Thậm chí tôi còn gặp được những thứ tưởng chừng như lâu lắm rồi, trước khi mình sinh ra nữa, mà nay được tái sinh. Đêm đặt chân về lại đất làng, chợt nghĩ còn có viện bảo tàng nào bền vững hơn thế. Quê nhà là nơi lưu giữ cho người ta mọi thứ, cả vật thể và tinh thần.
Hồi nhỏ coi phim Tây du ký, cứ ngỡ rằng trái hồ lô (bầu eo) là một thứ giả tưởng, làm gì có loại trái như thế, hoặc nếu có thì chỉ ở bên Tàu. Mãi đến nay tôi mới được chứng kiến tận mắt. Mà không phải ở đâu xa lạ, ngay chính trên quê nhà mình.
Không biết ông nội lấy giống cây ở đâu, đem về ươm và trồng một giàn sau lưng nhà. Đến mùa ra quả, những trái bầu thắt eo thõng xuống. Mệ nội nói cái thứ quả không ăn được ông trồng mần chi? Ừ, không ăn được thì trồng chơi vậy thôi, quả hái làm quà cho người ta đem về, cũng chỉ để… chơi. Ai đến thấy ngồ ngộ cũng hái một quả mang về.
Cuối mùa sây trái năm ấy ông chỉ chừa lại hai quả, đem móc trên chái bếp. Vài bữa sau trái hồ lô khô. Màu khói rơm hun vào khiến lớp vỏ vàng sẫm và bóng lên như chiếc bình cổ. Dưới mái bếp, hai trái bầu lẫn giữa những chiếc mủng mẹt đã bám đầy mồ hống. Mồ hống ấy như một chất keo bảo vệ cho các loại vật dụng bằng tre nứa ở quê, và cũng nhờ thế lớp vỏ trái hồ lô móc mấy bữa thì cứng sừng lại, cất giữ được đến tận mấy năm sau. Ông moi hết phần ruột ở trong. Làm thêm cái nùi gỗ đậy phía trên. Phần bầu dưới thì đan một cái so bằng tre lồng vào. Thế là có cái bình đựng nước chè. Mỗi khi đi làm đồng, rót nước chè vào bình và mang theo ra đặt trên chân ruộng.
Ngày trước, mỗi nhà đều có một chiếc bi đông đựng nước mang ra đồng. Có một câu vè châm biếm về sự lười biếng uể oải thế này: tư tưởng không thông xách bi đông cũng nặng. Bây giờ không thể tìm thấy một chiếc bi đông nào như ngày xưa nữa. Thì đã có bình hồ lô. Có lẽ nếu cái anh chàng nhác nhớm trong câu vè mà vác bình hồ lô chắc sẽ không cảm thấy nặng đâu, vì chính cái sự ngồ ngộ đáng yêu của nó đã làm cho người ta thích lao động hơn. Vật dụng phục vụ cho công việc đôi khi lại có ảnh hưởng lớn đến tinh thần người làm. Chẳng hạn ngày xưa đi cày trâu, người quê cầm một chiếc roi đuối (dây cước cứng) để quất vào lưng trâu. Dần dần bà con thấy cái roi nó ra vẻ uy hiếp quá nên bây giờ chỉ dùng roi tre, thậm chí không cần roi nữa mà chỉ dùng tín hiệu tắc rì họ…
Mùa gieo lúa vụ đông - xuân mới đây, tôi ra đồng giữa buổi để coi ruộng nhà mình, ông nội đã ra đồng ném giống từ sớm. Đến ruộng, thấy bình hồ lô nằm nghiêng tựa vào lớp cỏ xanh bên vệ đường. Cứ như thể người nông phu nào đó trong một buổi làm đồng ngày xưa đã bỏ quên lại chiếc bình màu cũ, sót lại cho đến hôm nay. Một điều gì xưa rất xưa đã trở về trên lớp cỏ xanh tươi còn đẫm sương sớm.
Ném nốt thúng lúa giống, ông lên bờ, ngồi bệt xuống vệ cỏ, thong thả cầm bình nước lên uống. Hả hê một ngụm chè xanh, tan hết mệt nhọc. Tôi nhận ra cái vẻ sung lơn của người đi lên núi tìm sâm, sau những cuộc trèo đá gian nan nay ngồi ngó xuống dốc ghềnh và tu một ngụm rượu từ chiếc bình bầu eo mang theo.
Bảo là một người bạn ở làng, cùng tuổi với tôi. Mới ngoài hai mươi nhưng đã nhiễm một ít cung cách sống của bậc cao niên, ví như cái thú uống trà hoặc đam mê chơi cây cảnh. Ở góc vườn, Bảo trồng một giàn hồ lô, lá đã phủ gần kín phên tre. Chỉ vài bữa nữa là có quả rồi đấy. Bảo nói, mắt mơ màng tưởng đến những dự định sau mùa quả sắp tới. Bảo có khiếu viết thư pháp. Rồi đây có thể hắn sẽ thảo nét chữ mềm mại phóng túng lên trên lớp vỏ hồ lô sau khi đã sấy khô dưới nắng. Hoặc sẽ dùng chiếc bình ấy rót rượu vào và mang lên trên đê ngồi uống cùng bạn bè ở làng trong một đêm trăng mùa hạ.
Bảo dẫn tôi đến phía thềm sân khác, bên cạnh cũng là một vườn cây kiểng. Ở đấy đã có một lu to chứa nước. Bảo làm thêm chiếc gáo từ trái hồ lô dùng để múc. Cắt lấy phần eo dưới trái hồ lô, gắn vào đấy một thanh tre làm cán, thế là có chiếc gáo. Mới trông cứ ngỡ là chiếc gáo dừa, nhìn kỹ mới thấy được cái miệng thắt eo duyên dáng và lớp vỏ láng nhẵn. Nước trong lu vắt ngần, soi rõ nguyên hình cán gáo và tán một cây cau cảnh bên cạnh. Tôi thật sự bất ngờ trước ý tưởng sáng tạo đầy vẻ dân dã của một thằng con trai làng. Và thêm một lần nữa trân trọng người bạn mộc mạc. Hình như trong con người ấy có một thứ tình yêu đối với làng quê sâu nặng.
Buổi tối tôi ngồi cùng với Bảo bên góc sân dân gian ấy, pha một ấm nước trà nhâm nhi. Trăng hạ huyền đậu đầu cán gáo. Tưởng tượng ra hình ảnh một cô thôn nữ ngày nào đang xõa tóc tắm trăng đêm. Ai đó có ý thương nàng nên thả vào mặt nước một vài cánh hoa hường chót đỏ mỏng mảnh, phấn hoa tan ra tỏa hương thơm cả một góc vườn. Nàng cầm chiếc gáo hồ lô múc từng ngụm nước trong lu, rồi nghiêng cán cho nước lăn chầm chậm theo suối tóc. Nàng cứ tắm như thế cho đến khi mảnh trăng nhô cao, sáng vừa soi thấy những đường cong thiếu nữ thì thôi. Hình ảnh ấy biến mất ngay tức khắc, chỉ còn dải sáng tóc trăng vắt bên cán gáo. Và hương thơm cánh hoa hường thì vẫn vương vẩn quanh chỗ tôi và Bảo đang ngồi.
Lâu lắm rồi mới có lại một không gian cố cội, cả cái hương xưa hồn cũ nữa. Mà cũng đơn giản dễ dàng thôi, bỏ ra chút ít thời gian, chịu khó suy nghĩ sắp đặt là chạm phải ngày xưa tưởng chừng đã mất đi mãi mãi. Ôi, đúng là “với tay khơi nhẹ hương ngày cũ, mường tượng như mình ngộ cố nhân” như câu thư pháp mà Bảo đã viết và treo trên tường kia.
Uống cạn chén trà, liếc sang cái gáo của bạn, tôi lại nhớ chiếc bình hồ lô hôm nào trong phim Tây du ký. Trái hồ lô ấy có thể thu phục và nhốt Tôn Ngộ Không vào trong. Còn trái hồ lô của chúng tôi, có lẽ sẽ gói lấy tâm hồn những người con của làng và neo lại phía quê hương.