quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Cái gì được cộng đồng bảo vệ là bền vững

Thứ Năm, 12/04/2012 | 06:27:00 AM

Những phong trào bảo vệ thiên nhiên và môi trường từ cộng đồng và bởi cộng đồng luôn mang tính bền vững rất cao


Bài viết hưởng ứng ngày Mẹ Trái Đất 22/4/2012 do VACNE
phát động, tham gia Hội thảo/tọa đàm về Phát triển bền vững và Vai trò của cộng đồng ở Việt Nam, kết hợp chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio+20.
 
Nguyễn Đình Hòe và Nguyễn Ngọc Sinh - VACNE

Rừng thiền tại chùa Huyền Không Sơn Thượng, Huế
Đặt vấn đề
Luật, chính sách, quy hoạch, đề tài dự án nghiên cứu khoa học, tài trợ trong nước và quốc tế, hàng trăm luận văn, luận án thạc sỹ, tiến sỹ, rồi hội thảo khoa học, rồi truyền thông môi trường, rồi độị ngũ Kiểm lâm từ trung ương đến địa phường hàng ngàn người,…vẫn không làm cho Đa dạng sinh học được an toàn.
Nhưng khắp mọi miền đất nước, và không chỉ ở trong nước, cái gì cộng đồng giữ, thậm chí cả trăm, cả ngàn năm qua, thậm chí bởi những người dân quê ít học và chưa thoát nghèo đói, thậm chí không được nhà nước tài trợ một đồng, vẫn còn đó.
Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Sự bền vững đó là do cái gì ?
1.Từ chuyện ta
1.1.Sân chim, vườn chim, đồi cò.
Việt Nam có rất nhiều sân chim, vườn cò, đồi cò được bảo vệ hàng chục năm qua do sáng kiến và sự tự nguyện của chính người dân mà đa số họ không giàu có gì.
Bà Khiêm xã Hải Lựu huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc, người được trao Giải thưởng môi trường Việt Nam vì thành tích 50 năm bảo vệ đồi cỏ trên đất của gia đình nói: “Nhà tôi như cái ổ chuột, thấp và dột nát, tôi cũng muốn làm nhà. Tiền bạc có thể bán vườn, bán gỗ, thế nhưng tôi ngẫm rồi, xây nhà chỉ mất 1 năm, xây rừng phải mất 50 năm” (1).
1.2.Chùa dơi, rừng thiền
Chùa Dơi tiếng Khơ Me gọi là Serâytécbômahatúp gọi tắt là Mahatup, có nghĩa là “Do phúc đức tạo nên”. Các vị sư ở đây rất tích cực bảo vệ đám dơi bởi họ cho rằng cái sự dơi ở chùa chính là phúc lành nhà Phật. Không rõ từ bao giờ hàng ngàn con dơi quạ tập trung về sống trong vườn chùa Mahatup, cách trung tâm thị xã chừng 2 km. Là giống dơi ăn trái cây, nhưng chúng không hề ăn trái cây của vườn chùa. Xâm xẩm tối chúng rời chùa đi kiếm ăn khá xa, bay rợp cả một khoảng trời. Chừng 6 giờ sáng, chúng trở về, chọn các vòm cây thưa lá trong vườn chùa treo mình ngủ ngon lành. Chúng không bao giờ bám trên cây bên ngoài khuôn viên của chùa Mahatup. Chúng không gây phiền phức gì cho sinh hoạt của chùa, trái lại, trở thành huyền thoại của địa phương, thu hút rất đông khách du lịch đến thăm chùa. Đàn dơi quạ hàng ngàn con khiến ngôi chùa 400 năm tuổi này được gọi là chùa Dơi. "Chúng nghe và hiểu được tiếng tụng kinh", các chú bé chơi trong sân chùa Mahatup thì thầm với một vẻ mặt rất thành kính.
Huyền không Sơn thượng tọa lạc ở phía tây thành phố Huế. Năm 1992 sư Giới Đức trụ trì chùa chính thức cắm tích trượng dựng am cốc lập Huyền Không Sơn Thượng. Một vùng đồi núi hoang hóa, lỗ chỗ hố bom, toàn là sim mua, lau lách cỏ dại mọc đầy nay đã trở thành những cánh rừng với bạt ngàn màu xanh theo phong cách Rừng Thiền mát mẻ, trong lành.
Rừng Thiền với 22 ha thông nhựa 18 năm tuổi; 20 ha keo lá tràm, keo tai tượng; khoảng gần 7 ha là rừng tự nhiên phong phú chủng loại thực vật. Bên trong khu rừng là khoảng 3,7 ha không gian chùa viện và vườn cảnh. Nhờ cây rừng lại có 5 hồ nước điều hòa nên Rừng Thiền luôn luôn tươi xanh, mát mẻ. Có khoảng 20-30 loại chim líu lo suốt ngày. Cò trắng, vẹt mỏ xanh, tắc kè, gà rừng, sóc và thỏ là những cư dân thường trú, tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn của Huyền Không Sơn Thượng (2).
1.3.Suối cá và rừng nguyên sinh Cẩm Lương
Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc) nằm bên chân núi Trường Sinh, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, (cách trung tâm thành phố Thanh Hoá 80 km về phía Tây Bắc). Đàn cá ở suối này có hàng nghìn con lớn, nhỏ, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, có cá chúa nặng tới 30 kg, gồm các loài: cá dốc (Spinibarbichthys denticulatus, thuộc bộ Cá chép, có tên trong Sách đỏ Việt Nam); cá chài, cá mại. Vào mùa nước cạn, suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20 cm đến 40 cm, nước trong vắt. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không bao giờ tanh. Người dân ở đây vẫn thường nấu ăn bằng nước của dòng suối này Cùng với suối cá thần, người dân Cẩm Lương còn giữ được nguyên vẹn hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông - Cúc Phương. (3).
1.4.Cây di sản Việt Nam
Nhằm hưởng ứng năm quốc tế về đa dạng sinh học 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (Hội BVTNMT) có sáng kiến tổ chức vinh danh Cây di sản Việt Nam với mục đích bảo tồn, duy trì phát triển nguồn gen thực vật quý hiếm này. Đây là một sáng kiến, một chủ trương có ý nghĩa không những đối với chiến lược bảo tồn phát triển bền vững Đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn có ý nghĩa khơi dậy lòng yêu quý thiên nhiên của cả cộng đồng, lòng biết ơn các bậc tiền bối đã dày công bảo vệ.
Phong trào Vinh danh và bảo vệ Cây di sản Việt nam đã được cộng đồng cả nước tham gia nhiệt tình. Hàng trăm cây cổ thụ quý đã được bảo vệ và bắt đầu thu hút hoạt động du lịch, cũng như hoạt động giáo dục môi trường cho lớp trẻ. Mới 2 năm phát động (từ 18/3/2010), đến thời điểm này VACNE đã nhận được tổng cộng trên 500 hồ sơ đăng ký. Đến 26 tháng 3 năm 2012, VACNE đã công nhận 155 cây trải dài từ Cao Bằng phía bắc đến Côn Đảo phía Nam. Trong số đó, cộng đồng đã tổ chức vinh danh trên 100 cây. Có những lễ vinh danh và nhận bằng công nhận cây di sản do làng quê tổ chức, đón cả ngàn người về dự. Riêng bữa cơm do làng chiêu đãi khách có nơi gần 2.000 người ăn cùng một lúc. Chỉ trừ bánh chưng, còn lại các món đều nóng sốt do chính tay các bà, các chị người làng nấu. Chi phí từ tiền túi của chính người làng đóng góp tự nguyện.
 
Lễ vinh danh cây di sản Việt Nam tại đình Nhật Tân -  Hà Nội, tháng 3/2012
2.Đến chuyện người
Ngôi chùa nuôi hổ ở Kanchanaburi (Thailand) là một trong số ít những nơi trên thế giới cho phép khách đến thăm chạm vào hổ. Chùa bắt đầu nuôi dưỡng hổ từ năm 1999 khi một con hổ con bị bỏ rơi được mang tới đây. Từ đó ngày càng có nhiều người địa phương mang hổ con tới chùa sau khi mẹ của chúng bị thợ săn bắn hạ. Ngôi chùa nuôi hổ bị các nhà bảo tồn và tổ chức về quyền động vật chỉ trích (4) nhưng dân địa phương không nghĩ như vậy.
Tại thành phố Chiang Mai (Thailand ) còn có ngôi chùa Molangdabudu, còn được gọi rất bình dị là Chùa ông Hổ. Năm 1999, chùa  nhận nuôi một chú hổ con mồ côi, vì mẹ nó bị thợ săn giết chết. Mặc dù được chăm sóc chu đáo của chư Tăng, nhưng tình trạng sức khỏe của chú Hổ con này rất yếu nên cuối cùng đã tử vong. Từ đó về sau, ngôi chùa này bắt đầu phát tâm nhận nuôi các chú hổ con không cha mẹ.
Đến nay, chùa cứu và nuôi 17 con hổ lớn nhỏ, trong đó có 6 con được mọi người đem đến tặng, 11 con được sinh và lớn lên tại chùa. Chư tăng ở đây đặt cho các con hổ những cái tên rất thiên nhiên, dễ gần như chính đời sống bình thường hoang dã của chúng như : Gió, Mây, Lửa, Nắng, Bầu trời..v..v (5).
3. Tiêu chí đánh giá nhanh Phát triển bền vững dưới con mắt người dân
Phát triển bền vững được đo lường bằng cách nào? Giới khoa học đã dày công tìm câu trả lời và hàng loạt bộ tiêu chí (hay chỉ thị - Indicators) đã được đề xuất. Chỉ đọc hiểu được chúng đã hoa cả mắt chứ chưa nói đến chuyện áp dụng chúng để đo lường phát triển bền vững cũng cần không ít tiền bạc và chuyên gia kinh nghiệm
Người dân thường ít học lại không nghĩ vậy. Những cuộc trò chuyện với người dân tại nhiều vùng đất nước trong trong các quán cà phê những năm qua khiến người viết bài báo này phải giật mình. Theo người dân, chỉ cần 3 tiêu chí đơn giản là có thể trả lời về mức độ phát triển bền vững của một địa phương hay cả nước sau ít phút. Đó là:
1.                Bền vững về Kinh tế: ít hay không còn người nghèo đói.
2.                Bền vững về Môi trường: ít hay không còn những khu vực công cộng như sông, hồ, kênh, rạch, bầu không khí, lương thực thực phẩm,... bị ô nhiễm
3.                Bền vững về xã hội: ít hay không còn những hành vi ứng xử văn hóa thấp kém (vứt rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, đánh giết nhau vì lí do vớ vẩn, không có thói quen xếp hàng, tiêu dùng xa hoa lãng phí, mua bán chụp giật, lừa đảo,...)
Một người đàn ông bán vé số tại Rạch Giá sáng ngày 26/4/2012 nói: “Bác cứ ngồi đây quan sát 15 phút là thấy ngay Rạch Giá phát triển và văn minh đến đâu!”. Có thể quý bạn đọc không cho ý kiến này là đúng, nhưng chúng tôi thì tâm phục khẩu phục.
Kết luận
Hãy học hỏi cộng đồng. Trong cộng đồng có rất nhiều sáng kiến và giải pháp phát triển bền vững. Cộng đồng nhất là những người nghèo có gì để bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường? Chủ yếu là cái Tâm. Cái Tâm đòi hỏi Con người không tự cho mình là trung tâm, là chủ thể của Thiên nhiêm Môi trường mà là anh em ruột thịt với Thiên nhiên Môi trường vì cùng do Mẹ Trái Đất sinh ra; Thiên niên Môi trường sinh ra là để đảm bảo cuộc sống trong lành và chất lượng cho người anh em Con người. Trên cơ sở cái Tâm trong sáng, Luật pháp, Tiền bạc, Kế hoạch, Quy hoạch phát huy tối đa tác dụng của chúng.
Thiếu cái Tâm của Con người, Luật pháp, Tiền bạc hay Kế hoạch, Quy họach chỉ còn là mớ từ ngữ vô duyên.
Chú thích
1.                Người đàn bà 50 năm giữ... cò. http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap-luat/38617/nguoi-dan-ba-50-nam-giu----co.html
2.                Nhà sư trồng rừng thiền.http://www.phattuvietnam.net/2/11/5332.html
3.                Suối cá thần Cẩm Lương http://vi.wikipedia.org/wiki/Su%E1%BB%91i_C%C3%A1_th%E1%BA%A7n
4.                Chùa nuôi hổ ở Thái Lanhttp://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2009/04/3ba0e76f/
 
 
 
 

Lượt xem: 1457

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE