Các quốc đảo nhỏ và nghèo của Phi châu - vốn bị ảnh hưởng nhiều của tình trạng biến đổi khí hậu - đưa ra đòi hỏi phải có thỏa thuận ràng buộc mạnh mẽ hơn Nghị định Thư Kyoto.
Các nước giàu hơn như Trung Quốc phản đối vì sợ các biện pháp mạnh sẽ làm ảnh hưởng tới mức tăng trưởng của mình.
Tuvala đã đòi hỏi và nhận được quyết định tạm ngưng đàm phán cho tới khi vấn đề này được giải quyết.
Sự phân rẽ giữa các nước đang phát triển là điều hiếm khi xảy ra; khối này thường có chung tiếng nói.
Nhà thương thuyết của Tuvala, Ian Fry, nói rõ rằng nước ông chỉ chấp nhận việc đàm phán toàn diện một thỏa thuận pháp lý mới, vốn được đệ trình lên Ủy ban Khí hậu của Liên Hợp quốc hồi sáu tháng trước.
Lời kêu gọi cũng được các thành viên khác của khối Hiệp Hội Các Quốc Đảo Nhỏ (AOSIS) hậu thuẫn, trong đó có Cook Islands, Barbados, và Fiji cùng một số quốc gia nghèo khác ở Châu Phi như Sierra Leone, Senegal và Cape Verde.
Các quốc đảo nhỏ cũng lặp lại đòi hỏi phải hạn chế nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1.5 độ C và mức tập trung khí thải nhà kính được duy trì ổn định 350 phần triệu (ppm - parts per million) thay vì mức 450 phần triệu mà các nước phát triển và một số nước đang phát triển lớn muốn.
Các nền kinh tế đang tăng mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nam Phi phản đối mục tiêu 350ppm bởi họ sợ gây ảnh hưởng tới mức phát triển kinh tế.
Trung Quốc và các nước khác lặp lại lời kêu gọi các nước công nghiệp phát triển phải cam kết cắt giảm nhiều hơn nữa lượng khí thải nhà kính.