Những ngôi nhà hoang
Chỉ tay ra phía biển khơi, nơi con tàu đánh cá nhấp nhô cùng sóng biển, xa vài kilômét, ngư dân Nguyễn Văn Thanh nói, trước đây nơi đó là một khu dân cư nhộn nhịp. Xóm làng với đất đai tươi tốt đó, giờ đây là một phần của biển cả, nơi tàu thuyền của ngư dân xã Hải Lý đánh bắt thuỷ sản xa bờ.
Trên con đê ngăn cách bờ biển với khu dân cư phía trong Hải Lý, máy móc, vật liệu được đổ trên lớp đất, họ đang gia cố phần thân đê và đảm bảo độ vững chắc đề phòng sự lấn sâu hơn của biển vào nhà dân. Lê Nam Văn, một công nhân thi công trên đoạn đê này cho biết, cứ nhìn vào tháp nhà thờ trên phần đất hoang vắng thì sẽ biết mức độ xâm thực của biển mạnh mẽ đến mức nào.
Phần còn lại minh chứng cho mức độ xâm thực mà Văn chỉ, là tháp chuông Maria Madalena. Cách đó không xa, một nhà thờ Thiên chúa giáo khác mang tên Trái Tim cũng trong cảnh bỏ hoang, giáo dân không thể đến đó cầu nguyện vì bị xâm thực. Ngư dân Trần Văn Sơn nói với khách lạ, giáo dân tại Hải Lý đã phải ba lần chuyển địa điểm xây nhà thờ.
Trước đó, nhà thờ đầu tiên được xây cách vị trí nhà thờ Trái Tim hàng cây số, sau đó do sự xâm thực của nước biển, người ta chuyển địa điểm xây dựng tiếp nhà thờ Trái Tim nằm cách bờ đê Hải Lý gia cố khoảng dăm trăm mét. Nhưng bây giờ, nhà thờ đó cũng bỏ hoang, một nhà thờ khác đã được xây dựng trong phần đê để giáo dân cầu nguyện.
|
Tháp chuông nhà thờ thánh Maria Madalena trơ trọi trên bãi biển Hải Lý. (Ảnh VNN) |
Sau cơn bão, người dân xóm 3, xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) lại chuẩn bị ra khơi. Hàng trăm chiếc thuyền 20 mã lực nằm quay mũi hướng ra phía biển. Tranh thủ thời gian chưa xuất phát, nhiều ngư dân túm lại nói chuyện.
Nơi họ ngồi, trước đây là con đê chắn sóng, giờ chỉ như một doi đất bị cắt khúc bởi những luồng lạch khi thuỷ triều cạn nước. Với cái nhìn trầm tư, Nguyễn Văn Thanh lại nói, trước đó nhà anh nằm sau con thuyền đang cào cá bé, cách khúc đê hàng trăm mét.
Nhưng giờ đây, phần đất của ngôi nhà nhường chỗ cho nước biển đục ngàu, làm chao đảo mỗi khi thuyền khai thác của ngư dân hướng mũi ra khơi. Cũng trên phần đất trước đây là nhà cửa, nay một số nơi trở thành luồng lạch, nơi mà trẻ con mang lưới ra bắt vài con cá lạc dòng.
Những căn nhà bỏ hoang trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của đàn gia súc tránh nắng giữa trưa hè rực lửa. Ở Hải Lý, có những công trình dân dụng như nhà ở của dân cư thành nơi hoang vắng, không có dấu chân con người ra vào.
Một người dân bản địa tên Hào nói, mấy năm trước nhà cửa hoang phế ở Hải Lý nhiều lắm, nhưng vì tiếc của, người ta đập đi để lấy được bất cứ thứ gì có thể sử dụng được.
Tại ngôi nhà có đàn bò đang nằm tránh nắng, ông Hào nói nó là những gì còn sót lại và người ta cũng không muốn đập bỏ nó đi để minh chứng cho sự xâm thực kinh hoàng mang đến từ biển khơi.
Đất đai mất dần
Năm 2005, cạnh nhà thờ Trái Tim vẫn còn một số hộ dân sinh sống. Và từ đó đến nay, con đường mòn và bờ đê bao bọc ngư dân bị cuốn trôi ra biển. Xóm làng ngày xưa, giờ chỉ còn là cát trắng. Mất đất ở, 500 hộ dân với trên 10.000 nhân khẩu, nhu cầu về nơi định cư của người dân Hải Lý thực sự là câu chuyện nóng bỏng hàng ngày.
Biển cả dữ dội, sự thấp thỏm về nỗi lo xâm thực buộc cơ quan chức năng phải xây dựng ở đây hai con đê kiên cố. Nhưng giờ đây, sau mỗi lần bão tan, chỉ còn sót lại một con đê đang được công nhân gia cố hàng ngày.
Không là phố thị ồn ào, nhưng ở Hải Lý có những dãy nhà được quy hoạch vuông vắn, dài thẳng tắp. Ở đó, các ngôi nhà ngói mọc lên, san sát như nương tựa vào nhau chống chọi lại mỗi khi biển nổi sóng. Ông Trần Văn Sơn nói, đó là những dãy nhà được chính quyền bố trí cho dân, khi phần đất của họ nằm phía ngoài đê đã bị nước biển xâm lấn.
Phó chủ tịch UBND xã Hải Lý, ông Vũ Ngọc Định nói, nguy cơ lớn của Hải Lý vẫn là vấn đề xâm thực. Trước đây, biển nằm cách khu dân cư hiện nay xa lắm, xa tận hàng cây số. Nhưng tốc độ nước biển lấn đất liền theo thời gian cứ tăng lên. Biển đuổi, đó là nguy cơ thật sự đối với người dân.
|
Hơn chục năm trước, nơi đây là ruộng lúa. (Ảnh VNN) |
Số liệu từ UBND huyện Hải Hậu cho thấy, không kể bờ sông, địa phương này có 31km bờ biển, đến nay đã bê tông và cứng hoá được 20 cây số. Ông Trần Văn Hồng, phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Hải Hậu xác nhận, hàng năm biển vẫn xâm thực vào đất liền, trong đó có Hải Lý.
Có những nơi sau cơn bão, nhiều đoạn đê bị xới tung lên, mất cả đầm nuôi thuỷ sản, mất cả ruộng làm muối. Còn mười cây số còn lại, "rơi" đúng vào các xã Hải Đông và Hải Lý. Lấy ví dụ về sự xâm thực mạnh mẽ diễn ra tại địa phương, ông Hồng nói, trước đây Hải Lý có 400ha làm muối, thì bây giờ chỉ còn lại 350ha vì bị nước biển xâm thực. "Trước tình trạng này - ông Hồng cho biết - chính quyền cũng chỉ biết khuyến cáo bà con phòng là chính".
Đi trên những đoạn đê chưa được kè chắc chắn và chưa đổ bê tông bản mặt, ngư dân Trần Văn Sơn nói trong lo lắng, nếu không gia cố kịp thời, nếu bão mạnh xảy ra phá tan đê điều thì không biết hàng nghìn con người sống cạnh biển sẽ như thế nào.
Theo bước chân ngư dân ra biển, nỗi lo như đeo đẳng không thôi trong cái nhìn bất lực mà họ hướng về đại dương. Hải Lý, cuộc sống của ngư dân hoàn toàn bám vào biển.
Đàn ông ra khơi đánh bắt mỗi khi sóng lặng. Đàn bà, trẻ nhỏ, nắng như đổ lửa cũng phải phơi mình giữa đồng muối để nghe những giọt mồ hôi chát mặn nhỏ xuống trưa hè. Biển cho người dân Hải Lý cá tôm, nhưng biển cũng lấy đi của người dân nhiều thứ gắn bó với cuộc sống của họ.
Nguồn: Bee.net, 23/7/2009