Hoa có 4 cánh, màu trắng nhạt, hình dáng giống như hoa cây mù u. Có lẽ hình dáng và màu sắc của hoa nên người ta gọi đó là Bạch Mai hay Thần mai. Ngoài ra còn một tên khác nữa là Nam Mai, một giống mai mà tương truyền do ông Mạc Cửu (người có công khai phá đất Hà Tiên) mang từ quê hương của mình ở tận miền Nam Trung Quốc sang trồng ở Gia Định (nên được gọi là Nam Mai). Đặc biệt, loại cây này chỉ sống ở những vùng đất cao ráo, điều kiện phải thích hợp nên rất khó gây giống. Trong những ngày này hoa nở rộ, tán cây toàn một màu trắng tinh khôi. Hoa nở về đêm, hương thơm lan tỏa cả một vùng. Cho đến nay, nhiều người đã bầu để chiết nhánh ra trồng, nhưng cành không ra rễ, trồng không sống được.
Xã Phú Hưng vốn là một vùng đất cao, đình Phú Tự lại được xây dựng trên một gò đất cao nhất vùng, ngày xưa gọi là Gò Xài (xoài). Có lẽ trước đây gò đất này mọc rất nhiều xoài. Lưu dân người Việt đến định cư vùng đất này vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, khi chọn nơi đây để xây dựng đình, vốn cây Bạch Mai đã được trồng từ trước. Các cụ cao niên ở đây kể lại, vào những năm đầu thế kỷ XIX, ngôi đình được trùng tu, đổi hướng quay mặt ra sông Bến Tre, cây cổ thụ Bạch Mai đứng giữa sân trước như bây giờ, làm tăng thêm vẻ cổ kính của ngôi đình.
Đình Phú Tự
Đình Phú Tự thờ Thành hoàng bổn cảnh được phong sắc vào năm 1910 (Khải Định nhị niên). Cho đến nay vẫn chưa có tư liệu nào xác định thời gian xây dựng ngôi đình, nhưng theo truyền miệng thì đình được xây dựng trước năm 1904 rất lâu. Ban đầu đình chỉ là ngôi nhà bằng tre lá đơn sơ được những lưu dân mới đến khai cơ lập địa xây dựng để làm nơi thờ cúng các bậc tiền hiền, cầu cho mưa thuận gió hòa. Sau đó ông Trần Văn Cương, một cư dân giàu có của làng Phú Hưng hiến đất nên đình được xây dựng to lớn hơn. Đình có tổng diện tích đất là 9695m2, được xây theo kiểu chữ Tam, các gian đình cất theo kiểu tứ trụ (4 cột cái giữa các gian làm cao lên), mái liền kề nhau, lợp ngói âm dương. Các gian tứ trụ trang trí lưỡng long chầu nguyệt, bát tiên… Cột, kèo làm bằng gỗ căm xe và gỗ đỏ. Nền cao 0,5m, lót gạch tàu. Đình chính gồm 3 gian: võ ca, nhà thính và nhà chánh. Nhà chánh là trung tâm, nơi trang nghiêm nhất của ngôi đình. Việc bày trí, thờ cúng cũng giống các ngôi đình khác trong tỉnh. Phía trước, ở giữa là bàn thờ đặt sắc thần, hai bên có bàn thờ tả ban, hữu ban. Đặc biệt, đình Phú Tự có thờ linh vị của Quốc Tổ Hùng Vương. Phía sau thờ tiền hiền, hậu hiền. Trước sân đình ngoài bàn thờ Thần Nông (còn gọi là Đàn xã tắc) và bàn thờ Sơn Quân (ông Hổ) còn có Đài liệt sĩ để tưởng nhớ 278 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và trong bảo vệ biên giới Tây Nam của đất nước.
Hàng năm, ngoài các lễ cúng Kỳ yên, Thượng điền, Hạ điền, Chạp miếu; đình Phú Tự còn là nơi nhân dân tổ chức các lễ hội văn hóa như Tết Nguyên tiêu, Ngày thơ Việt Nam, Giỗ Tổ Hùng Vương, thương binh liệt sĩ,… Bên cạnh đó, hiện nay đình Phú Tự còn là tụ điểm sinh hoạt giao lưu văn hóa của giới nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh.
Cổ thụ Bạch Mai và Bạch Mai bi ký trong đình Phú Tự
Cây Bạch mai hàng trăm năm tuổi, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh đã đi vào đời sống tinh thần của những người yêu thích văn thơ ở Bến Tre. Từ năm 1994, nhóm thơ Bạch Mai thi hội ra đời, văn bia “Bạch Mai bi ký” cũng được lập vào năm 2000, bên cạch gốc Bạch mai, cũng là dịp kỷ niệm 100 thành lập tỉnh Bến Tre, 40 năm ngày Bến Tre đồng khởi. Từ năm 2001, hàng năm vào rằm tháng giêng, hội văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu đã tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” ở sân đình Phú Tự, dưới gốc Bạch Mai. Theo sử liệu, hiện nay ở Nam Bộ giống cây này chỉ còn lại 2 cây ở TP.HCM, có tuổi thọ trên 300 năm. Đó là cây Bạch Mai sau chùa Giác Viên (số 161/85/20 Lạc Long Quân, quận 11). Cây Bạch Mai thứ hai ở chùa Cây Mai, nay là trụ sở của Lực lượng Kiểm soát Quân sự TP.Hồ Chí Minh (số 6, Hùng Vương, quận 11). Có tài liệu cho rằng ở Hà Tiên cũng có một cây Bạch Mai, do Mạc Cửu mang từ Trung Quốc về trồng nhưng nay đã chết.
Kiến trúc đình Phú Tự và cổ thụ Bạch mai là những chứng tích về sự có mặt của ông cha ta trên mảnh đất Phú Hưng nói riêng và Bến Tre nói chung từ rất lâu đời. Nó vừa là di sản văn hóa vật thể vừa là văn hóa phi vật thể, gắn bó với đời sống tâm linh của cư dân địa phương từ bao đời nay. Với những ý nghĩa đó, ngày 10/01/2008, UBND tỉnh Bến Tre ban hành quyết định số 75/QĐ–UBND công nhận đình Phú Tự và cổ thụ Bạch Mai (ấp Phú Hào, xã Phú Hưng, TP.Bến Tre) là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh về kiến trúc nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian.
Bạch Mai bi ký
Phương Nam thời mở cõi
Rừng rậm cồn hoang,
Sấu nghé cọp gầm
Sông sâu nước chảy.
Xứ cù lao bốn phương tụ hội,
Người Bến Tre mở đất lập làng.
Nước ngọt cây xanh
Đất lành chim đậu.
Đình Phú Tự nhớ về nguồn cội
Trồng Bạch Mai ghi dấu người xưa.
Khí thiêng sinh hoa quý
Đất linh trổ người tài.
Ba trăm năm một cội thần mai
Trải mưa nắng thành chứng nhân lịch sử.
Nguyên tiêu hoa nở,
Xuân tiết hương bay.
Hậu thế nay
Kính dựng bia này
Khắc ghi chứng tích.
Trần Hoàng Huấn
(Bộ VHTN&DL)