Trường Sơn làm chậm biến đổi khí hậu
Theo GS Phạm Bình Quyền, việc khai thác Trường Sơn là việc tất yếu, không thể không khai thác, nhưng Trường Sơn đang bị lạm dụng, thiếu tính toán. Chủ trương đúng, nhưng đến khi thi công, trách nhiệm hay nhận thức còn chưa cao, ham cái lợi kinh tế trước mắt, khiến Trường Sơn đang bị khai thác nham nhở.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong Hội bảo vệ môi trường thiên nhiên, và những nghiên cứu của các nhà quản lý địa phương, Trường Sơn có vai trò cực kỳ quan trọng, rừng trên Trường Sơn làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, hạn chế sự tàn phá của các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hóa.
Chỉ với 50% diện tích có rừng, thì mỗi năm dãy Trường Sơn giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, thực trạng đáng buồn ở dãy Trường Sơn là, tài nguyên rừng đã bị cạn kiệt. Theo số liệu Việt Nam có tới 43-45% diện tích rừng mới đảm bảo, nhưng Trường Sơn phải gánh cho đô thị, đồng bằng, nên cần tới 70% - 80% diện tích rừng để đảm bảo cho những thành phố, những khu đô thị, khu công nghiệp không có rừng.
Đồng thời, tình trạng xây dựng hàng trăm thủy điện lớn bé, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên, các loài động thực vật quý hiếm cũng bị suy giảm, thậm chí không còn, các nguồn dược liệu tự nhiên quý giá, dự trữ quỹ gen đang bị “tổn thương”.
Ông Phùng Quang Chính cũng cho hay, hiện nhiều tỉnh thuộc dãy Trường Sơn đang phải đương đầu với sự gia tăng của nhiệt độ, hạn hán và mưa lũ kéo dài trầm trọng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế.
Do đó, Trường Sơn vẫn được xem như là một bức tường thành vững chắc cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong đó có các loài thú quý hiếm bị đe dọa, văn hóa phi vật thể
Giá trị đa dạng văn hóa bản địa
Các nhà khoa học trong Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường đều cho biết, Trường Sơn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Đây chính là nơi sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa, những cồng, chiêng, điệu nhảy rất đặc sắc không ai có thể quên, lớn hơn là góp phần bảo vệ đa dạng văn hóa bản địa của bán đảo Đông Dương.
Cư dân trên Trường Sơn đa phần là các dân tộc ít người, tuy nghèo nhưng có các nền văn hóa bản địa đặc sắc với kho tàng kiến thức bản địa rất phong phú. Nhờ kho kiến thức bản địa này mà Trường Sơn bảo lưu được nhiều giá trị đa dạng sinh học trong hàng ngàn năm lịch sử.
Điều nghịch lý là giờ đây, dù xuất hiện nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với những tiềm lực kinh tế cùng luật pháp phát triển thì tài nguyên thiên nhiên dãy Trường Sơn đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Nét văn hóa ở Trường Sơn còn thể hiện ở giá trị về phong thủy và tâm linh. Các vùng đồng bằng hẹp - trung tâm kinh tế xã hội của các tỉnh ven biển Trung bộ - dựa lưng vào Trường Sơn (hậu Huyền Vũ), ngoảnh mặt ra Biển Đông (tiền Minh Đường), hai dãy đèo hay núi thấp ở phía Bắc và Nam tạo ra thế tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Đây là địa thế vượng nhất theo lý thuyết phong thủy.
Với địa hình dạng lòng chảo có núi bao quanh và ít nhất có một dòng sông đổ ra biển tạo ra cửa biển chính hoặc trong một số trường hợp là cửa biển duy nhất của địa phương, mỗi tỉnh thành ở ven biển Miền Trung giống như một Yony vĩ đại – biểu tượng của Nữ thần Uma, vợ của thần Shiva theo văn hóa Champa vốn có cội nguồn từ Ấn Độ giáo mà ngày nay vẫn đậm sắc.
Những vùng đất cao trong các Yony này thường là vùng địa linh, là Linga vĩ đại biểu tượng của thần Shiva. "Vợ chồng thần Shiva và Uma là đệ nhất đẳng thần theo Ấn Độ giáo, là cặp thần sáng tạo và hủy diệt. Thường có các ngôi đền cổ, chùa cổ được xây cất tại các điểm cao này. Các tỉnh ven biển Miền Trung vì thế có bản sắc địa văn hóa riêng khó có thể lẫn lộn với nhau, ngay cả giọng nói". PGS Nguyễn Đình Hòe thông tin.
Thu Hương
(Baomoi.com, 19/3/2010)