quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu: “Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến các mối hiểm họa liên quan và chương trình quản lý hậu quả rủi ro thiên tai ở Việt Nam”

Thứ Tư, 10/11/2010 | 01:28:00 PM

Nghiên cứu “Đánh giá tác động của BĐKH đến các mối hiểm họa liên quan và chương trình quản lý hậu quả rủi ro thiên tai ở Việt Nam” căn cứ những thông báo chính thức của Chính phủ về các kịch bản BĐKH ở Việt Nam

 
Lê Bắc Huỳnh
 
Nghiên cứu “Đánh giá tác động của BĐKH đến các mối hiểm họa liên quan và chương trình quản lý hậu quả rủi ro thiên tai ở Việt Nam” căn cứ những thông báo chính thức của Chính phủ về các kịch bản BĐKH ở Việt Nam kết hợp với việc phân tích các số liệu mới nhất về diễn biến các thiên tai khí tượng, thuỷ văn đã tiến hành đánh giá tác động của BĐKH đến các mối hiểm họa thiên tai chính như bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, nước biển dâng và nước dâng do gió ở các vùng của Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình phù hợp để thích ứng với tác động của BĐKH.
Nghiên cứu này cũng đã phân tích, đánh giá chi tiết và đúc kết những bài học kinh nghiệm ứng phó với những thiên tai lớn gần đây ở nước ta, như trận lũ đặc biệt lớn năm 1996 ở đồng bằng Bắc Bộ; bão Linda mạnh và dị thường năm 1997 ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ; hạn hán thiếu nước diện rộng trên cả nước năm 1997-1998; lũ lụt lịch sử năm 1999 ở các tỉnh Miền Trung, năm 2000 và 2001 ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả nghiên cứu cho phép khẳng định: những thiên tai nêu trên đây là những hiện tượng dị thường, hiếm thấy, xảy ra liên tiếp, diễn biến rất phức tạpcả về phạm vi, cường độ và thời gian tác động, gây thiệt hại lớn về người và tài sản,gây hậu quả nặng nề và lâu dài khó khắc phục đối với kinh tế, xã hội và môi trường, làm cho sự phát triển kém bền vững. Việc phân tích, tổng kết đã cho phép đúc rút nhiều nhận thức về thiên tai, những bài học và kinh nghiệm bổ ích để ứng phó hiệu quả hơn với các hiểm họa thiên tai trong tương lai nếu chúng xảy ra. Trong đó đặc biệt lưu ý đến những tồn tại, bất cập và hướng khắc phục ở cấp quốc gia và địa phương nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả phòng tránh, giảm thiệt hại mà trước hết là những tồn tại, bất cập trong hệ thống tổ chức, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các hướng dẫn liên quan; hiệu quả còn thấp của một số biện pháp công trình và phi công trình bảo đảm thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, phòng, tránh, trú, sơ tán, khắc phục hậu quả,… giảm thiệt hại khi thiên tai lớn xảy ra. Một nhận thức cần được quán triệt là thiên tai không chống lại được mà chỉ tìm cách phòng tránh, thích nghi để giảm nhẹ thiệt hại. Bài học có ý nghĩa quan trọng nhất trong ứng phó hiệu quả với thiên tai, giảm thiệt hại, khắc phục nhanh mọi hậu quả là phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, nâng cao khả năng tự phòng tránh, ứng cứu tại cộng đồng, tại từng hộ gia đình ở vùng chịu tác động của thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời trước những thiên tai lớn trên diện rộng thì phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế vào phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, trong đó quân đội, công an và các đơn vị chuyên môn với lực lượng và các phương tiện chuyên dụng cần thiết có vai trò đặc biệt quan trọng.Việc sớm rà soát, đánh giá, củng cố, xây dựng mới các cơ sở hạ tầng và lồng ghép nội dung phòng chống và giảm nhẹ thiên tai vào quy hoach, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đối với từng vùng, từng địa phương và cả nước nhằm mục tiêu phát triển bền vững là hết sức quan trọng. Đồng thời, việc bảo đảm dự báo sớm, chính xác, kịp thời; đúc rút kinh nghiệm sau mỗi thiên tai; tăng cường tuyên truyền và phổ biến trong cộng đồng những kiến thức và hiểu biết về thiên tai, hướng dẫn sử dụng các thông tin về khí tượng, thuỷ văn và các biện pháp phòng tránh; phối hợp đan xen và hiệu quả các biện pháp công trình và phi công trình trong phòng chống và giảm nhẹ thiên tai; phát huy truyền thống đoàn kết tương thân tương ái trong thiên tai; thực hiện quản lý tổng hợp lưu vực sông nhằm khai thác tổng hợp những mặt lợi, hạn chế những mặt hại,… là hết sức cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh chịu tác động ngày càng lớn của BĐKH.
Căn cứ vào các kịch bản BĐKH của Việt Nam đã công bố gần đây và kết quả phân tích đánh giá chi tiết xu hướng diễn biến của bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, nước biển dâng và nước dâng do gió ở từng vùng ở nước ta trên cơ sở số liệu bão thời kỳ 1951-2009 ở Biển Đông; số liệu quan trắc mưa tại 65 trạm chủ chốt trên cả nước; số liệu quan trắc dòng chảy lũ và cạn tại 68 trạm thủy văn chính trên các lưu vực sông Việt Nam thời kỳ 1980-2009 và số liệu quan trắc mực nước biển thời kỳ 1980-2008 tại 16 trạm Hải văn ven biển (lấy thời điểm năm 2010 để xem xét thập kỷ trước và sau đó) đã dự đoán xu hướng diễn biến các hiểm họa thiên tai bão, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn, nước biển dâng và nước dâng do gió chi tiết ở các vùng trong cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhìn tổng thể, hiểm họa các thiên tai nêu trên có xu hướng gia tăng khá rõ trong thập kỷ tới so với hiện trạng đã diễn ra trong các thập kỷ gần đây tuy mức độ gia tăng có biểu hiện khác nhau ở mỗi vùng. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến kết quả dự đoán về mức độ gia tăng rõ rệt các loại hiểm họa do tác động của BĐKH như: bão mạnh, mưa cường độ lớn vào cuối mùa, lũ lụt lớn, hạn hán thiếu nước nghiêm trọng trên diện rộng ở các tỉnh duyên hải Miền Trung; mức độ gia tăng khá rõ hiểm họa bão mạnh, nước biển dâng cao và hạn hán thiếu nước nghiêm trọng, xâm nhập mặn, lũ lụt lớn, ngập úng liên tiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long; gia tăng mức độ suy giảm nguồn nước mùa kiệt dẫn tới hạn hán thiếu nước nghiêm trọng ở Tây Nguyên; gia tăng mưa cường độ rất lớn trong thời gian ngắn và hiểm họa lũ quét có thể xảy ra đồng thời trên diện rộng ở vùng núi phía Bắc và các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên; lũ lớn tác động tổ hợp cùng bão mạnh, nước dâng do gió ở các cửa sông và nước biển dâng cao đối với Đồng bằng Bắc Bộ vẫn là hiểm họa thường trực, và nếu xảy ra vỡ đê hoặc sự cố các công trình phòng lũ thì có thể dẫn tới thảm họa. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, còn một số vấn đề trong đánh giá tác động của BĐKH đến mức độ nước biển dâng cao cần được tiếp tục đánh giá cụ thể hơn cho khu vực Miền Trung để tạo căn cứ xây dựng kịch bản nước biển dâng phù hợp cho vùng này.
Trên cơ sở kết quả đánh giá xu hướng diễn biến các hiểm họa thiên tai ở các vùng và căn cứ yêu cầu ứng phó, giảm thiệt hại nêu trong Chiến lược PC và GNTT đến năm 2020, nghiên cứu đã đánh giá khả năng tác động của hiểm họa thiên tai đến tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải,… cũng như tác động đến xã hội và khả năng thiệt hại ở các vùng lãnh thổ khi xảy ra thiên tai, trong đó nhấn mạnh sự gia tăng số lượng bão, lũ, hạn hán, nước biển dâng dẫn tới gia tăng phạm vi và mức độ nguy hiểm đối đối với đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững của Đất nước. Từ đó, đã đề xuất hệ thống các giải pháp tăng cường quản lý rủi ro thiên tai thích ứng với tác động của BĐKH ở Việt Nam. Trong số các giải pháp, đã kiến nghị ưu tiên việc rà soát đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách hiện có để kiến nghị các văn bản cần nâng cao, cần bổ sung, điều chỉnh; sớm xây dựng Luật Phòng chống thiên tai có tính tới tác động của BĐKH; kiện toàn và xây dựng hệ thống tổ chức chỉ đạo và các đơn vị chuyên môn tư vấn cho lãnh đạo, chỉ đạo cùng lực lượng xung phong tình nguyện phòng tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ở các cấp; phân vùng đánh giá nguy cơ rủi ro thiên tai để có chính sách và biện pháp ứng phó phù hợp cho từng vùng, địa phương; thực hiện lồng ghép các hoạt động phòng chống thiên tai và thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở các cấp; xây dựng cơ chế, chính sách bảo hiểm thiên tai, bù đắp rủi ro thiên tai, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm tham gia bù đắp thiệt hại do thiên tai; áp dụng thích hợp, đồng thời hai nhóm biện pháp công trình và phi công trình. Với các biện pháp công trình: Cần tiến hành rà soát, nâng cấp, xây dựng mới công trình phòng chống và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng địa phương; tiếp tục xây dựng các hồ chứa cắt giảm lũ và khai thác tổng hợp nguồn nước; nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển, xây dựng công trình phòng chống sạt lở; xây dựng các khu neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão; xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ và tránh bão; nâng cấp, xây dựng công trình phục vụ dự báo, cảnh báo thiên tai. Với nhóm biện pháp phi công trình: Rà soát quy hoạch dân cư, sử dụng đất, phòng chống thiên tai; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng chống thiên tai cho cộng đồng làng xã; tổ chức thông tin tuyên truyền về các thiên tai và biện pháp phòng tránh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa kiến thức về thiên tai vào chương trình các cấp học phổ thông; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế để nâng cao khả năng phòng tránh.
Kết quả nghiên cứu góp phần tạo ra những căn cứ quan trọng để tham khảo quyết định các định hướng lớn tăng cường công tác phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ở nước ta trong thời gian tới.
 
 

Lượt xem: 2109

Các tin khác

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE