(TBKTSG) - Người ta còn nhớ cách đây không lâu Tổng thống Mohamed Nasheed và 11 thành viên chính phủ của nước Cộng hòa Maldives họp dưới biển sâu 4 thước để ký một bản tuyên ngôn gửi cho hội nghị về khí hậu được khai mạc vào đầu tuần này tại Copenhagen (Ðan Mạch).
|
Sinh viên Mỹ tại Nhật Bản biểu tình ở Tokyo sáng 7-12, thời điểm khai mạc hội nghị Copenhagen, kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuteur. |
Ðành rằng đây là một màn kịch của ông Nasheed nhằm khiêu khích sự chú ý của thế giới về hậu quả của một vấn đề nghiêm trọng hiện nay: biến đổi khí hậu, nhưng hậu quả đó là một thực tế, không còn ai chối cãi.
Hầu hết các nhà khoa học trên thế giới đều xác nhận, nếu con người tiếp tục sử dụng năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí đốt) như hiện nay thì nhiệt độ trung bình của không khí sẽ tăng lên nhanh. Kết quả là các núi băng tuyết ở Bắc Cực sẽ giảm, các lớp băng hà quanh năm ở Greenland sẽ dần biến mất.
Về lâu dài, chỉ hai sự kiện này cũng đủ làm mực nước biển tăng thêm 7 mét, mà hậu quả của nó không thể lường trước được. Trước mắt là các thành phố lớn như Thượng Hải, New York hay Hamburg, các vùng đất thấp ở châu thổ sông Cửu Long sẽ bị ngập và nước Cộng hòa Maldives sẽ biến mất trên bản đồ thế giới.
Theo tính toán của các nhà khí tượng học, nếu mực nước biển lên cao thêm 1 mét sẽ có 100 triệu người ở châu Á, 14 triệu người ở châu Âu và 8 triệu người ở châu Phi mất chỗ trú ngụ.
Trước hiện tượng này đại diện của nhiều nước đã gặp nhau vào năm 1992 tại Rio de Janeiro (Brazil) để bàn thảo về biến đổi khí hậu và hậu quả của nó. Kết quả là một hiệp định về các yếu tố cơ bản cho việc giảm khí thải CO2.
Ba năm sau hội nghị khí hậu đầu tiên được tổ chức tại Bonn (Ðức) để xác định và tăng thêm trách nhiệm của các nước thành viên. Năm 1997 Hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu được tổ chức tại Kyoto (Nhật), mà kết quả của nó là một Nghị định thư có giá trị pháp lý về mức thải tối đa CO2 vào môi trường cho các nước công nghiệp (còn gọi là Nghị định thư Kyoto).
Từ năm 2000 trở đi hội nghị khí hậu quốc tế được tổ chức hàng năm, lần cuối vào năm 2007 tại Bali và 2008 tại Posen (Ba Lan) để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào hai tuần giữa tháng 12 năm nay tại Copenhagen. So với các hội nghị khí hậu trước đây, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần này đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì mục đích của nó là thống nhất một nghị định thư mới có tính cách pháp lý thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ chấm dứt vào năm 2012.
Mục tiêu quan trọng của hội nghị này là giới hạn mức độ thải khí CO2 vào bầu khí quyển, nhất là của các nước công nghiệp, để nhiệt độ trung bình của không khí không tăng quá 2 độ C vào năm 2050. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc, đây là ranh giới nhiệt độ mà con người có thể chịu đựng được. Ðiều này đồng nghĩa với việc giảm một nửa lượng khí CO2 trên toàn thế giới đến năm 2050 so với số lượng khí thải vào năm 1990. Nếu so với năm 2008 thì số lượng khí phải giảm là hai phần ba. Giáo sư Schellnhuber của Viện Khí tượng học tại Potsdam cho rằng, càng chậm trễ thực hiện thì lượng giảm khí CO2 mỗi năm càng phải tăng lên thêm nhiều.
Trong khi Chính phủ Mỹ trước đây không chấp nhận các hiệp định khí hậu vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế, thì nhiều chính phủ của các nước công nghiệp khác đòi sự công bằng trong việc giảm thải khí CO2. Họ cho rằng đây là vấn đề toàn cầu, nếu họ giảm nhưng các nước đang phát triển cứ tiếp tục tung khí CO2 vào môi trường thì hóa ra hành động của họ sẽ như dã trang xe cát?
Dĩ nhiên việc chính phủ các nước giàu đòi các nước đang phát triển, nhất là những nước đang tiến lên như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga hay Brazil cùng giảm khí thải là không sai, nhưng chính phủ các nước này quên rằng, trong hơn 100 năm qua nền công nghiệp của họ đã thải vào bầu khí quyển không biết bao nhiêu khí CO2 và đã giúp họ trở nên giàu có như ngày nay.
Vì vậy, công bằng là các nước công nghiệp đi trước phải giảm nhanh, giảm mạnh sử dụng năng lượng hóa thạch để các nước đang phát triển ít ra có điều kiện thải ra một phần khí CO2 mà bầu khí quyển không hoàn toàn bị nguy hại. Nhiều tổ chức phi chính phủ NGO và các nước đang phát triển đòi hỏi các nước giàu giúp tài chính trong việc giải quyết hậu quả do biến đổi khí hậu, là điều không phải do họ gây ra, nhưng đang và sẽ đến với họ trong thập niên tới.
Kết quả của hội nghị thượng đỉnh ra sao thì hiện nay chưa ai biết rõ, nhưng một sự kiện quan trọng là Tổng thống Mỹ Barack Obama phút cuối đã quyết định tham dự cùng tổng thống, thủ tướng của các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil - những nước hiện nay thải khí CO2 nhiều nhất.
Sự kiện này đã mang đến cho những người tham dự và cả thế giới một tia hy vọng là bầu khí quyển sẽ được cứu thoát, ít ra cho thời gian tới. Người ta không dám nghĩ đến các hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra cho con người, nếu hội nghị ở Copenhagen thất bại và nhiệt độ trung bình của không khí tăng lên 4, 5, 6 độ C hay nhiều hơn nữa.
(TB KTSG, 12/12/2009)