chua. Nhưng chúng tôi thích nhất là canh cua đồng với mùng tơi. Cua đồng được rửa sạch, gạy lấy gạch ở mai, còn thân được giã nhuyễn. Ngọc thường chịu trách nhiệm rửa cua, và xé cua ra làm đôi. Bàn tay thô ráp vụng về của nó làm cua thật khéo. Những đôi càng to khỏe của con cua hung dữ cứ ngo ngoe nhưng chẳng bao giờ cặp được vào tay nó. Cầu kì nhất ở công đoạn giã nhuyễn. Chiếc cối giã cua phải là cối đá xanh nặng cùng với chiếc chày bằng gỗ mít. Mẹ nói rằng cua đồng phải giã bằng chiếc cối ấy mới thật ngon, thật ngọt. Mẹ giã thật nhẹ nhưng đều tay sao cho cua nhuyễn lại mà vẫn không bị bắn ra xung quanh. Sau khi giã xong, mẹ cẩn thận lọc lấy nước không cho lẫn một chút bã nào. Chúng tôi đứng nhìn mẹ làm biết bao nhiêu lần mà không học được.
Bữa cơm chiều nghèo nàn với bát canh cua đồng và vài quả cà muối nhưng chúng tôi đánh đến vài bát chưa thấy no. Vị ngọt của cua đồng, mềm dịu của rau mùng tơi cùng cái mặn mòi của cà muối mặn hòa quện thành dư vị khó quên…
(ĐĐK)