quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Bảo tồn nguồn gen quý hiếm dựa vào cộng đồng ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Thứ Sáu, 21/10/2016 | 12:11:00 PM

VACNE: VACNE xin giới thiệu bài viết dưới đây của các hội viên về bảo tồn nguồn gen quý hiếm dựa vào cộng đồng ở xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang

Xã Thài Phìn Tủng nằm trên sườn và thung lũng cao nguyên đá vôi thuộc huyện biên giới cực bắc Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cư dân Thài Phìn Tủng tuyệt đại bộ phận là người Mông đã sinh sống ở đây từ lâu đời.


Thài Phìn Tủng tiếng Mông nghĩa là “nhà trên hố nước”. Nếu chưa một lần đến Thài Phìn Tủng có thể nghĩ rằng nơi đây quanh năm không bao giờ thiếu nước. Thực tế, hoàn toàn không phải như vậy.


Với lượng mưa vào mùa khô khoảng 150 – 200mm (có 30 – 50 ngày mưa) và mùa mưa khoảng 1.000 – 1.300mm (tối đa 100 ngày mưa), đây là vùng có lượng mưa tương đối thấp ở nước ta. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước gay gắt ở đây hoàn toàn không phải do lượng mưa thấp mà điều đáng quan tâm là nước mưa rơi xuống rồi biến đi đâu mất. Vào mùa mưa, khi liên tiếp có những cơn mưa, nước chảy tràn trên bề mặt, nhưng ngay sau đấy nhanh chóng bị thu vào các khe nứt rồi biến mất vào lòng đất. Đó chính là các hố karst. Cái tên Thài Phìn Tủng ra đời cũng chính từ hiện tượng này.


Cho đến nay, có lẽ Thài Phìn Tủng là một trong số rất ít địa phương thuộc vùng núi phía Bắc không trồng được lúa kể cả lúa nương vì thiếu nước và thiếu đất. Ở đây cây lương thực chính là ngô, chủ yếu được trồng trên hốc đá. Có thể xếp Thài Phìn Tủng vào danh sách những địa phương điển hình về canh tác trên hốc đá.


Vào cuối những năm 90 của thế kế XX, Thài Phìn Tủng là một trong số 17 xã nghèo nhất của huyện Đồng Văn. Điều đáng ngạc nhiên là Thài Phìn Tủng hiện đang lưu giữ nhiều nguồn gen quý hiếm, trong đó vào năm 1999 có 4 loài hạt trần được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (1996) lần đầu tiên ghi nhận có ở Hà Giang chính là được phát hiện ở Thài Phìn Tủng nhờ chương trình hợp tácViệt Nam – Thụy Điển. Đó là: Thông đỏ, Hoàng đàn rủ, Dẻ tùng sọc nâu và Thông tre lá ngắn


Nhờ những thông tin này, năm 2003, Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học đã được Quỹ môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEFSGP) cho thực hiện dự án “Điều tra, khảo sát nhằm phát hiện nguồn gen quý hiếm trên hệ sinh thái núi đá vôi ở Thái  Phìn Tủng”. Dự án thực hiện từ 2003 – 2006. Kết quả đã phát hiện thêm được 9 loài quý hiếm gồm: Thông 5 lá Pà Cò, Đỉnh tùng, Du sam núi đá, Thiết sam giả, Thiết sam núi đá, Mã hồ, Bảy lá một hoa, Bạch huệ núi và Hà thủ ô đỏ.


Kết thúc pha I giai đoạn 2003 – 2006, dự án tiếp tục được tài trợ để thực hiện pha II giai đoạn 2007-2009 với mục tiêu chủ yếu dựa vào cộng đồng nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm thông qua các hoạt động sau đây:


- Mở lớp tập huấn với thành phần gồm: Đại diện cộng đồng ở các thôn bản và trưởng bản, trưởng thôn, đại diện các ban ngành, đoàn thể trong bộ máy chính quyền xã để giới thiệu về những loài cây quý hiếm hiện có trong xã, giải thích lý do vì sao phải bảo tồn, lợi ích mà các loài quý hiếm mang lại…


- Tiến hành đóng biển một số loài cây quý hiếm đã được phát hiện. Nội dung của biển gồm logo Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ; tên khoa học, tên Việt Nam và tên tiếng Mông của loài.


- Xây dựng vườn ươm cây giống bằng phương pháp giâm cành ngay tại địa phương;


- Hướng dẫn cho 02 cán bộ địa phương từ việc nhận biết các loài cây quý hiếm ngoài thực địa, cách chọn cành giâm trên cây mẹ đến việc làm bầu, xử lý hom bằng thuốc kích thích ra rễ…


Kết quả đã tạo được 15.000 cây giống của 4 loài quý hiếm là: Thông đỏ, Hoàng đàn rủ, Dẻ tùng sọc nâu và Thông tre lá ngắn. Sau 6 tháng, 80% số hom ra rễ đủ tiêu chuẩn đưa ra trồng ở ba mô hình bảo tồn:


1. Mô hình bảo tồn theo hộ gia đình (một gia đình)


2. Mô hình vườn sưu tập (nhóm hộ gia đình, gồm 7 hộ tập trung tại một địa điểm;


3. Mô hình cộng đồng (gồm 22 hộ gia đình rải rác trong phạm vi toàn xã).


Nhằm động viên các gia đình tham gia dự án bảo tồn nguồn gen quý hiếm, quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF SGP) quyết định tài trợ dự án bảo tồn giống bò vùng cao để góp phần cải thiện mức sống cho các hộ tham gia bảo tồn cây quý hiếm, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn gen vật nuôi cho cộng đồng xã Thài Phìn Tủng. Có 26 hộ, mỗi hộ được vay 10 triệu đồng để mua 1 con bò đẻ với lãi suất ưu đãi (0,4%/năm) và 4 hộ mua bò đực giống được vay mỗi hộ 15 triệu đồng.


Vừa qua, quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ (GEF SGP) đã tiến hành khảo sát nhằm đánh giá tính bền vững của dự án.


Kết quả khảo sát cho phép khẳng định, dự án đã phát triển bền vững không chỉ về mặt bảo tồn mà cả về mặt nâng cao đời sống cho cộng đồng. Có thể nói, sức sống mãnh liệt, tốc độ sinh trưởng rất nhanh bất chấp điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt của các loài Thông tre lá ngắn, Hoàng đàn rủ, Thông đỏ thực sự là phần thưởng xứng đáng đền bù công sức của các hộ tham gia dự án cũng như kỳ vọng của nhóm chuyên gia thực hiện dự án. Cách đây 6 năm, những loài cây quý hiếm khi đưa ra trồng mới chỉ là những cành hom chiều cao không quá 10-15cm, thế mà nay có cây đã cao tới 4m, đường kính thân đạt 12-15cm, tán lá rậm rạp xanh thẫm (của Thông tre lá ngắn) hoặc xanh nhạt (của Hoàng đàn rủ, Thông đỏ). Càng đáng trân trọng hơn khi tận mắt chứng kiến sự có mặt của Thông tre lá ngắn, Thông đỏ, Hoàng đàn rủ trong mảnh vườn chỉ có đá và đá của hộ ông Vàng Pháy Ly. Mặc dù được trồng trong các hốc đá nhưng những “chủ nhân” đích thực của cao nguyên đá đã thể hiện sự thích nghi tuyệt vời.


Sẽ là thiếu công bằng nếu như không đề cập đến sự phát triển của đàn bò. Sau 3 năm trở lại đây, đàn bò đã tăng lên 72 con, trong đó điển hình như bò hộ ông Vàng Pháy Ly hiện có 5 con, thuộc 3 thế hệ: bò mẹ, bò con và bò cháu. Tính bình quân mỗi hộ nuôi bò đã thu được 50 triệu đồng tiền bán bê. Đáng chú ý là từ dự án nuôi bò đã thúc đẩy phong trào chăn nuôi bò trong toàn xã. Đây là hướng phát triển kinh tế hiệu quả nhưng trước đây chưa được quan tâm.


Cùng với việc nuôi bò, đã xuất hiện phong trào trồng cỏ voi làm thức ăn cho bò. Đây cũng là vấn đề mới. Bởi vì, từ lâu ở Hà Giang có câu nói vui: nuôi bò trên lưng, nghĩa là thức ăn cho bò phải lên núi cắt, gùi trên lưng mang về. Hiện nay, cỏ voi được trồng khắp vùng trong xã. Hình ảnh nuôi bò trên lưng đã là câu chuyện của quá khứ.


Sau khi kết thúc dự án vào năm 2012, xã còn được thụ hưởng 149.700.000đ hiện do hội phụ nữ xã quản lý, cho các hộ có nhiều khó khăn vay làm vốn đầu tư phát triển sản xuất.


Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi xin được trân trọng cảm ơn GEFSGP trong vai trò là “ Bà Đỡ “ của dự án.


Xã Thài Phìn Tủng hôm nay đã khác xa so với thời kỳ thập niên 90 của thế kỷ XX. Không chỉ đang dần thoát khỏi đói nghèo nhờ tham gia dự án bảo tồn các loài quý hiếm, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng, Thài Phìn Tủng còn trở thành một địa chỉ trong bản đồ tour du lịch của tỉnh Hà Giang.

  

 

Hoàng đàn rủ ở Vườn sưu tập (Ảnh: Nguyễn Thùy Dung)

 

Thông tre lá ngắn trong vườn sưu tập (Ảnh: Nguyễn Thùy Dung)


 

Thông đỏ lớn nhất miền bắc ( Ảnh: Nguyễn Thùy Dung)

 

Thông tre lá ngắn của hộ gia đình Vàng Pháy Ly (Ảnh: Nguyễn Thùy Dung)

Tác giả: Lê Trần Chấn, Trần Ngọc Ninh, Trần Văn Kự - Trung tâm Đa dạng và An toàn Sinh học; Nguyễn Xuân Quát – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam Đào Lan Nhi – Viện Chăn nuôi; Trần Thị Thúy Vân – Viện Địa lý

Lượt xem: 2300

Các tin khác

Hậu duệ Cây Di sản nghìn tuổi miền Đông Nam Bộ được trồng trên đất tổ Hùng Vương

(27/03/2024 09:47:PM)

Cây Bàng bên ngôi đình thờ danh tướng thời nhà Mạc được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(19/03/2024 05:31:PM)

Phát động Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam

(15/03/2024 06:18:PM)

Cây Gạo cổ thụ của làng rèn ven sông Hồng được vinh danh Cây Di sản Việt Nam

(10/03/2024 05:44:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 2/2024

(09/03/2024 03:12:AM)

Kế hoạch hoạt động chính các tháng 3&4 năm 2024 của Hội

(29/02/2024 05:14:PM)

Cây Bách xanh đầu tiên được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

(27/02/2024 10:18:PM)

Cây đa hơn 300 tuổi tại thành phố Chí Linh được vinh danh là Cây di sản

(22/02/2024 11:54:PM)

Đã cơ bản thống nhất việc biên soạn cuốn sách về tài nguyên thiên nhiên đóng góp cho phát triển xanh bền vững

(22/02/2024 11:40:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE