Các nhà khoa học kiến nghị: cần xác lập vị thế và phát huy sức mạnh của cộng đồng trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường
Ngày 15/6/2011, Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vừa họp và thống nhất gửi khuyến nghị tới Bộ Tài nguyên- Môi trường và các cơ quan chức năng của Nhà nước, yêu cầu xác lập rõ vị thế và phát huy tổng hợp sức mạnh của cộng đồng trong sự nghiệp Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Đây là chức năng thường xuyên của Hội, nhưng cũng là hoat động thiết thực nhằm triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra; đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về môi trường trong năm tới (RIO – 2012), tổng kết 20 thực hiện nguyên tắc 10 của Tuyên bố về môi trường (RIO – 1992) mà Việt Nam đã ký cam kết. Cụ thể là chúng ta đã cam kết thừa nhận: các vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất khi có sự tham gia của cộng đồng, với các quyền: được tham gia, được tiếp cận thông tin, bình đẳng về tư pháp và được tăng cường về năng lực.
Theo các văn bản góp ý của các nhà khoa học, cũng như những ý kiến trực tiếp tại cuộc họp Thường vụ (mở rộng): Dù đã có nhiều văn kiện ở Việt Nam đã khẳng định, việc đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân…nhưng như thế là chưa đủ.
Bởi tất cả các văn bản pháp luật của Việt Nam chưa thực sự coi cộng đồng (người dân) là chủ thể, là lực lượng nòng cốt và quyết định trong sự nghiệp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Họ chỉ đóng vai trò là một thành phần “tham gia”. Những quyền khác như: quyền được Biết (thông tin), được Bàn (phát huy sáng kiến, sử dụng ngân sách môi trường) và được Kiểm tra (xem xét hiệu quả đầu tư…) vẫn bị xem nhẹ (nếu không muốn nói là bị lờ đi).
Vì thế, trong thời gian qua, Hội đã gửi tới Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương liên quan những khuyến nghị: về việc tham gia Mạng lưới tiếp cận môi trường quốc tế: Ban hành văn bản liên quan đến cộng đồng; Góp ý xây dựng dự thảo Luật thuế môi trường; Xây dựng tổ chức đủ tầm về biến đổi khí hậu; Về phát huy vai trò cộng đồng trong các chiến lược, luật pháp liên quan...
Một số khuyến nghị của VACNE đã được các cơ quan chức năng phúc đáp, chỉnh sửa phục vụ kịp thời cho cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng một số nhà khoa học cho rằng: vẫn còn nhiều khoảng trống trong luật pháp, thể chế và công tác quản lý môi trường ở nước ta, cần phải được nhanh chóng lấp đầy.
Cụ thể là: cần khẩn trương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Bộ Tài Nguyên & Môi trường nên rạch ròi (%) trong việc dành kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường thuộc Ngân sách Nhà nước cho các hoạt động của cộng đồng bảo vệ môi trường. Ngay lập tức, nên mạnh dạn đầu tư nhân rộng các mô hình tiên tiến cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững (mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tôn vinh) để tạo ra phong trào rộng khắp trong cả nước.
Một trong những lý do các nhà khoa học của VACNE đưa ra những khuyến nghị này, đã được Bộ TN&MT thẳng thắn thừa nhận trong “Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010 - Tổng quan Môi trường Việt Nam” vừa công bố: “do thiếu một văn bản pháp luật ở tầm cao… nên không thể giải quyết một cách cơ bản, hệ thống những vấn đề cốt lõi liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường của cộng đồng, cũng như không thể tạo cơ sở để ban hành các văn bản ở tầm thấp hơn, phù hợp với đặc thù từng loại hình và địa bàn hoạt động, đặc biệt là các chế tài, chế định”.
Hơn nữa, trọng tâm của các cuộc thảo luận về Khung thể chế cho phát triển bền vững trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về môi trường sắp tới (RIO 2012) sẽ tập trung vào vấn đề quản lý môi trường quốc gia trong đó có việc củng cố thể chế, luật pháp và sự thực thi của quốc gia. Nên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã soạn thảo “Khung Nghị định của Chính phủ về huy động sức mạnh cộng đồng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” (gồm: 7 Chương, 42 Điều), cùng 2 khuyến nghị rất cụ thể kể trên để đáp ứng kịp thời.
Tại cuộc họp này, các nhà khoa học yêu cầu Văn phòng Hội BVTN&MT Việt Nam chỉnh sửa lại câu chữ của những khuyến nghị trên và nhanh chóng gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường, cùng các cơ quan chức năng của Chính phủ, Quốc hội, để sớm có những quyết sách đúng đắn ở tầm vĩ mô, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, cũng như việc chuẩn bị báo cáo quốc gia và các văn bản đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường trong sắp tới./.
Mạnh Thủy (VACNE)