quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HỘI THẢO KHOA HỌC CỦA HỘI

Báo SGTT: Bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn - Tận dụng vốn sống của dân bản địa

Thứ Sáu, 19/03/2010 | 12:28:00 PM

SGTT - Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngay trước khi bước vào hội thảo “Bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn” (diễn ra ngày 18 và 19.3.2010 tại Hà Nội), TS Nguyễn Đình Hoè, trưởng ban phản biện xã hội của hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nói: “Đang có sự mâu thuẫn giữa các tỉnh khi cùng chia sẻ nguồn lực từ dãy Trường Sơn. Việc phát triển đang băm nát dãy núi này cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành và địa phương…”

 

 

Thiếu quy hoạch tổng thể

Tình trạng đa dạng sinh học dãy Trường Sơn bị tàn phá đã được giới khoa học báo động rất nhiều gần đây. Với những nghiên cứu và kinh nghiệm của một người đi gần khắp dãy núi huyền thoại này, ông thấy tình hình đã đến mức như vậy chưa?

Tại Trường Sơn hiện nay chúng ta đang thiếu đi một quy hoạch tổng thể, rừng phát triển theo rừng, thuỷ điện, giao thông, đô thị… mỗi thứ phát triển một cách, manh mún, mạnh ai nấy làm. Các địa phương nơi có dãy Trường Sơn đi qua cũng vậy. Đó là lý do chúng tôi cảnh báo Trường Sơn đã và đang bị băm nát, bóc lột tan hoang.

Do không có tiếng nói chung nên hiện có sự mâu thuẫn giữa các tỉnh khi cùng chia sẻ nguồn lực từ dãy Trường Sơn: giữa Bình Định và Gia Lai trong khai thác thuỷ điện thượng nguồn sông Hà Thanh, giữa đơn vị thực hiện thuỷ điện trên sông Srêpôk với vườn quốc gia Yordon, giữa thuỷ điện và phát triển vùng hạ lưu sông Thu Bồn và Vu Gia tỉnh Quảng Nam... Chưa kể tới việc người ta đi đến đâu thấy vàng là đào, thấy than là tận thu, thấy rừng là chặt… mà không quan tâm tới hậu quả. Tôi nói đơn cử, chuyện chuyển đổi hơn 100 hecta rừng tự nhiên sang trồng rừng kinh tế tại Tây Nguyên với lối suy nghĩ rừng chỉ là để lấy gỗ, thấy rừng nghèo thì chặt đi trồng cây khác. Trong khi không hề biết giá trị hệ sinh thái từ rừng nghèo là không tính ra tiền được. Bản thân rừng tự nhiên tạo ra sự ổn định. Khi chặt chưa kịp trồng lại thì lũ đã về, kéo cả xóm của Phú Yên xuống sông chính là hậu quả nhãn tiền.

Luật hoá những luật tục quý

Trong một chia sẻ gần đây, ông có cho rằng chính những người dân tại dãy Trường Sơn sẽ là những chuyên gia trong việc giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái. Từ đâu ông lại có ý nghĩ này?

Cộng đồng ở dãy Trường Sơn hiện bao gồm cả người bản địa và người dân di cư tự do hoặc có kế hoạch tới. Nói đến cộng đồng bảo vệ hệ sinh thái thì phải nói tới cộng đồng bản địa những người Cơ Ho, Ê Đê, M’Nông, Vân Kiều, Cơ Tu… Những người đã sống hàng ngàn đời nay ở đấy, kiến thức của họ là kiến thức sống chung với thiên nhiên. Họ có những vốn sống luật tục rất quý. Chúng được tích luỹ từ nhiều đời nay và thường xuyên được thế hệ này truyền cho thế hệ kia thông qua các buổi dạy bảo của già làng ở nhà rông. Nó biến thành dân ca, thành câu chuyện, thành tập quán, nó ngấm vào mạch máu của người dân bản địa.

Nếu biết cách mời gọi, họ sẽ góp với chúng ta kinh nghiệm quý khi sống chung với rừng, ví dụ người ta có những luật tục như bắt con thú, không được bắt con mẹ. Hay người Ê Đê không bao giờ cho chặt cây xung quanh nguồn nước… Họ quy định miệng với nhau rồi đưa vào giáo dục trẻ con, từ đó thành tập quán xử phạt của cả cộng đồng. Hiện những luật tục đó đã được thu gom, nghiên cứu và xuất bản. Vậy tại sao mình không tận dụng, luật hoá để những nội dung đó chi phối tất cả những người sống ở dãy Trường Sơn?

Chi trả dịch vụ sinh thái sòng phẳng

Liệu có khả thi không khi chính những người dân sống ở đó cũng có nhu cầu băm nát dãy Trường Sơn để mưu sinh?

“Bản thân rừng tự nhiên tạo ra sự ổn định. Khi chặt chưa kịp trồng lại thì lũ đã về, kéo cả xóm của Phú Yên xuống sông chính là hậu quả nhãn tiền”

Đúng là hiện nay tồn tại một nghịch lý là chính người dân bản địa cũng không thể nào bảo vệ rừng được nữa, vì họ không phá thì người khác cũng phá. Thêm nữa, là sức ép của văn minh vật chất đang làm phôi pha cách sống phù hợp với thiên nhiên của người bản địa. Một bộ phận họ thấy rằng giữ rừng lâu dài mãi nhưng tiền không có, nên họ chặt rừng, săn thú để lấy tiền uống bia, để mua xe máy, sắm tivi, để mặc quần bò…

Tuy nhiên ở đây tôi muốn nói tới phải có một chính sách đền bù, hay ít nhất cũng là một chi trả dịch vụ sinh thái cho những người dân bản địa. Không thể nào những anh dưới xuôi, các anh ven biển cứ khai thác rồi đòi anh đầu nguồn giữ rừng, giữ an ninh môi trường cho được. Người ta giữ môi trường cho anh để anh có nước, có thuỷ điện thì các anh phải hỗ trợ ngược lại phía trên, chứ không lẽ để người ta cuốc đất lật cỏ kiếm ăn mãi. Đó là công bằng xã hội. Hiện nay chính sách chi trả dịch vụ sinh thái môi trường rừng đã được áp dụng cho Sơn La và Lâm Đồng.

Cảm ơn ông!

Thanh Tuyền (thực hiện)

Dãy Trường Sơn cản chân biến đổi khí hậu

Tại hội thảo ngày 18.3, một số chuyên gia cho biết, theo dự báo, biến đổi khí hậu cuối thế kỷ 21 có thể làm 22 triệu dân Việt Nam sống ven biển mất nơi cư trú. Dãy Trường Sơn với tính ì của nền khí hậu địa phương sẽ làm chậm các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu tạo ra. Thảm rừng trên Trường Sơn làm chậm và giảm nhẹ quá trình lũ lụt, làm hạn chế các cơn bão, làm chậm quá trình khô hạn hoá. Hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn góp phần giảm thiểu hiểm hoạ nước biển dâng cao.

   
 

Một số sinh vật quý hiếm: nhện Maratus Vilans, phong lan hai đài cuốn Paphiopedilum appletonianum, chẫu cây Rhacophoridae… tìm thấy ở dãy Trường Sơn. Ảnh: kenvin trần – C.T.V


(SGTT, 19/3/2010)

Lượt xem: 1286

Các tin khác

Bài 8 (5 Tet): Mở rộng hoạt động xã hội, chia sẻ khó khăn với nhân dân.

(12/02/2018 01:57:PM)

Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước – Mười năm một chặng đường

(11/06/2013 08:14:PM)

Một số hình ảnh lễ tổng kết 10 năm và trao giải lần thứ 10 Cuộc thi quốc gia cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước

(11/06/2013 06:38:AM)

Mười năm cùng cố gắng vì môi trường nước

(10/06/2013 10:48:AM)

Mời tham dự Lễ tổng kết 10 năm Cuộc thi và trao giải Cuộc thi Nước lần thứ 10

(04/06/2013 07:23:PM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (9)

(03/05/2013 04:10:AM)

Một vài thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây (8):

(30/04/2013 08:31:PM)

Một số thông tin về Cuộc thi nước những năm trước đây (7)

(30/04/2013 03:20:PM)

Một số thông tin về các cuộc thi nước những năm trước đây: (6) : 2008-2009

(28/04/2013 08:25:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE