quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI NGHỊ COP 15

"Canh bạc" về biến đổi khí hậu

Thứ Tư, 09/12/2009 | 11:06:00 AM

Nản lòng với những dự báo mang tính khải huyền, người ta muốn một điều kỳ diệu tại Copenhagen. Vì vậy, cảm nhận về thất bại có thể gây ra sự mất lòng tin rất lớn - và không tránh được - đối với các chính trị gia của chúng ta.

Tác giả: Mikhail Gorbachev - Alexander Likotha (*)

Những ngày này, nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đang tụ họp tại Copenhagen (Đan Mạch), tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. Những cuộc thảo luận cũng như thương lượng đang được tiến hành về việc ứng phó và thích nghi với sự biến đổi của khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Tuần Việt Nam xin gửi tới quý độc giả bài viết của Mikhail Gorbachev - cựu Tổng thống Liên bang Xô viết, Chủ tịch sáng lập của Quỹ Chữ thập Xanh quốc tế và Alexander Likhotal - Chủ tịch của Quỹ Chữ thập xanh quốc tế, thành viên của Lực lượng hoạt động vì sự thay đổi của khí hậu. Dưới đây là toàn văn bài viết.

Sự hoài nghi dâng cao và các cuộc đàm phán bế tắc đã lên tới đỉnh điểm trong một tuyên bố rằng Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Copenhagen lần này sẽ không mang lại một thỏa thuận toàn diện về khí hậu toàn cầu. Có thất vọng không? Chắc chắn là có. Nhưng Hội nghị thượng đỉnh  về Biến đổi Khí hậu  tại Copenhagen  vẫn  mang ý nghĩa là một bước chuyển tiếp. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần xem xét là từ đây, chúng ta sẽ đi tới đâu.

Cụm từ "vào ngày hôm sau" thường được đi kèm với từ “buồn nản”. Thiếu một thỏa thuận ràng buộc có thể dẫn tới một sự ngán ngẩm trên oàn cầu, và không chỉ trong một ngày. Nản lòng với những dự báo mang tính khải huyền, người ta muốn một điều kỳ diệu tại Copenhagen. Vì vậy, một cảm nhận về thất bại có thể gây ra sự mất lòng tin rất lớn - và không tránh được - đối với các chính trị gia của chúng ta. Chẳng có gì ngạc nhiên khi các chính phủ tìm cách giải quyết những kỳ vọng của chúng ta vào họ một cách cẩn thận hơn.

Hạn hán tại Trung Quốc. Nguồn ảnh: Website của Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP 15

Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thực sự đối mặt với việc thế giới sẽ ra sao khi tiến gần tới “điểm bùng phát”. Nhưng, trong khi một biến đổi của khí hậu vẫn còn là một mối nguy hiểm, thì thực tế là các chính trị gia lại đang “bỏ trốn” (khỏi vấn đề này. Các cuộc đàm phán chính thức đã bị tách ra khỏi thực tế. Theo các nghiên cứu khoa học mới nhất, các đề xuất hiện nay trong các cuộc thảo luận cho thấy, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên hơn 4 độ C trong thế kỷ này - gấp đôi so với mức tối đa 2 độ C mà nhóm G-8 và các nhà lãnh đạo khác đã đưa ra. Điều đó sẽ dẫn tới khả năng trên 50 % khí hậu Trái đất sẽ tiến nhanh tới “điểm bùng phát”.

Một thỏa thuận dựa trên các thông số đang nằm trên bàn đàm phán sẽ đẩy chúng ta vào vị trí nguy hiểm hơn một trò chơi rulet (trò “cò quay” trong đánh bạc) của Nga. Để tránh sự nản chí toàn cầu vì không đạt được thỏa thuận nào cũng như dối lòng của một thỏa thuận yếu, một bước đột phá là điều cần thiết - và vẫn có thể đạt được tại Copenhagen.

Một tiến trình hai bước lúc này là sự đánh cược lớn nhất của chúng ta. Các quốc gia nên đưa ra một cam kết chính trị tới một lộ trình bao gồm các mục tiêu tổng thể, một khuôn khổ các thể chế và những cam kết cụ thể đối với các hành động và tài trợ tài chính sớm. Tuyên bố cần có quy định rằng một thỏa thuận pháp lý ràng buộc sẽ phải được hoàn tất trước COP15-2 vào năm 2010.  Điều đó sẽ cho phép Mỹ và các quốc gia khác ban hành các quy định pháp luật trong nước cần thiết, và cho các nhà đàm phán của Liên Hợp Quốc thời gian để biến tuyên bố COP 15 thành một hệ thống pháp lý, phù hợp và hoàn toàn khả thi. Như vậy, điều đó có nghĩa là sẽ phải tiến hành xem xét lại toàn bộ tài liệu, văn kiện hiện hành.

Thêm vào đó, có thể sẽ là cần thiết phải tiến hành một hội nghị đánh giá vào năm 2015 để điều chỉnh các mục tiêu và kế hoạch của chúng ta cho phù hợp với tình hình thực tế mới. Do đó, điều quan trọng hơn bao giờ hết là nguyên thủ các nước cần phải tham dự hội nghị Copenhagen, vì giải pháp hai bước này chỉ có thể thực hiện được với sự can thiệp trực tiếp và mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo.

Năm 1985, thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh, khi các cuộc đàm phán lâm vào bế tắc tại hội nghị thượng đỉnh Geneva giữa Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết, các nhà đàm phán chịu sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo nước mình, phàn nàn về sự thiếu tiến bộ: “Chúng tôi không muốn nghe những lời lý giải của các ông về việc tại sao không thể làm được điều này. Cứ làm đi!” Và công việc đó đã được hoàn thành vào buổi sáng hôm sau. Các nhà lãnh đạo hôm nay phải tới hội nghị Copenhagen và nói rằng, “Chúng tôi muốn việc này phải được thực hiện”.

Để đạt được các tiến triển, hội nghị Copenhagen cần phá vỡ thế bế tắc chính trị giữa các quốc gia đang phát triển và các nước đã phát triển. Sự bất bình đẳng về khí hậu cần phải được khắc phục. Các nước đang phát triển đang phải chịu gánh nặng chủ yếu từ ảnh hưởng và đối mặt với những chi phí rất lớn để thích ứng với sự biến đổi khí hậu rất lớn. Trên bàn thương lượng, các nước giàu phải chi tiền. Những tuyên bố rằng họ thiếu các nguồn lực cần thiết nghe quá sáo rỗng khi mà thực tế, đã có hàng ngàn tỷ đôla được chi ra để giải cứu các ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Các nước nghèo nhận thức được sức mạnh của họ trong việc cản trở sự tiến triển. Quyền phủ quyết đang dịch chuyển một cách có hiệu quả từ Hội đồng Bảo an sang G 77 + Trung Quốc. Mười năm trước ở các nước phương Tây, liệu ai có thể tưởng tượng được rằng tương lai và cuộc sống con cái của họ sẽ phụ thuộc vào các quyết định được đưa ra từ Bắc Kinh hay Ấn Độ hay Addis Ababa?

Vì thế, các nước công nghiệp phát triển cần đưa ra một khoản tài trợ tài chính thực sự càng sớm càng tốt để dành thời gian cho một phản ứng tích cực và các tuyên bố cam kết từ các nước đang phát triển. Đặc biệt, cam kết cho một quỹ đầu tư sớm khởi động - ít nhất 20 tỷ đôla để hỗ trợ ngay lập tức cho các nước kém phát triển nhất là cực kỳ quan trọng. Việc này sẽ giúp xây dựng lòng tin, và tạo điều kiện để tái khởi động các cuộc đàm phán hiệu quả.

Các nhà lãnh đạo cần trung thực về tầm cỡ của thách thức và công nhận rằng một sự thay đổi toàn diện, có tính chuyển hóa không chỉ là các động thái gia tăng đơn thuần, mà đó thực sự cần thiết. Việc đối phó với thay đổi khí hậu phải được hiệu chuẩn lại cho đúng cấp độ và tình trạng khẩn cấp của mối đe dọa này. Một thỏa thuận toàn cầu mới phải được dựa trên cơ sở khoa học, chứ không phải là thỏa hiệp để đạt được mẫu số chung nhỏ nhất được quy đồng từ các khoản lời.

Việc quản lý rủi ro đúng đắn ngày nay cho rằng lượng carbon trong không khí cần phải được duy trì ổn định ở mức tương đương 350 phần triệu, không phải mức 450-500ppm theo lộ trình. Điều này đồng nghĩa với việc đến năm 2020, các nước phát triển phải cắt giảm 45-50% lượng khí thải, và gần như hoàn toàn khử carbon vào năm 2050, chứ không phải mức 15-25% tới năm 2020 và 60-80% tới  năm 2050 như đang ở trên bàn đàm phán hiện nay. Các nước đang phát triển lớn trên thế giới cũng phải cam kết thực hiện các biện pháp giảm thải thích hợp ở cấp độ quốc gia mình. Nhưng các nước giàu cần phải hành động trước tiên. Sự ì trệ của họ trong suốt 20 năm qua khiến họ không có quyền "chỉ tay năm ngón" nữa.

Các chính phủ không nên che giấu sự thật trước công dân của họ. Tất cả mọi người sẽ phải hy sinh một phần nào đó. Nhưng liệu bạn có muốn ngôi nhà của mình rẻ rúng, bẩn thỉu và nguy hiểm hay là một ngôi nhà sạch sẽ, gọn gàng và an toàn? Bạn có sẵn sàng nói rằng: “ Được rồi, các con, cha/mẹ được thừa hưởng ngôi nhà này nhưng cha/mẹ đã sao nhãng trong việc giữ gìn nó. Vì vậy, các con sẽ phải lo cho việc mái nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào”? Đó không phải là loại di sản mà bất kỳ ai trong số chúng ta muốn để lại cho con cháu của mình.

Phạm Văn Mỹ (dịch từ Project  Syndicate)

-----------------------

* Mikhail Gorbachev - cựu Tổng thống Liên bang Xô viết, Chủ tịch sáng lập của Quỹ Chữ thập Xanh quốc tế.
* Alexander Likhotal là Chủ tịch của Quỹ Chữ thập Xanh quốc tế và là thành viên của Lực lượng hoạt động vì sự thay đổi của khí hậu.

Lượt xem: 1631

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE