Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 5km, Cái Răng là điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến Cần Thơ. Không chỉ giao thông thuận lợi, Cái Răng còn có lợi thế về sông nước, vườn cây, làng nghề… thích hợp để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, mang đến hành trình trải nghiệm nhiều cảm xúc về đất và người Cái Răng.
Giàu tiềm năng
Nằm dưới dạ cầu Cái Răng Bé, Lò hủ tiếu Quê Tôi (số 2, khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình) thu hút đông đảo du khách. Nơi đây không chỉ là điểm dừng dân lý tưởng để du khách thưởng thức hủ tiếu thơm ngon mà còn trải nghiệm từ khâu tráng bánh đến cắt sợi hủ tiếu.
Ông Huỳnh Ngọc Hiếu (62 tuổi), còn gọi là chú Năm Nghiêm- hơn 42 năm gắn bó với nghề làm hủ tiếu truyền thống, chia sẻ với du khách bí quyết làm nên hủ tiếu dai, trong và ngon. Tại đây, ngoài hủ tiếu truyền thống còn có những các loại hủ tiếu độc đáo làm từ nguyên liệu tự nhiên: lá cẩm, lá dứa, gấc…
Anh Nguyễn Trung Quân, Quản lý lò hủ tiếu Quê Tôi, cho biết: “Mỗi loại hủ tiếu có màu sắc, hương vị khác nhau, du khách sẽ có cảm nhận mới về ẩm thực truyền thống. Bên cạnh đó, du khách tham quan ngôi nhà cổ phía sau hoặc gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản ẩm thực, tiểu thủ công mỹ nghệ của Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL”.
Mới đi vào hoạt động vài tháng, Lò hủ tiếu Quê Tôi trung bình mỗi ngày đón từ 200 khách, cuối tuần số lượng có thể gấp 2-3 lần. Lò gần chợ nổi và chợ truyền thống Cái Răng, đi thêm vài trăm mét là đến xóm thúng Yên Hạ- làng nghề nổi tiếng của Cái Răng. Xóm thúng còn một số gia đình bám nghề và sẵn sàng đón tiếp du khách.
Ông Tô Hiến (khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng)- người gắn bó với nghề hơn 50 năm, cho biết: “Ngoài làm sản phẩm bỏ mối, thi thoảng vợ chồng tôi cũng đón khách du lịch. Mình chỉ họ làm vài công đoạn đơn giản hoặc mấy sản phẩm nho nhỏ. Khách họ thích lắm”.
Đây được xem là tuyến điểm mới đang được khai thác ở Cái Răng, kết nối chợ nổi, chợ truyền thống, tham quan nhà cổ, trải nghiệm làng nghề, ẩm thực. Tuyến điểm này thuận lợi về đường thủy lẫn đường bộ, du khách dễ dàng di chuyển bằng: ghe, xe ô tô, xe máy hoặc xe đạp, bởi khoảng cách các điểm tham quan cũng chỉ chừng vài trăm mét.
Ngoài thế mạnh sông nước với lợi thế chợ nổi, Cái Răng còn là điểm đến mới về du lịch sinh thái. Vườn cây Cái Răng không quá rộng nhưng lại là những vườn cổ. Người dân khai thác du lịch và đầu tư nhiều dịch vụ trải nghiệm nên các điểm này ngày càng thu hút du khách.
Vườn du lịch sinh thái Lê Lộc (568A, khu vực 4, phường Ba Láng) khiến du khách say mê bằng vườn cây măng cụt cổ, có tuổi đời hơn 120 năm. Vườn cây đã qua ba đời trong gia tộc ông Nguyễn Hữu Lộc xanh tươi, trái ngọt. Khung cảnh yên bình còn được điểm tô bằng ao sen, cầu ván thơ mộng để du khách ngắm cảnh, câu cá, bơi ghe quanh vườn.
Trong khi đó, vườn sinh thái Bảo gia trang viên (khu vực Phú Quới, phường Thường Thạnh) rộng khoảng 2.500m2, làm du khách choáng ngợp bởi vườn cây độc và cổ. Ngoài những cây bonsai tuyệt đẹp, nơi đây còn có những cây sala cao lớn và những cây khế hàng trăm tuổi. Không gian thoáng mát, đẹp thơ mộng với những ao hoa súng, cá tung tăng bơi lội.
Bảo gia trang viên còn có các trải nghiệm mới: bơi thuyền thúng, leo núi, các trò chơi trên không… Tại đây có vườn dưa lưới (giống Taki Nhật Bản) để du khách thu hoạch, chế biến các món ăn. Không gian rộng, thoáng mát tại Bảo gia trang viên thích hợp để tổ chức các hoạt động dã ngoại, trò chơi đồng đội. Tại Cái Răng, có khoảng 6-7 vườn sinh thái: Xẻo Nhum, Sân vườn, Hoa súng… thường được nhiều du khách lựa chọn thư giãn cuối tuần.
Cái Răng còn có thế mạnh homestay: Nguyễn Shack, Minh Tín, Thế Phương, Hưng… gắn với các tour trải nghiệm làng nghề, văn hóa bản địa. Homestay Hưng (163 khu vực Thạnh Huề, phường Thường Thạnh) có nhà tre lá nhỏ nằm len lỏi trong vườn và ven sông, khung cảnh thanh bình, thoáng mát.
Là người đưa đò trên chợ nổi Cái Răng, anh Nguyễn Hữu Nam Hưng- chủ Homestay Hưng, hiểu được mong muốn khám phá của du khách quốc tế nên đã xây dựng những hành trình mộc mạc, đậm chất bản địa, như những buổi chiều tìm hiểu làng nghề dệt chiếu, đan thúng, nấu rượu hay những buổi tối chèo ghe dọc rạch Cái Chanh xem đom đóm, tận hưởng không gian tĩnh mịch làng quê.
Anh Nguyễn Hữu Nam Hưng chia sẻ: “Tôi đưa họ đến những điểm gắn bó nếp sinh hoạt hàng ngày của người Nam bộ, giải thích về sự thay đổi của một số phong tục, nếp sống xưa, nay”. Trong khi đó, tại Út Hiên Homestay (khu vực 4, P.Ba Láng), du khách yêu thích lớp học nấu các món ăn truyền thống, hay các hoạt động trải nghiệm đồng quê (tắm sông, làm vườn, tát mương bắt cá…).
Phát triển thành không gian du lịch trọng điểm
Huyện ủy- HĐND- UBND quận Cái Răng xác định phát triển du lịch đặc trưng sông nước, gắn với khai thác loại hình du lịch sinh thái, khám phá làng nghề, văn hóa bản địa, di tích văn hóa- lịch sử. Trong đó, xác định không gian du lịch ở các phường Lê Bình, Thường Thạnh, Ba Láng là trọng điểm để xây dựng sản phẩm và các dịch vụ chất lượng. Đồng thời, chú trọng xây dựng và khai thác các tour, tuyến đường sông từ chợ nổi Cái Răng, rẽ nhánh, len lỏi vào các kênh rạch kết nối với các điểm du lịch đặc trưng của địa phương.
Trên cơ sở đó, Cái Răng đang triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và Phát triển chợ nổi Cái Răng”. Quận đã hoàn thành hồ sơ, phê duyệt phương án bồi thường và hỗ trợ di dời nhà kho Nông trường Sông Hậu (kinh phí hơn 8,5 tỉ đồng) và đang tiếp tục thực hiện các hạng mục theo tiến độ.
UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Lê Bình và Đoàn phường thực hiện vớt rác trên sông nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường chợ nổi. Địa phương cũng đang tích cực đảm bảo an sinh xã hội cho người dân chợ nổi, tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận nguồn vốn vay làm du lịch từ Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố, nhằm duy trì ổn định các hoạt động mua bán trên sông.
Ngoài ra, hàng năm, UBND quận còn tổ chức Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng, tạo sự kiện thu hút du khách.
Cái Răng cũng đã quy hoạch và triển khai một số dự án du lịch dọc các cồn theo định hướng phát triển du lịch sông nước, sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng: khu đô thị du lịch sinh thái cồn Ấu, dự án tổ hợp sân golf và khu biệt thự cồn Ấu. Hiện trên địa bàn quận còn một số điểm du lịch đang xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động: Resort Ba Láng, Green Village (thuộc công ty TNHH Green Village), Hakia Garden…
Địa phương cũng đang đề xuất bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống hướng đến phục vụ du lịch (dệt chiếu, đan lục bình, làm cơm rượu, đan thúng…), cũng như xây dựng thương hiệu ẩm thực: nem nướng Cái Răng, bánh mì Lý Hưng, bánh tét Bà Ba…
Cái Răng là một trong những không gian du lịch trọng điểm trong đề án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được xác định ưu tiên phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sông nước với dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp.
Quận cũng đã và đang xây dựng các sản phẩm du lịch theo định hướng chung của thành phố, đang dần hình thành được các loại hình du lịch đặc trưng: sông nước và sinh thái. Để có những bước chuyển biến đột phá, Cái Răng vẫn cần nhiều đầu tư trọng điểm về sản phẩm du lịch, tạo được sự khác biệt về trải nghiệm văn hóa bản địa, mới có thể giữ chân du khách lâu dài.