Điểm du lịch văn hóa, ẩm thực Ba Cây Dừa, huyện Châu Thành (ảnh: Đặng Minh Tùng)
Là vùng đất có khí hậu mát mẻ, miệt vườn trù phú, nhiều di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội đa dạng, ẩm thực độc đáo, con người hiền hòa và mến khách, Bến Tre có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch đặc trưng như: du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa bản địa được tỉnh tập trung khai thác với các tour khám phá Tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng trải nghiệm sông nước Bến Tre; trải nghiệm du lịch miệt vườn; du lịch biển cồn Bửng (Thạnh Phú); du lịch homestay… Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát triển loại hình du lịch xanh gắn với bảo tồn các di sản văn hóa và bảo vệ môi trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 70 điểm du lịch sinh thái miệt vườn tập trung ở TP. Bến Tre và các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách; 20 điểm du lịch homestay; 20 doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch, trong đó có 5 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và 15 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 68 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có một số cơ sở được xếp hạng từ 3 đến 4 sao như: khách sạn Dừa, khách sạn Việt Úc, khách sạn Hàm Luông, khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort. Hoạt động kinh doanh vận tải cũng được tăng cường, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách.
Khách quốc tế tham gia khảo sát một điểm du lịch sinh thái tại huyện Châu Thành, Bến Tre
(ảnh: TTTTXTDL Bến Tre)
Để hoàn thành mục tiêu đón 440 nghìn lượt khách quốc tế và 560 nghìn lượt khách nội địa, tổng thu du lịch ước đạt 700 tỷ đồng vào năm 2015 và đến năm 2020 thu hút được 1,6 triệu lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng, tỉnh Bến Tre đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Trong đó, tỉnh ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng xã hội có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch và các dự án gắn du lịch với cộng đồng, xây dựng nông thôn mới; đồng thời quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm tạo động lực thu hút khách. Bên cạnh đó, công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tỉnh tích cực triển khai theo hướng chuyên nghiệp thông qua việc biên soạn ấn phẩm, phim ảnh về du lịch; tham gia các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp du lịch; liên kết cụm du lịch và liên kết vùng…
Ngoài ra, để tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh, lịch sự, các ban, ngành tỉnh Bến Tre đã thực hiện nhiều giải pháp như: xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng không đúng giá niêm yết, chèn ép, chèo kéo khách; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin của du khách; cung cấp thông tin về các điểm đến và dịch vụ du lịch cho du khách… Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho các cán bộ, nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch cũng tiếp tục được tăng cường.
Với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn, các ngành hữu quan, doanh nghiệp và sự chung tay góp sức của cộng đồng, trong tương lai, Bến Tre sẽ tạo dựng được thương hiệu du lịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.