quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Bảo tồn loài voi trước đà suy giảm nghiêm trọng

Thứ Hai, 18/09/2023 | 06:50:00 AM

Việt Nam là một trong 13 nước có voi châu Á phân bố. Voi thuộc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Với quyết tâm bảo tồn và phát triển bền vững các quần thể voi, nhiều địa phương đang thí điểm và nhân rộng các mô hình, giải pháp hữu ích.

Ở Việt Nam, voi được xếp vào bậc nguy cấp trong danh mục sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), bậc cực kỳ nguy cấp theo Sách Đỏ Việt Nam và được đưa vào nhóm có quy chế bảo tồn cao nhất, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Những năm 1990, ước tính số voi hoang dã của Việt Nam còn khoảng 1.500-2.000 cá thể. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chỉ còn khoảng 124-148 cá thể voi hoang dã, phân bố trên 8 tỉnh bao gồm Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.

Ngoài việc quy định bảo tồn ở mức cao nhất, Chính phủ cũng đã lập kế hoạch hành động cho từng giai đoạn cụ thể: Giai đoạn 2006-2010 bằng Quyết định 733/QĐ-TTg ngày 16/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Giai đoạn 2012-2020 bằng Quyết định 940/QĐ-TTg ngày 29/7/2012 và Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21/5/2013 với 3 dự án thành phần tại Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An và 1 dự án cấp trung ương. Gần đây nhất Chính phủ đã đồng ý gia hạn thực hiện các hoạt động bảo tồn đến năm 2025 tại Quyết định số 413/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai thực hiện chương trình Giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng một cơ sở dữ liệu chi tiết về quần thể voi tại địa phương này.

Đồng Nai là nơi sống của quần thể voi hoang dã lớn thứ hai trên cả nước và có nguồn lực về con người và kỹ thuật để ứng dụng khoa học công nghệ mới. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thực hiện Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2012, về việc phê duyết kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam; được sự hỗ trợ của các chuyên gia trong và ngoài nước, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3592/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 Phê duyệt Dự án khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 3445/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 Phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng một số hạng mục tiếp theo bổ sung dự án khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2014 – 2020.

Sau khi cơ bản hoàn thành dự án đã đạt được 4 mục tiêu cụ thể của Dự án đó là: mục tiêu thứ nhất là bảo tồn, phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, dự án đã đạt được bảo tồn và phát triển đàn voi hoang dã tỉnh Đồng Nai, cụ thể là voi được bảo vệ nguyên vẹn và đang có xu hướng tăng lên về số lượng, theo quan sát được trong 2 năm đã có 4 voi con chào đời, đang sinh trưởng và phát triển tốt, giai đoạn 1 là thành công;  Mục tiêu thứ 2 là khôi phục bảo vệ nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm và đa dạng sinh học trong vùng sinh cảnh của voi. Dự án đã thành công trong mục tiêu này, sau 2 năm thực hiện dự án voi đã được bảo vệ, hàng rào điện đã hạn chế được các đối tượng vào rừng trái phép, rừng đang phát triển, tính đa dạng sinh học được phong phú hơn;

Mục tiêu thứ 3 là ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả xung đột giữa voi và người. Ở những nơi có hàng rào điện voi không thể vượt qua, tính mạng của người dân không còn bị đe dọa, tài sản của người dân được bảo vệ, họ yên tâm sản xuất; sau khi được tuyên truyền vận động, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loài cây Voi không ưa thích, đã hạn chế được xung đột; tuy nhiên voi là loài động vật thông minh đang suy nghĩ và tìm đến những khu vực có thức ăn ngon, nước, muối khoáng, do đó những nơi chưa có hàng rào đã và sẽ xẩy ra xung đột; 

Mục tiêu thứ 4 là tăng cường hợp tác thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép ngà và dẫn xuất của voi, góp phần bảo tồn các quần thể voi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Mục tiêu này đã phát huy tác dụng tốt, việc thực thi pháp luật được tăng cường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Quân đội, Viện Kiểm sát, nạn săn bắn, bẫy, bắt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được kiểm soát.

Bảo tồn voi theo hướng chung sống hài hòa là chương trình đang được Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Tổ chức về bảo vệ động vật (Humane Society International - HIS) thí điểm tại tỉnh Đồng Nai – nơi sinh sống của đàn voi hoang dã lớn thứ hai của cả nước. Trong hai năm qua, HSI đã thực hiện chương trình Giám sát voi bằng bẫy ảnh để xây dựng một cơ sở dữ liệu chi tiết và quy mô chưa từng có.

Mỗi con voi đều có thẻ định dạng riêng gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt giữa các cá thể; điểm thể trạng và thông tin về cấu trúc đàn. Những con voi đực trưởng thành như Ngà Lệch, Cát Tiên và Đất Đỏ đã được giám sát và định dạng thông qua các hình ảnh thu được tại nhiều điểm đặt bẫy ảnh thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và công ty Lâm nghiệp La Ngà thuộc ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu và Định Quán. 

Thông qua chương trình, HIS đã tiến hành giám sát voi bằng bẫy ảnh tại Đồng Nai, thu được khoảng 16.000 ảnh liên quan đến voi rừng. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ sở dữ liệu ghi nhận và định dạng từng cá thể voi (gồm tên tiếng Việt, tuổi, giới tính, đặc điểm nhận dạng riêng nổi bật để phân biệt; đặc điểm thể trạng và xác định phân loại nhóm, đàn cụ thể trong sinh cảnh sống). Các nhà nghiên cứu ước tính rằng số lượng voi tại Đồng Nai là 25 đến 27 cá thể, thay vì 14 cá thể như nhận định trước đó.

Số lượng cá thể này sẽ có hồ sơ định dạng kèm theo một cách khoa học với dữ liệu chính xác thu được từ hàng chục nghìn ảnh thu được từ các bẫy ảnh. Các cuộc khảo sát thực địa cũng xác định được vùng sống/vùng hoạt động của đàn voi. Quan trọng hơn, các hoạt động nghiên cứu từ chương trình còn cung cấp các nguyên nhân sâu xa dẫn đến các vụ xung đột voi-người.

Theo đó, dữ liệu về địa điểm xảy ra xung đột, mức độ, tần suất xung đột, cũng như số lượng voi và phản ứng của chúng với các biện pháp giảm thiểu xung đột... đã được thu thập tương đối đầy đủ, cập nhật, phân tích và cung cấp trên phần mềm để số hóa. Những dữ liệu khoa học hứa hẹn sẽ giúp tỉnh Đồng Nai có cách tiếp cận bảo tồn voi một cách khoa học, đồng thời xây dựng các chính sách/biện pháp bảo tồn và giảm thiểu xung đột giữa voi - người một cách thực tế và hiệu quả hơn. Các cơ quan quản lý và HSI hy vọng kết quả khả quan từ chương trình tại Đồng Nai là tín hiệu tốt để có thể áp dụng mở rộng sáng kiến ở tất cả các nơi có quần thể voi rất quan trọng đang sinh sống như: Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Nam, nhằm xác định chính xác hơn số lượng cá thể voi trên toàn quốc. Đó là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý, địa phương có kế hoạch bảo tồn và phát triển loài phù hợp nhất.

Du khách trải nghiệm mô hình du lịch thân thiện với voi tại Khu du lịch Bản Đôn. Ảnh: HH.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk, thập niên 80 thế kỷ trước, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 cá thể voi nhà. Nhưng đến nay chỉ còn 36 cá thể, trong đó có 21 cá thể voi ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể ở huyện Lắk và huyện Krông Ana chỉ còn 1 cá thể.

Có nhiều nguyên nhân khiến đàn voi nhà ở Đắk Lắk sụt giảm, như nạn tấn công voi để trộm ngà và lông đuôi, môi trường sống của voi bị thu hẹp, bán voi đưa đi các tỉnh khác. Điều kỳ lạ là trong hơn 30 năm qua, chưa có cá thể voi cái nào sinh sản thành công, trong khi tuổi của các cá thể voi ngày càng cao. Thêm vào đó, phần lớn các du khách khi đến Đắk Lắk đều có nhu cầu cưỡi voi. Do nhu cầu kinh tế, hoạt động du lịch cưỡi voi vẫn diễn ra nhiều năm qua mà chưa thể dừng. Điều đó càng làm cho đàn voi nhà bị khai thác quá sức, kiệt quệ.

Một trong những giải pháp cấp bách bảo vệ đàn voi được tỉnh Đắk Lắk triển khai là chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi. Dự án được thực hiện từ cuối năm 2022 trên địa bàn huyện Lắk và Buôn Đôn. Theo đó, thay thế hoàn toàn hình thức du lịch cưỡi voi; đàn voi nhà được bảo tồn, chăm sóc, bảo đảm phúc lợi, kéo dài tuổi thọ; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk; hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi…

Hiện, các cơ quan chức năng đang phối hợp với địa phương khảo sát và tiến hành các bước thành lập khu chăn thả voi. Ngoài ra, nằm trong các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn loài voi, tổ chức Động vật châu Á đã phối hợp với Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam và Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức triển lãm ảnh “Chân dung voi nhà Đắk Lắk”. Trong chương trình Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 - năm 2023, lần đầu tiên tỉnh Đắk Lắk không sử dụng voi diễu hành tại lễ hội đường phố và trong Hội voi Buôn Đôn cũng không tổ chức thi đua voi, voi bơi, voi đá bóng, mà chỉ tổ chức Lễ cúng sức khỏe cho voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi...

Phương Hà

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và môi trường - thiennhienmoitruong.vn

Lượt xem: 775

Các tin khác

Đắk Lắk: Buôn Ma Thuột - Kết nối và phát triển không gian xanh

(10/01/2025 08:35:AM)

Quảng Nam tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã

(10/01/2025 08:30:AM)

Triển vọng rừng nhiệt đới 2025: Những câu chuyện đáng chú ý khi năm mới bắt đầu

(09/01/2025 09:25:AM)

Bẫy ảnh bất ngờ ghi nhận nhiều động vật quý hiếm tại khu bảo tồn ở Quảng Nam

(08/01/2025 08:38:AM)

Nhiều điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Sóc Trăng

(31/12/2024 08:09:AM)

Tin gió mùa đông bắc mới nhất: Ngày mai, nhiều nơi có mưa to đến rất to

(24/12/2024 06:05:PM)

Đánh giá mức độ phù hợp tiêu chí Vườn di sản của ASEAN trong bối cảnh mới

(20/12/2024 08:33:AM)

Hoa và Rác: Động lòng người dân xứ Huế

(19/12/2024 07:36:AM)

Nôn nao khi nhận tin báo phát hiện Sao La

(17/12/2024 10:06:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE