Các nhà khoa học đều hy vọng sớm có Nghị quyết về Bảo vệ môi trường như kiến nghị cuả Bộ trưởng tại đại hội Đảng lần thứ XI
Như tin đã đưa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong đó kiến nghị BCH Trung ương ban hành Nghị quyết về môi trường và phát triển bền vững. Ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phản hồi qua điện thoại của đông đảo các nhà hoạt động về lĩnh vực này, bày tỏ hy vọng: Đảng sớm có Nghị quyết về Bảo vệ môi trường.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội BVTN&MT Việt Nam cho biết: Không phải Đại hội lần này Đảng ta mới nhắc tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững mà từ trước đến nay, đã có nhiều văn bản của Đảng về vấn đề này, như Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị (năm 1998) Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị (năm 2004). Đây là những văn bản đề cập tương đối toàn diện và hệ thống về bảo vệ môi trường.
Nếu Ban chấp hành Trung ương Đảng nghiên cứu, ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo kiến nghị của ông Phạm Khôi Nguyên thì đó sẽ là một bước tiến cơ bản. Thậm chí, nó còn là bước nhảy vọt về vấn đề bảo vệ môi trường. Và thực tế, đã đến lúc cần thiết có bước nhảy vọt như thế, nhất là khi bối cảnh suy thoái tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
Khi được hỏi: Với vai trò của mình, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường sẽ có những đóng góp, ý kiến gì với Đảng để vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được tốt hơn, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết: Từ trước tới nay, các tổ chức của Hội và hội viên, bằng cách này hay các khác, ở các góc độ khác nhau đã và đang đóng góp công sức cho việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước.
Vấn đề bảo vệ môi trường không còn xa lạ với cộng đồng của chúng ta. Các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian qua cũng đã đề cập đầy đủ rồi. Vấn đề bây giờ là có gì mới, cần phải đề cập tới. Theo tôi, có ba vấn đề đã trở nên rõ ràng hơn so với Nghị quyết 41 (năm 2004).
Thứ nhất là vấn đề an ninh môi trường. Từ trước đến nay chúng ta chưa đánh giá vấn đề tài nguyên môi trường dưới góc độ an ninh cũng bởi đây là một vấn đề an ninh phi truyền thống. Bây giờ chúng ta hiểu về vấn đề này rõ hơn và cần phải đưa nó vào tầm chiến lược.
Thứ hai là vai trò của cộng đồng với công tác bảo vệ môi trường. Đường lối nhất quán của Đảng ta luôn là lấy dân làm gốc. Trong lĩnh vực môi trường, chúng ta có nhiều hành động hướng tới cộng đồng, khơi dậy nguồn lực mạnh mẽ từ cộng đồng nhưng các giải pháp còn chưa đồng bộ nên chưa thực sự huy động hết nguồn lực này.
Thứ ba, chúng ta phải luôn cảnh giác với chuyện do nhu cầu phát triển nóng của kinh tế, do lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng môi trường.
Cụ thể, một số quốc gia phát triển, thậm chí là đang phát triển cũng rất chú trọng việc chuyển những công nghệ cũ, đưa rác đến những nước chưa có giải pháp đồng bộ để ngăn chặn xu thế ấy. Nó có thể dưới dạng máy móc, công nghệ cũ tiêu tốn năng lượng và cũng có thể là rác nấp dưới tên phế liệu phục vụ sản xuất…
Trong những thứ rác này có nhiều tạp chất dính vào. Thoạt nhìn có vẻ là nhỏ, nhưng khi chúng ta nhập hàng triệu tấn phế liệu ấy thì lượng chất đi kèm là vô cùng lớn, trở thành hiểm họa khôn lường.
Môi trường là mặt không thể tách rời với phát triển. Chúng ta càng phát triển càng phải quan tâm vấn đề môi trường. Đây là vấn đề sống còn mà nếu chúng ta quên điều này thì không thể phát triển, không thể đi xa được.
Cùng quan điểm cho rằng: phải sớm có Nghị quyết của Đảng về Bảo vệ môi trường, PGS.TS Lê Bắc Huỳnh (một chuyên gia về nước)phát biểu: chắc còn phải bàn kỹ để xác định rõ hơn nội dung, nhưng một số vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm là Kiểm soát và khẩn cấp khắc phục ô nhiễm do nước thải, chất thải trong quá trình phát triển đô thị, công nghiệp khai thác, chế biến,…
- Thực hiện ngay các giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh về tài nguyên nước quốc gia trong điều kiện nguồn nước của Việt Nam chịu tác động rất mạnh của việc khai thác sử dụng nước ở các nước thượng nguồn (nhất là trên sông Hồng, sau đó là sông Mê Công) và của biến đổi khí hậu theo chiều hướng gia tăng thủy tai.
- Sớm kiện toàn và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên& Môi trường, tạo một hệ thống pháp lý thống nhất, có hiệu lực đủ mạnh; đẩy mạnh kinh tế hóa tìa nguyên và môi trương theo hướng phát triển bền vững; khắc phục tình trạng chồng chéo, chia cắt, bổ trống,… như hiện nay.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Trần Hiếu Nhuệ nhận xét: lần đầu tiên sau 10 lần Đại hội Đảng Cộng Sản VN, vấn đề Bảo vệ tài nguyên môi trương đã được chính thức nêu lên và đề nghị có Nghị Quyết chuyên đề, như đã nêu tại Đại hội lần thứ XI.
PGS. TS Phạm Bình Quyền: cũng bày tỏ mong muốn BCHTW Đảng sớm ban hành Nghị quyết về bảo vệ môi trường bởi hiện nay vấn đề này đang trở nên cấp bách và bức xúc hơn lúc nào hết nếu muốn đưa đất nước Việt Nam phát triển bền vững và đem lại no ấm, hạnh phúc cho toàn dân;.đồng thời tỏ: đem hết sức mình và sẵn sàng vận động các thành viên của Hội BVTN&MT Việt Nam tham gia góp ý cho dự thảo Nghị quyết này.
GSTSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam khen bài phát biểu của Bộ trưởng Phạm Khôi nguyên rất hay và cho rằng: nếu được Đại hội Đảng tiếp thu và cho vận dụng vào thực tế thì thất là phúc đức cho công tác BVMT và PTBV ở nước ta. Nhưng theo Giáo sư Nội dung của Nghị quyết này phải xác định thật rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phải huy động được sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong lĩnh vực này. Đồng thời Giáo sư cũng bày tỏ tâm nguyện: sẵn sàng đem hết sức mình tham gia góp ý cho dự thảo Nghị quyết này./.
Bích Thủy