quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC CỦA HỘI

Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn – Phối hợp hành động vì an ninh môi trường và phát triển bền vững

Thứ Năm, 25/03/2010 | 09:52:00 AM

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo Bảo tồn Đa dạng Sinh học dãy Trường Sơn lần thứ II, Hà Nội, tháng 3 năm 2010

 
  •  Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: Nguyễn Ngọc Sinh, Nguyễn Đình Hòe, Đặng Huy Huỳnh và Phạm Bình Quyền
  •   Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học: Lê Thanh Bình, Dương Thanh An
 
 
Dãy Trường Sơn trên bán đảo Đông Dương
 
GIỚI THIỆU CHUNG
Nội dung chính trong Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 2 tập trung vào những vấn đề chính như sau:
1. Xác định phạm vi và phân vùng nội bộ dãy Trường Sơn
Để bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, vấn đề quan trọng hàng đầu là xác định rõ phạm vi và phân vùng nội bộ của dãy núi này, vì đó cũng chính là phạm vi của các hoạt động bảo tồn.
2. Kiểm kê đa dạng sinh học dãy Trường Sơn
Dãy Trường Sơn là hành lang xanh tự nhiên đối với các giống loài sinh vật. Với những gì còn lại, giá trị đa dạng sinh học trên dãy Trường Sơn vẫn làm ngạc nhiên nhiều nhà nghiên cứu. Giá trị này được hiểu theo khái niệm đa dạng sinh học của Công ước Đa dạng sinh học gồm 4 nội dung: đa dạng gen, đa dạng loài, đa dạng sinh thái và đa dạng sử dụng. Tuy nhiên việc kiểm kê đa dạng học dãy Trường Sơn vẫn cần được tiếp tục đẩy mạnh để làm rõ kho tài nguyên quý giá không chỉ của 3 nước Đông Dương mà của cả thế giới. Cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu đa dạng sinh học dãy Trường Sơn đặc biệt bên phía Lào và Campuchia.
3. Hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn trên dãy Trường Sơn
Việc thiết lập và vận hành các khu bảo tồn thiên nhiên trên dãy Trường Sơn như thế nào là hợp lý, nhất là các khu bảo tồn xuyên biên giới chung 2 nước Việt-Lào, Việt - Campuchia và chung 3 nước Việt-Lào-Campuchia. Danh mục và phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có đã phù hợp chưa? Nên thêm, điều chỉnh phạm vi hay bỏ bớt? Vì trên thực tế, nếu thiết lập các khu bảo tồn thiên nhiên không hợp lý sẽ cản trở phát triển và trên thực tế cũng rất khó bảo tồn. Cũng cần xác lập trật tự ưu tiên của các khu bảo tồn được khẳng định.
4. Hướng tới một chiến lược quản lý tổng hợp Dãy Trường Sơn
Hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn cần được xác lập trên cơ sở một chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn với sự hợp sức chung của cả Việt Nam- Lào - Campuchia và sự hỗ trợ Quốc tế. Nôi dung cơ bản, tiêu chí trọng yếu và phân vai xây dựng chiến lược này là gì? Sự tham gia của cộng đồng và phát huy vốn kiến thức bản địa trong chiến lược bảo tồn sẽ như thế nào? Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức và tạo ra những cơ hội nào cho chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn? Những khó khăn gì cần tháo gỡ để xây dựng và thực hiện chiến lược này?
5. Những nhiệm vụ cần làm ngay
Những định hướng cho nội dung và tổ chức Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ 3 là gì, làm thế nào để tiếp cận và nhanh chóng giải quyết các nhiệm vụ bức xúc về bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lãnh thổ đặc biệt này trong điều kiện phức tạp liên quan đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội và biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra.
I. PHẠM VI VÀ PHÂN VÙNG ĐỊA SINH THÁI DÃY TRƯỜNG SƠN
Dãy Trường Sơn = Dãy núi An Nam= Dãy núi Trung Kỳ (Annamese Range, Annamese Mountains, Annamese Cordillera, Annamite Mountains, Annamite Cordillera, Chaine Annamitique), Say Phou Loang (Phu Luông – Lào)[9,10,11,12,13,16]. Chú ý rằng tên dãy núi An Nam chỉ xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc xuất phát từ các nghiên cứu của Sở Địa chất Đông Dương (Service Ge’ologique de l’Indochine)[13,16], mà trong thời kỳ này, An Nam không còn là tên của cả nước Việt nam mà chỉ là tên của Trung kỳ, để phân biệt với Bắc kỳ (Tonkin hay Đông Kinh) và Nam Kỳ (Cochinchine). Vì vậy “Dãy núi An Nam” theo khái niệm ban đầu thực ra chỉ có nghĩa là “Dãy núi Trung kỳ”. Theo những mô tả đầu tiên của các nhà nghiên cứu Pháp hồi đầu thế kỷ trước thì dãy núi Trung Kỳ (Trường Sơn) khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía đông nam đến tận ranh giới với Nam Bộ, là đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mekong và các sông nhỏ đổ vào biển Đông và đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương Về sau một số nhà nghiên cứu mở rộng ranh giới phía Bắc của dãy Trường Sơn khiến cho khái niệm về dãy núi này không thống nhất. Việc phân chia dãy Trường Sơn thành các vùng Bắc – Trung và Nam Trường Sơn cũng chưa thống nhất khiến cho khi nói về Trường Sơn và các phân vùng của nó, tên thì giống nhau nhưng nội dung thì khác nhau.
Tên Trường Sơn cũng chưa được xác định rõ là từ năm nào. Theo văn liệu hiện có thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tên Trường Sơn vào thời gian Quốc dân Đại hội Tân Trào sát trước cách mạng Tháng Tám [17], có nghĩa là tên “Trường Sơn” đã khá thông dụng khi đó.  Nhưng cũng không xác định được dãy Trường Sơn theo Bác Hồ nói khi đó có trùng với “dãy núi Trung kỳ” của các nhà địa chất Pháp xác định hay không. Trong các tài liệu hiện có tuy cùng nói về dãy Trường Sơn nhưng ít người giải thích rõ phạm vi của dãy núi này..
1.1. Ranh giới phía bắc của dãy Trường Sơn và vùng đệm giữa dãy Trường Sơn với khu vực núi Tây Bắc Việt Nam
Ranh giới phía bắc dãy Trường Sơn còn nhiều điểm bất nhất trong giới khoa học lẫn trên thông tin đại chúng.
Quan điểm cực đoan nhất ghép cả Tây Bắc Việt Nam vào Trường Sơn, nên Trường Sơn theo khái niệm này xuất phát từ tận cao nguyên Tây Tạng- Vân Nam (Trung Quốc) [14, 15]. Cách hiểu cực đoan này không được chấp nhận rộng rãi, không có cơ sở cả về lịch sử địa chất lẫn địa sinh thái.
Gần gũi với quan điểm trên đây là ý kiến của Đặng Huy Huỳnh và cộng sự trong Hội thảo Bảo vệ ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ nhất, 2008, [18.5, tr.156] xếp vào Bắc Trường Sơn cả một vài tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Chú ý rằng nhiều nghiên cứu thường lấy ranh giới hành chính giữa các tỉnh làm ranh giới địa sinh thái giữa các quần sơn nhiều trường hợp là không hợp lý. Hồ Thanh Hải [18.9, tr 255] coi toàn bộ lưu vực sông Mã (nghĩa là gần 50 % diện tích Tây Bắc Việt nam) thuộc về Trường Sơn
 Lùi xa hơn về phía Nam chút ít, Lê Bá Thảo (2002) [7] coi ranh giới phia bắc của Trường Sơn là hữu ngạn sông Chu (Thanh Hóa) mà không đưa ra lời giải thích nào. Có lẽ do nhận thấy cấu trúc địa chất của “khối nâng Quỳ Châu” (Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An) không giống cấu trúc địa chất Tây Bắc Việt nam nên nhà Địa lý nổi tiếng này đã ghép vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ vào Trường Sơn chăng?. Quan niệm gần gũi với ý tưởng này được Trương Quang Học và cộng sự [ 18.4, tr. 91], Tô Đình Mai [18.3, tr.81], Nguyễn Hoàng nghĩa [18.7, tr 178], tán thành khi coi Bắc Trường Sơn là từ Thanh Hóa trở vào.Tất cả các văn liệu khác được thu thập, kể cả Lê Bá Thảo (1975) [2,3,5,6,8,10,11,12,15,16, Mai Đình Yên (18.5, tr 117),] đều coi Trường Sơn Bắc bắt đầu từ vùng sinh thủy của sông Cả trên cao nguyên Trấn Ninh (Lào).
Thực ra khó có thể lấy một dòng sông để phân chia rạch ròi ranh giới của hai khối núi Trường Sơn và Tây Bắc Việt nam. Khu vực từ sông Chu đến sông Cả (Nam Thanh-  Bắc Nghệ)với các đặc trưng địa sinh thái của nó, cần được coi là vùng đệm giữa Trường Sơn Bắc và khối núi Tây Bắc Việt Nam.Việc coi vùng đệm này có thuộc Trường Sơn Bắc hay không tùy thuộc vào mục tiêu, nguồn lực của hoạt động bảo tồn.
1.2. Ranh giới phía nam của dãy Trường Sơn
Về phía nam, dãy Trường Sơn kết thúc khi tiếp xúc với miền Đông Nam Bộ. Quan điểm này là thống nhất ở hầu hết các nhà nghiên cứu, kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp nghiên cứu về Địa chất Đông Dương như Saurin, E (1935) (Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22) [16], hay Fromaget,J.(1941) (L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi) [13]. Tuy nhiên cũng cần nói rõ là vẫn có một số nhà nghiên cứu coi Trường Sơn Nam chỉ là sườn Đông của Trường Sơn Nam, còn Tây Nguyên vốn là sườn Tây của Trường Sơn Nam thì lại coi như một cấu trúc độc lập, không thuộc Trường Sơn Nam. Quan niệm này phổ biến trong giới địa chất, xuất phát từ cấu trúc Địa kiến tạo (Saurin,E. 1935,) [16].
1.3. Tiểu vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam
Có 2 quan điểm về ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam: 1/ Các nhà địa chất Pháp như Saurin, E. hay Fromaget,J. như đã nói ở trên, cho rằng Trường Sơn Bắc kéo dài đến hết tỉnh Quảng Nam (dãy núi Ngọc Linh), và 2/ Trường Sơn Bắc và Nam được phân chia theo dải núi Bạch Mã, ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Quan điểm thứ 2 được Lê Bá Thảo (1975, 2002) [6] đề xuất và phân tích rất cặn kẽ, sau đó được nhiều nhà nghiên cứu khác sử dụng.
Báo cáo đề dẫn (mục C) của Hội thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ nhất, 2008 [18.1, tr. 14], lại đầy mâu thuẫn khi nói rằng  « Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã... (nhưng)Trường Sơn Bắc chạy từ thượng nguồn sông Cả vào đến Quảng Nam... Trường Sơn Nam chạy dài từ khối núi Ngọc Linh ( tức là ranh giới giữa Quảng Nam và Kontum – báo cáo đề dẫn này chú thích) đến Mũi Dinh»
Thực ra về mặt địa lý và địa sinh thái thì vùng Quảng Nam-Đà Nẵng (nằm giữa hai dãy núi Ngọc Linh và Bạch Mã) có nhiều nét trung gian giữa hai phần Bắc và Nam của dải Trường Sơn. Khó có thể vạch ra một ranh giới rạch ròi giữa 2 khu vực của một dải núi đồ sộ dài hàng ngàn kilomet chỉ bằng một vách núi của dãy Bạch Mã hay Ngọc Linh. Có lẽ cần coi Quảng Nam-Đà Nẵng là vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam thì hợp lý hơn: Quảng Nam-Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, giống Trường Sơn Nam ở chỗ chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20oC. Độ ẩm trung bình trong không khí đạt 84%. Lượng mưa trung bình cao đến 2000-2500mm, nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào Quảng Nam-Đà Nẵng thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.
1.4.Có Trung Trường Sơn không?
Khái niệm Trung Trường Sơn lần đầu  được Bộ NN và PTNT nêu ra năm 2004 trong Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Trường Sơn nhằm đến việc tạo dựng nền móng cho bảo tồn lâu dài và loại bỏ những hiểm hoạ trước mắt đối với các sinh cảnh, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao tại vùng này. Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo “Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn” tại Hội An (Quảng Nam) năm 2004. Theo khái niệm đưa ra trong hội thảo này, vùng sinh thái Trung Trường Sơn bao gồm các khối núi trung tâm dãy Trường Sơn thuộc 4 tỉnh Nam Lào và 7 tỉnh trung trung bộ: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có tổng diện tích 3,7 triệu ha với trên 2,38 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ bình quân của vùng đạt 42,75%, 3.000 loài thực vật trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ, 28 loài thú đặc hữu, gần 400 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát...Mục tiêu đặt ra trong vòng 50 năm tới, đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn sẽ được quản lý, bảo vệ và phục hồi bền vững. Theo đó 17 khu bảo tồn sẽ được thiết lập. Với 12 dự án bảo tồn ưu tiên cho toàn vùng sinh thái [1,4]. Sau đó Dickinson và Lê Văn Đông đã sử dụng khái niệm Trung Trường Sơn của Bộ NN và PTNT trong báo cáo tại hội thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ nhất [18.2, tr.36-50]
  Việc lấy 7 tỉnh từ Quảng Trị đến Kon Tum làm vùng Trung Trường Sơn có lẽ chỉ phản ánh mối quan tâm của Bộ NN và PTNT, mà không dựa trên bất cứ cơ sở địa lý hay địa sinh thái nào. Nếu thực sự có Trung Trường Sơn thì đó chỉ có thể là vùng đất giữa dãy Ngọc Linh phía Nam và dãy Bạch Mã phía Bắc chủ yếu nằm trong phạm vi Quảng Nam-Đà Nẵng vốn mang tính chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Nam mà thôi
 
II. CÁC GIÁ TRỊ ĐẶC TRƯNG LIÊN QUAN ĐẾN BẢO TỒN  ĐA DẠNG SINH HỌC DÃY TRƯỜNG SƠN
2.1. Dãy Trường Sơn có giá trị đa dạng sinh học đặc biệt không chỉ ở quy mô khu vực mà trên toàn cầu
Tổ hợp các yếu tố lịch sử địa chất, vị trí địa lý, địa hình, khí hậu, sự vận động của các luồng sinh vật, quy mô và cộng đồng bản địa quyết định bản sắc đa dạng sinh học của dãy Trường Sơn là độc nhất vô nhị không chỉ trên bán đảo Đông Dương mà trên toàn cầu.
-         Dãy Trường Sơn có quy mô thuộc loại lớn trên thế giới, với chiều dài nếu chỉ tính từ sông Cả đến giáp Miền Đông Nam Bộ đã là 1100 km. Về mặt lịch sử địa chất, Quần sơn này đã thiết lập chế độ lục địa từ đầu nguyên đại Cổ sinh (khoảng 550 triệu năm trước) với sự hình thành tầng đá trầm tích vụn lục địa màu đỏ còn thấy rất rõ trên Tây Nguyên và ở thành phố Quy Nhơn (Núi Một). Vào cuối kỷ Devon (khoảng 350 triệu năm trước), các hóa thạch thực vật cây vảy (Lepidophyta)- nhóm thực vật cạn nguyên thủy- đã được phát hiện nhiều nơi trong các tầng đá cát kết ở Quảng Bình. Vào cuối kỷ Trias (250 triệu năm trước) những thảm rừng rộng lớn đã góp phần tạo ra bể than đá Nông Sơn Quảng Nam. Từ kỷ Bò sát (kỷ Jura), tức là cách ngày nay trên dưới 200 triệu năm trở lại, những khu rừng lá kim đã xuất hiện mà ngày nay các hóa thạch cây cả trăm triệu năm tuổi đã được phát hiện ngày càng nhiều ở Gia Lai và Khánh Hòa. Cổ lục địa Trường Sơn, vì vậy, xứng danh là nơi sinh cư của nhiều taxon (đơn vị phân loại sinh vật) cả bản địa lẫn ngoại lai trong một tiến trình lịch sử của sự sống chưa bao giờ bị ngắt quãng kể từ nửa tỷ năm qua. Việc phát hiện nhiều loài đặc hữu trong thế giới sinh vật hiện đại ở Quần sơn này (ví dụ Ếch Gai hàm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh, Mang Trường Sơn, Sao la, nhiều loài bò sát, côn trùng và thực vật đặc hữu khác...) là minh chứng cho sự tiếp nối liên tục của lịch sử sự sống và chắc chắn nhiều taxon đặc hữu khác sẽ còn được phát hiện trong thời gian tới.
-         Với chiều dài 1100 km kéo dài theo kinh tuyến, Trường Sơn có chế độ chuyển mùa liên tục theo chiều dài dãy núi. Người Việt Nam từ lâu đã có thói quen nhìn hoa phượng nở và ve sầu kêu để xem mùa hè chuyển dần từ Nam lên Bắc như thế nào. Trong dãy Trường Sơn còn nhiều dãy núi cao trên 2000m, tạo ra sự phân dị phi địa đới theo độ cao. Khi chân núi là mùa hè nóng bỏng thì trên các cao nguyên và đỉnh cao vẫn là chế độ thời tiết kiểu cận nhiệt đới hay ôn đới.Những vùng cao mát lạnh là những vườn dược liệu tự nhiên phong phú với rất nhiều loài bản địa. Hai đặc trưng kéo dài theo kinh tuyến và phân dị phi địa đới theo độ cao đã tạo ra khả năng di cư và hỗn giao của sinh vật. Ngoài sinh vật bản địa, Trường Sơn còn là nơi đón nhận các luồng sinh vật di cư từ Vân nam, Tây Tạng, từ Thailand và cả từ các đảo trên Biển Đông. Các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh trên địa hình đá vôi karst ở Trường Sơn Bắc, các hệ sinh thái rừng khộp ở Trường Sơn Nam là những hệ sinh thái đặc thù không nơi nào có trên toàn thế giới.
-         Sườn Đông Trường Sơn là các dải đồng bằng hẹp, nhiều nơi có các nhánh núi ăn ngang ra biển. Biển Miền Trung có nhiều vũng vịnh, chế độ thủy triều đa dạng. Dãy Trường Sơn không chỉ là nguồn dự trữ gen và nguồn thiên địch của các sinh cảnh đồng bằng ven biển mà còn là nơi tiếp nhận các loài sinh vật lạ xâm nhập, các nguồn gen ngoại lại. Chính mối tương tác này cũng góp phần tạo ra sự đa dạng sinh học Trường Sơn, cả trong nhóm cây trồng và vật nuôi lẫn trong nhóm sinh vật hoang dại, cả trong nhóm sinh vật cạn lẫn thủy sinh vật mà trong đó nhiều nhóm là nguồn lợi kinh tế quý giá. Với độ phân cắt sâu và phân cắt ngang khá lớn, nhiều vùng trên dãy Trường Sơn là chướng ngại khó vượt của con người.Vì thế mà Trường Sơn là vùng dân cư thưa thớt trên biên giới 3 nước Việt-Lào-Campuchia. Đó lại là thuận lợi cho sự di chuyển, cư trú và sinh sản của sinh vật hoang dại, ít bị con người quấy nhiễu.Có thể nhận thấy rằng những gì chúng ta biết được về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn đến nay mặc dù đã làm ngạc nhiên giới khoa học trên thế giới vẫn mới chỉ là một phần của kho báu to lớn về đa dạng sinh học dãy Trường Sơn.
-         Cư dân trên Trường Sơn đa phần là các dân tộc ít người, tuy nghèo nhưng có các nền văn hóa bản địa đặc sắc với kho tàng kiến thức bản địa rất phong phú. Nhờ kho kiến thức bản địa này mà Trường Sơn bảo lưu được nhiều giá trị đa dạng sinh học trong hàng ngàn năm lịch sử. Là vùng biên cương giữa 3 nước anh em, dãy Trường Sơn còn là một vùng nhạy cảm về địa chính trị và địa văn hóa. Bảo tồn đa dạng sinh học là một tiếng nói chung, là một đóng góp tích cực cho an ninh môi trường và bảo vệ đa dạng văn hóa bản địa của bán đảo Đông Dương.
2.2. Giá trị đa dạng sinh học thuộc dãy Trường Sơn là phong phú và đặc sắc
Để thấy rõ mức độ phong phú và đặc sắc của đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, dưới đây trình bày giá trị đa dạng sinh học kết hợp với địa sinh thái theo 4 phân vùng cụ thể và toàn vùng.
2.2.1. Tiểu vùng đệm giữa dãy Trường Sơn và vùng núi Tây Bắc Việt Nam (từ bờ phải sông Chu,Thanh Hóa đến bờ trái sông Cả, Nghệ An nên còn được gọi là Tiểu vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ)
  Lấy “Khối nâng Quỳ Châu” làm trung tâm, đây là vùng núi trung bình chủ yếu cấu thành từ các đá biến chất, đá hoa cương, đá vôi và các tầng đá vụn tạo thành những dãy núi vòng cung nhỏ ôm lấy khối nâng Quỳ Châu với một vài vòm phủ basalt giống basalt Tây Nguyên. Mùa đông lạnh như miền Bắc, mùa hè gió phơn khô nóng nhưng không mạnh như phần Đông Trường Sơn Bắc. Hệ động thực vật đa dạng với thảm từng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh mà điển hình là VQG Bế En ở Tây nam Thanh Hóa.VQG Bến En là nơi ẩn náu rất thuận lợi cho nhiều nhóm côn trùng, chim, gặm nhấm, móng guốc và các loài thú ăn thịt gồm có 50 bộ, 177 họ, 216 giống và hơn 1.000 loài động vật, trong đó có 91 loài thú, 201 loài chim, 54 loài bò sát, 31 loài ếch nhái, 68 loài cá, 499 loài côn trùng. Có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ như voi, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má, rùa vàng,...
Tiểu vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ còn tiềm ẩn nhiều giá trị đa dạng sinh học chưa được khám phá hết do sự giao lưu sinh học giữa các vùng núi phía Bắc, kể cả từ các cao nguyên Vân Nam, Tây Tạng với dãy Trường Sơn.
2.2.2. Trường Sơn Bắc (từ bờ phải sông Cả, Nghệ An đến sốngnúi Bạch Mã).
Đỉnh núi Trường Sơn Bắc phần lớn trùng với biên giới Lào-Việt, nên trong lãnh thổ Việt nam chủ yếu chỉ là Trường Sơn Đông. Đoạn từ sông Cả (Nghệ An) đến Thừa Thiên - Huế bề ngang Trường Sơn Đông chỉ từ 40 km đến 60 km, chỗ hẹp nhất Đồng Hới (Quảng Bình) chỉ khoảng 37 km. Cao độ trung bình của Trường Sơn Bắc khoảng 2.000 m, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500 m. Các đỉnh núi cao nhất là: Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An) 2711 m, Phu/Pu Ma (Nghệ An) 2194 m, Phu/Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 m, Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh) 2235 m, Động Ngài (Thừa Thiên-Huế) 1774 m, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng) 1444 m.Khối núi Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình cao tới 1178 m, có động Phong Nha được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.Các dãy núi con của Trường Sơn Bắc là: dãy Pu/Phu Lai Leng, dãy Giăng Màn, dãy Bạch Mã.
Trường Sơn Bắc là vương quốc của núi đá vôi với địa hình karst điển hình. Kẻ Bàng là khối đá vôi lớn nhất Đông Dương mà phần diện tích bên Việt nam đã đến 2000 km2 . Mùa đông lạnh như xứ Bắc. Mùa hè có gió phơn khô nóng. Nhiều bão lũ.Đặc trưng cho Trường Sơn Bắc là thảm rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh, đặc biệt là thảm rừng trên những vùng karst nhiệt đới điển hình rộng mênh mông. Các vùng rừng đai thấp phía Bắc huyện Hướng Hoá (Quảng Trị), đầu nguồn sông Bồ, sông Hương của 2 huyện A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), hành lang Bà Nà-Hải Vân-Bạch Mã (thành phố Đà Nẵng vẫn còn gà lôi đặc hữu, trĩ sao, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân nâu.
2.2.3. Tiểu vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam (từ sống núi Bạch Mã đến sống núi Ngọc Linh )
Gần trùng với phạm vi Quảng Nam-Đà nẵng. Đỉnh Trường Sơn chạy theo biên giới Lào-Việt. Vùng chuyển tiếp khá hẹp theo chiều bắc-nam, chỉ trong phạm vi Quảng Nam-Đà Nẵng.. Cảnh quan đá vôi hiếm gặp ( gặp ở Ngũ Hành Sơn và An Điềm), cảnh quan núi đá hoa cương kiểu Trường Sơn Nam cũng chưa phổ biến. Tuy không còn mùa đông lạnh và gió phơn như Trường Sơn Bắc nhưng nhiệt độ mùa đông thấp hơn Trường Sơn Nam, bão lũ và mưa nhiều.Bắt đầu phân dị hai mùa khô và mưa như Trường Sơn Nam nhưng chưa thực sự điển hình.
Giới động thực vật mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Nam-Bắc Trường Sơn, 5 huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Trà My (Quảng Nam), lâm trường An Sơn, còn bảo tồn được voi, gà lôi đặc hữu, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân xám, trĩ sao,... như ở Trường Sơn Bắc. Còn nhiều giá trị đa dạng sinh học khác cần được kiểm kê.
2.2.4. Trường Sơn Nam (từ sống núi Ngọc Linh trở vào đến giáp miền Đông Nam Bộ).
Đỉnh núi Trường Sơn nam uốn cong sát biển tạo ra 2 sườn Đông và Tây khác hẳn nhau: sườn phía Đông của Trường Sơn Nam rất dốc, đặc trưng bởi các dãy núi An Khê, Chư Đju, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Các đỉnh núi của Trường Sơn Nam gồm: Ngọc Linh (2598 m) cao nhất Trường Sơn và hơn mười ngọn khác cao trên 1200 m cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc Krinh (2025 m), Kon Ka Kinh (1761 m), Vọng Phu (2051 m), Chư Yang Sin (2405 m), Bon Non (1692 m), Chư Braian (1865 m), M'non Lanlen (1623 m), M'non Pantar (1644 m), và nhiều đỉnh khác. Trường Sơn Nam là vương quốc của đá hoa cương với các sườn núi đầy những tảng đá khổng lồ nằm lô nhô ngổn ngang từ chân đến đỉnh núi, xen kẽ với nhiều cao nguyên basalt như Kontum, Gialai, Đăklăk, Đăk Nông, Lâm Đồng tạo thành sườn thoải phía Tây
Phân dị mùa khô và mùa mưa điển hình làm xuất hiện một hệ sinh thái rất đặc biệt và duy nhất ở Đông Nam Á, đó là hệ sinh thái rừng khộp với sự ưu thế của các tập đoàn cây họ dầu và thú lớn, riêng tại Tây Nguyên diện tích rừng khộp tổng cộng đến 500.000 ngàn ha. Các vùng rừng núi và hệ thực bì lá kim quanh các khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh, Kon Cha Rang (Gia Lai), vùng rừng tự nhiên tại các huyện Đắk Tô, Kon Plong, Đắk Glei (Kon Tum), vẫn còn hổ Đông Dương, hươu vàng, mang Trường Sơn, vượn đen má hung và một số loài chim đặc hữu của cao nguyên Kon Tum,...
2.3. Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn gắn chặt với An ninh Môi trường.
Tạo thành toàn bộ địa hình cao trong khu vực, dãy Trường Sơn chiếm đại bộ phận diện tích và có ảnh hưởng quyết định đến các tỉnh Miền Trung nước ta và một phạm vi khá lớn của Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.. Dãy Trường Sơn đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hóa địa phương; hạn chế thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra chế độ khí hậu địa phương, qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toàn cho nông ngư nghiệp,...Đấy là chưa kể đến chức năng không gì thay thế được của dãy Trường Sơn về an ninh quốc phòng. Có thể nói mọi biến động điều kiện tự nhiên trên dãy Trường Sơn đều kéo theo các biến động của các địa phương vùng chân núi. Dễ thấy những kế hoạch khai thác tài nguyên trên dãy Trường Sơn đều là những đánh đổi trong sinh kế của dân cư các địa phương trong vùng.
2.4. Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn chính là bảo tồn giá trị Đa dạng văn hóa bản địa
Mặc dù vẫn còn nghèo nhưng nhiều cộng đồng dân tộc ít người cư trú trên dãy Trường Sơn đều sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa thích nghi, với các bộ luật tục quy định ngặt nghèo hành vi của con người đối với thiên nhiên. Chưa cần đến tiền của, các bộ luật tục đã góp phần tích cực và rất hiệu quả trong việc bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Để cho đến ngày nay, chỉ những gì còn lại của đa dạng sinh học nơi đây cũng đủ làm kinh ngạc giới khoa học. Nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập trên dãy Trường Sơn đã nói lên hiệu quả đáng ngạc nhiên của các kho tàng kiến thức bản địa này. Thật ngạc nhiên là ngày nay với trình độ khoa học công nghệ không còn thấp kém, với nguồn lực kinh tế liên tục tăng trưởng và nhiều quy định luật pháp tiến bộ, ấy thế mà thiên nhiên Trường Sơn vẫn trong tình trạng ngày càng suy thoái nghiêm trọng [1,4]. Vấn đề đòi hỏi phải nâng cấp trình độ quản lý để có chế tài chặt chẽ việc thi hành luật pháp, xem xét cặn kẽ tính an toàn môi trường của các chương trình và dự án đầu tư cũng như biến quản lý thành tự quản lý của cộng đồng qua việc áp dụng các luật tục, hương ước địa phương những nơi có thể. Bảo vệ và sử dụng bền vững dãy Trường Sơn chính là đảm bảo an ninh môi trường, an ninh sinh thái cho cả 3 nước trên bán đảo Đông Dương.
2.5. Vai trò của đa dạng sinh học dãy Trường Sơn trong biến đổi khí hậu
Một số nghiên cứu gần đây, kể cả một số ý kiến của các nhà quản lý ở địa phương cho thấy, biến đổi khí hậu đã hiện hữu ở Dãy Trường Sơn.
Dãy Trường Sơn có vai trò cực kỳ quan trọng, không thể thay thế trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu. Dãy Trường Sơn tạo ra tính ì của nền khí hậu địa phương làm chậm các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu tạo ra. Thảm rừng trên Trường Sơn làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, làm hạn chế sự tàn phá của các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hóa. Duy trì nguồn dược liệu tự nhiên quý giá, dự trữ quỹ gen và các loài thiên địch góp phần giảm nhẹ các bệnh dịch cây trồng, vật nuôi, kể cả sức khỏe cộng đồng do hiện tượng biến đổi khí hậu. Hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn (trừ các vùng cửa sông) góp phần giảm thiểu hay thậm chí triệt tiêu hiểm họa nước biển dâng cao ở nhiều địa phương ven biển Miền Trung.
Tạm tính với diện tích 11 000 000 ha nếu chỉ 50% diện tích có rừng cây thân gỗ thì mỗi năm dãy Trường Sơn bẫy giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu mà không cần đầu tư gì ngoài bảo vệ rừng.
Theo dự báo kịch bản xấu nhất, biến đổi khí hậu cuối thế kỷ 21 có thể làm 22 triệu dân Việt Nam sống ven biển mất nơi cư trú. Hàng chục triệu dân đó sẽ đi đâu nếu không có Trường Sơn? Bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, đặc biệt là đảm bảo an ninh môi trường nơi đây sẽ là một chiến lược thích ứng lợi hại của Việt Nam và ít nhất là cả 2 nước anh em trên bán đảo Đông Dương trước thảm họa biến đổi khí hậu.
III. BẢO TỒN  ĐA DẠNG SINH HỌC DÃY TRƯỜNG SƠN
3.1. Xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn
Chỉ riêng những sự kiện gần đây ở Việt nam đã cho thấy việc phát triển đang băm nát dãy Trường Sơn cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành và các tỉnh.Quản lý chưa theo kịp với khai thác, sử dụng. Mâu thuẫn giữa các tỉnh cùng chia sẻ nguồn nước dãy Trường Sơn đang ngày càng mở rộng (Ví dụ giữa Bình Định và Gia Lai trong thủy điện thượng nguồn sông Hà Thanh, giữa Bình Dương và Bình Phước, giữa Lâm Đồng và Bình Thuận cũng trong thủy điện, giữa thủy điện trên sông Srepok với VQG Yokdon, giữa thủy điện và phát triển vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia tỉnh Quảng Nam,...); mâu thuẫn giữa hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thượng nguồn, giữa đắp hồ đập trên thượng nguồn với bảo vệ nguồn nước cho hạ lưu sông; mâu thuẫn giữa trồng cao su và rừng tự nhiên; mâu thuẫn giữa các khu bảo tồn thiên nhiên với hoạt động phát triển du lịch resort và khai thác lâm sản; sự tranh chấp chưa có hồi kết giữa Quảng Nam và Kontum trong bản quyền về loài sâm Ngọc Linh,...Rồi trong khi Đà Nẵng và VQG Bạch Mã cảnh báo về sự xâm lăng nguy hại của cây lang rừng vào các khu rừng cấm Sơn Trà và Bạch Mã thì một số doanh nghiệp bảo dưỡng đường Hồ Chí Minh ở Quảng Nam lại phổ biến kinh nghiệm trồng loài cây ngoại lai này để chống sạt lở taluy đường...Thật khó thống kê hết những cảnh báo về việc phát triển manh mún, lợi chỗ này lại hại cho chỗ khác trên dãy Trường Sơn.
Thực tế trên cho thấy càng phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay ở Trường Sơn Việt nam thì sự nghiệp phát triển bền vững các tỉnh thuộc phạm vi dãy Trường Sơn nói chung và Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn nói riêng không thể đạt được mục tiêu. Hoạt động phát triển thiếu một cơ sở chiến lược quản lý tổng hợp trên toàn bộ dãy Trường Sơn như hiện nay là cảnh báo sớm cho thảm họa môi trường trên dãy núi này và những vùng liên quan dưới đồng bằng và ven biển. Đây là một chiến lược lớn cần có sự hợp tác, chỉ đạo, đầu tư của Chính phủ 3 nước Đông Dương, sự tham gia của các địa phương trong phạm vi dãy Trường Sơn, của các ngành, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước và các cộng đồng địa phương.
Có thể hiểu chiến lược là bao gồm tất cả các mặt hoạt động, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, một mặt không thể có nhanh một chiến lược, mặt khác dẫu có chiến lược rồi thì khâu thực hiện cũng còn nhiều vấn đề. Vì vậy việc bảo tồn đa dạng sinh học dãy Trường Sơn cần được coi như một ưu tiên đi trước.
3.2. Tổ chức thực hiện những nội dung cơ bản của việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn dãy Trường Sơn
3.2.1. Tiến hành điều tra, kiểm kê, đánh giá ĐDSH toàn dãy Trường Sơn
Việc điều tra, kiểm kê, đánh giá ĐDSH đối với từng khu vực, liên quan đến từng ngành, từng đối tượng và từng địa phương thực chất đã được tiến hành, tuy mức độ còn nhỏ lẻ và không đồng đều, kèm hệ thống. Tuy nhiên, việc điều tra, kiểm kê, đánh giá ĐDSH toàn dãy Trường Sơn chưa được đề ra nên kết quả còn hạn chế.
Cần tổ chức điều tra, kiểm kê và đánh giá ĐDSH toàn dãy Trường Sơn một cách hệ thống, đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Có thể tổ chức thành các chương trình điều tra tổng hợp từng khu vực trên dãy Trường Sơn và luân phiên cho các khu vực khác nhau (chẳng hạn Chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên đã thực hiện lần 1, lần 2 và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đang xây dựng đề án cho lần thứ 3). Có thể tổ chức thành các chương trình của các ngành, các địa phương trong dãy Trường Sơn, nhưng phải theo ý tưởng của 1 đề án thống nhất đối với ĐDSH trên cạn, dưới nước, trong hang động ngầm và sinh vật nuôi trồng.
Trước mắt chú trọng các nội dung:
-         Tiếp tục kiểm kê, điều tra, đánh giá đa dạng sinh học (kể cả đa dạng sử dụng) trên cạn, dưới nước, trong các hang động ngầm, sinh vật nuôi trồng;
-         Xác định các taxon, các sinh cảnh, các hệ sinh thái, các nguồn gen quý cần được ưu tiên trong bảo tồn; xác định các nguy cơ xâm nhập của sinh vật ngoại lai và giải pháp phòng ngừa;
-         Xác lập các quy luật, quy định của bảo tồn đa dạng sinh học Trường Sơn để hướng dẫn công tác lập và thẩm định các báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược (ĐMC) và Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng như trong giai đoạn giám sát môi trường sau ĐTM và sau ĐMC trong Quần sơn này.
3.2.2. Lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
Từ khi Luật ĐDSH có hiệu lực (1/7/2009), việc chuẩn bị xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đã bắt đầu triển khai. Trong bối cảnh này, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn sẽ gặp nhiều thuận lợi do bao chiếm khoảng 3 quy hoạch vùng (Bắc Trunng bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên). Tuy nhiên, việc quy hoạch bảo tồn là mới mẻ, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương, nên khó tránh được việc phải kéo dài thời gian xây dựng và tìm kiếm sự đồng thuận.
Những nội dung cần chú trọng:
-         Theo dõi sát sao việc xây dựng Quy hoạch tổng thể của cả nước;
-         Chuẩn bị nhân lực, thu thập và hệ thống thông tin cần thiết;
-         Thực hiện từng phần nội dung, tiến tới xây dựng quy hoạch cho toàn Dãy.
3.2.3. Tăng cường các biện pháp bảo tồn chuyển chỗ
Nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên ĐDSH phong phú và đặc sắc của toàn dãy Trường Sơn, cần từng bước nghiên cứu phát hiện, phát triển và xây dựng các biện pháp bảo tồn chuyển chỗ ĐDSH trong vùng, cũng như nghiên cứu áp dụng các biện pháp thích hợp theo kinh nghiệm ở ngoài vùng. Cố gắng gắn kết các hoạt động này với quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn của toàn Dãy, chú trọng các biện pháp sau:
-         Vườn thú;
-         Vườn cây thuốc;
-         Vườn thực vật;
-         Ngân hàng gen.
3.2.4. Kiểm soát chặt chẽ khai thác, sử dụng, vận chuyển tài nguyên ĐDSH trên dãy Trường Sơn
Có thể nói, phần lớn các sai phạm trong việc khai thác, sử dụng, vận chuyển tài nguyên ĐDSH ở nước ta đều có xuất xứ từ dãy Trường Sơn. Nhằm giải quyết quốc nạn này, đã có không ít các biện pháp được đề xuất và áp dụng, nhưng vi phạm vẫn gia tăng và đó là một trong những nguyên nhân gây suy giảm ĐDSH. Trước mắt cần chú trọng:
-         Tổ chức áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp bảo tồn hiện hành;
-         Tăng cường, bổ sung các chế tài phù hợp;
-         Nghiên cứu áp dụng các giải pháp bảo tồn đặc thù đối với một số đối tượng.
3.2.5. Nghiên cứu sự hiện hữu của biến đổi khí hậu trên dãy Trường Sơn và đề xuất các giải pháp ứng phó liên quan đến bảo tồn ĐDSH
Dãy Trường Sơn đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống đất nước. Cùng với việc gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường toàn cầu, vai trò của dãy Trường Sơn, đặc biệt của ĐDSH dãy Trường Sơn càng quan trọng hơn. Trước mắt cần chú trọng nghiên cứu:
-         Sự hiện hữu của biến đổi khí hậu trên dãy Trường Sơn và tác động của nó đến ĐDSH;
-         Đề xuất các giải pháp liên quan đến bảo tồn ĐDSH;
-         Phát hiện các mô hình ứng phó thích hợp nhằm bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
3.2.6. Huy động cộng đồng bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu nhằm bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn. Cộng đồng địa phương đã và đang đóng vai trò chính bảo tồn ĐDSH nơi đây, họ cần và có thể phát huy vai trò đó trong thời gian tới. Muốn vậy cần chú trọng:
-         Tìm hiểu, nâng cấp và nhân rộng các mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng;
-         Tổ chức các phong trào cộng đồng bảo tồn ĐDSH sâu rộng tới địa phương;
-         Bằng các biện pháp thực tế khuyến khích cộng đồng bảo tồn ĐDSH.
3.2.7. Nâng cao năng lực bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
Kế hoạch bền vững để bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn là nâng cao năng lực tất cả các lực lượng liên quan, bằng các biện pháp có thể chú trọng:
-         Hoàn thiện cơ sở luật pháp và thể chế liên quan đến bảo tồn ĐDSH;
-         Đào tạo đội ngũ cán bộ bảo tồn đủ về lượng và đảm bảo về chất;
-         Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH;
-         Nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư dãy Trường Sơn;
-         Thường niên tổ chức Hội thảo bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn.
3.3. Hợp tác chặt chẽ với Lào, Campuchia và các nước khác
   Dãy Trường Sơn là sống lưng của bán đảo Đông Dương nên rất cần một sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước Việt – Lào – Campuchia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt trong việc nghiên cứu, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới. Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn không chỉ là tài nguyên quý giá của Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại. Sự phối hợp, trợ giúp quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ bảo tồn và kinh phí cũng rất cần thiết. Xây dựng một diễn đàn chung về Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn, tổ chức các hội thảo Khu vực (ASEAN),Quốc tế, tổ chức các chương trình nghiên cứu , đào tạo và thực hiện hoạt động bảo tồn,... có lẽ là những bước đi cần thiết ban đầu.
Trước mắt cần chú trọng các nội dung;
Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các vườn quốc gia có tính chất xuyên biên giới Chư Mom Rây (VN) – Đông An Pham (Lào) – Vi Ra Chey (CPC), Hin Nam No – Phong Nha Kẻ Bàng (VN), Phnom Nam Ligr (CPC) – Yok Đôn (VN) theo kiến nghị của Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ nhất và các cặp vườn quốc gia khác;
Từng bước thiết lập diễn đàn (Forum) quốc tế về bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn hoặc các hình thức hợp lý khác;
Tổ chức các chương trình, dự án điều tra, nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH tại khu vực có chung các VQG từ ngân sách Nhà nước của từng nước, từ ngân sách cùng vận động tài trợ của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế và khu vực.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
Các tài liệu đã trích dẫn trong báo cáo được liệt kê dưới đây để tiện cho người đọc có thể tra cứu tài liệu gốc liên quan đến luận điểm trình bày trong báo cáo khi cần thiết,
1.      Bảo tồn động vật hoang dã tại vùng Trung Trường Sơn. http://tintuc.xalo.vn/20-895685023/bao_ton_dong_vat_hoang_da_tai_vung_trung_truong_son.html
2.      Dãy Trường Sơn http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%A3y_Tr…,
4.      Mười hai (12) dự án bảo tồn sinh thái Trung Trường Sơn http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidung/gdt_15_5_03.htm
5.      Ngũ Hành Sơn - Những quả trứng đá vôi lạc lõng trên Trường Sơn Namhttp://www.danangpt.vnn.vn/danang/detail.php?id=35&a=93
6.      Lê Bá Thảo. Thiên nhiên Việt Nam, nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội, 1975, 1990
7.      Lê Bá Thảo.Việt Nam- lãnh thổ và các vùng địa lý, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2002
13. Fromaget,J. L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi.1941
15. Geography. Vietnam table of content.http://countrystudies.us/vietnam/33.htm
16. Saurin, E. Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22.1935
17. "Khởi nguồn tất yếu - Xẻ dọc Trường Sơn". báo Hà Nội Mới ra ngày 13/3/2009 , (trích trong :Phạm Sơn, Tiếp bước cha ông xẻ dọc Trường Sơn) http://vn.myblog.yahoo.com/fineartsvn/article?mid=95&fid=-1&action=prev)
18. VACNE và VEPA.Kỷ yếu Hội thảo Bảo tồn Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn. Hà Nội. 2008
18.1.        C. Sơ lược về vùng nghiên cứu, tr.14-17
18.2.        Dickinson, C. và Lê Văn Đông.Trung Trường Sơn .Các hành lang, cảnh quan hiệu suất và góp phần vào thách thức trong thế kỷ 21, tr.36-50
18.3.        Tô Đình Mai. Các giải pháp về chính sách lâm nghiệp để bảo vệ đa dạng sinh học ở các khu rừng trên dãy Trường Sơn. Tr 84-90
18.4.        Trương Quang Học và nnk. Góp phần bảo tồn Đa dạng sinh học khu vực Bắc Trường Sơn, tr 91-97
18.5.        Mai Đình Yên. Xúc tiến xây dựng hệ thống các khu bảo tồn xuyên biên giới để bảo tồn đa dạng sinh học cho dãy Trường Sơn, tr.116-119
18.6.        Đặng Huy Huỳnh và nnk. Bảo tồn và phát triển các loài thú kinh tế vùng sinh thái dãy Trường Sơn, tr. 156- 165
18.7.        Nguyễn Hoàng Nghĩa. Bảo tồn nguồn gen thực vật ở vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Tr. 178-185
18.8.        Phạm Bình Quyền và nnk.Đa dạng sinh học và giá trị Đa dạng sinh hocj vùng  Bắc Trung Bộ. tr. 267- 294.
18.9.        Hồ Thanh Hải. Tổng quan về đa dạng thủy sinh vật ở vùng dãy Trường Sơn, tr. 254- 266
                                       
 

Lượt xem: 7980

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE