Lưu giữ trong mình một huyền tích cùng với vẻ đẹp tự nhiên, rừng lim 54 gốc cây nhiều trăm năm tuổi trên núi Thiên Bồng (Chí Linh – Hải Dương) trở thành linh vật có sức cuốn hút kỳ lạ với người dân nơi đây, cũng như du khách thập phương, bởi những bí ẩn mà nó cất giấu…
Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa tổ chức Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 54 cây lim cổ thụ tại núi Thiên Bồng, Đền Cao, Chí Linh, Hải Dương. Cùng được vinh danh đợt này sẽ có 1 cây đa ở chùa Viên Giác (Quảng Nam), 2 cây (1 cây thị và 1 cây bàng) ở chùa Hưng Long, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Tính đến nay cả nước ta có 67 cây cổ thụ được vinh danh là Cây di sản Việt Nam. Trong đó có 9 cây muỗm ở Hà Nội, 1 cây thị ở TP Huế và 54 cây được vinh danh trong dịp này. Thời gian tới, rừng mai vàng, rừng tùng ở núi Yên Tử, cây thị ở Ba Vì, một số cây ở Ninh Bình, Hải Phòng, Hội An cũng sẽ được công nhận là cây di sản. |
Công nhận 54 cây lim là Cây Di sản Việt Nam
Rừng lim không tuổi
Từ thị trấn Sao Đỏ, qua nhiều lối rẽ, chúng tôi cũng đến được núi Thiên Bồng với nhiều sử thoại về rừng lim cổ. Di tích đền Cao (An Lạc, Chí Linh, Hải Dương) nổi tiếng với hàng chục gốc lim cổ thụ, mỗi gốc mang một hình thế với vẻ cổ kính hiếm có. Rừng lim đền Cao có từ bao giờ người cao tuổi nhất làng cũng không nhớ. Chỉ nghe các cụ kể nó có từ lâu đời lắm rồi. Còn lâu cỡ nào cứ nhìn cây lim 10 năm to bằng cái chuôi liềm, cao độ 2m mà suy. Cụ Dương Văn Luyện, 80 tuổi, Trưởng Ban khánh tiết khu di tích Đền Cao bảo: “Từ lúc tôi còn cùng chúng bạn chăn trâu, rừng lim đã cổ thụ thế này. Mà ông nội tôi kể ngày xưa ông sinh ra rừng lim cũng đã vậy. Có người cho rằng tuổi của lim có thể đạt 300-400 năm. Các cụ già khẳng định: “Ngót nghét nghìn năm”. Phỏng đoán đó không phải không có căn cứ bởi sử liệu đã ghi lại quá trình xây dựng ngôi đền. Có thể rừng lim được trồng ngay sau khi đền thờ Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương Vương Đức Minh được lập vào thời tiền Lê”.
Lễ hội dưới gốc lim 700 tuổi
Ông Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, cách đây 10 năm, các nhà khoa học Viện Khoa học Lâm nghiệp có tiến hành các biện pháp khoa học xác định tuổi của các cây lim ở đền Cao. Kết quả cho thấy 54 cây lim còn đến nay có tuổi khoảng trên dưới 700 tuổi. Đây là rừng lim có tuổi thọ cao nhất nhì Việt Nam hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Sông, Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Chí Linh cho biết, mặc dù không ngừng tìm kiếm song chúng tôi vẫn chưa tìm được sử liệu nào ghi chép về xuất xứ, lai lịch. Tuy nhiên với giá trị tâm linh, từ lâu rừng lim trở thành điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích. Hiện rừng lim cổ còn 54 cây có đường kính hai, ba người ôm. Số lượng cây nhỏ hơn chưa có số liệu thống kê. Diện tích rừng lim cổ ở An Lạc khoảng 1,2 ha, được quy vào rừng đặc dụng (loại rừng dùng để bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh…). Năm 2000, rừng lim được tiến hành trồng nâng cấp 12 ha, mật độ 330 cây/ha ở khu vực vành đai tiếp giáp với rừng lim cổ.
Chặt lim, hãy chặt chúng tôi trước!
Sự linh thiêng của rừng lim được người dân nơi đây truyền tai nhau bằng những câu chuyện thần kỳ. Ông Chu Vĩnh Toàn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Hải Dương cho biết, rừng lim đã tránh được bao nhiêu hòn tên mũi đạn trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Thời chiến tranh chống Pháp, đất An Lạc cũng từng chịu nhiều trận càn của giặc, hàng trăm quả đại bác phá tan hoang làng xóm nhưng không quả nào rơi trung rừng lim. Rồi đến thời chống Mỹ, có 8 quả bom trút xuống khu vực đền nhưng đều rơi ra đồng bãi. Người ta không thể hiểu tại sao rừng lim vẫn vẹn nguyên sau bao biến cố của thời cuộc.
Cây lim cổ bướu mặt hổ
Cụ Dương Văn Luyện kể: Thời cải cách ruộng đất, khoảng ấy mươi năm về trước khi người ta có ý định phá đền, đốn rừng lim, hàng trăm cụ ông cụ bà thôn Đại kéo lên, cứ 3 cụ ôm một gốc cây để ngăn cản. Các cụ tuyên bố: “Nếu cưa được các cụ thì cưa được lim, phá được đền”. Cuộc tàn sát rừng lim được chặn đứng. Thế nhưng đã có 16 cây lim cổ thụ bị đẵn ngã. Nhựa lim đặc quánh, ứa ra như máu. Nghe dân làng nói, gỗ những cây lim ấy sau đó được người ta xẻ ra làm bàn, làm ghế... Nhưng tất cả những người dùng nó đều gặp rủi ro nên cứ một dạo lại có người mang tới đền trả. Rồi trước đây có mấy trường hợp đến cưa cành lim về làm đồ dùng, nhưng sau đó cả nhà gặp tai họa, người chết, người ốm đau liên miên. Ngay lập tức họ lại phải đem trả, làm lễ lên đền rồi mới thoát khỏi tai họa. Sự linh thiêng của rừng lim này cũng đã hình thành trong mỗi người dân ý thức bảo vệ rừng.
Huyền bí bướu mặt hổ
Điểm gây tò mò nhất trong 54 cây lim của đền Cao là một cây lim có một chiếc bướu hình đầu hổ. Nhìn trực diện, cái bướu này giống hệt một chiếc đầu hổ. Nhìn từ trên xuống, cái bướu lại giống một chú khỉ lông vàng. Người dân nơi đây đã thêu dệt nên câu chuyện linh thiêng về thần lim hiện hình trong chiếc bướu này. Bởi thế quanh năm, chỗ này được coi là nơi linh thiêng để thờ cúng, ước nguyện sự bình an và may mắn. Cây lim có bướu đầu hổ này nằm ngay cạnh ngôi mộ tổ của 12 dòng họ ở đây. Bởi thế quanh năm có người đến thắp hương khấn vái, lúc nào không gian nơi đây cũng thoang thoảng mùi hương trầm lắng. Cây lim có bướu đầu hổ đã trở thành điểm linh thiêng không được “động vào” của người dân nơi đây.
Cây lim cổ bướu mặt hổ
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý môi trường, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội giải thích, chiếc bướu này có thể là do nấm hoặc một số loại nấm đặc hữu như linh chi phát triển thành. Qua thời gian, chúng phát triển nhiều lên và ngẫu nhiên có hình dáng đó, được dân gian gắn cho trí tưởng tượng của mình. Về lý thuyết thì bất kỳ cây sống lâu năm nào cũng có thể xuất hiện những chiếc bướu sần sùi trên thân cây. Tuy nhiên, đây cũng là một niềm tin, một mong ước được phù hộ độ trì, đồng thời cây lim trở thành nơi thần thánh để người dân tìm về, thì đó cũng là điều đáng trân trọng.
Tiêu chí được công nhận cây di sản: Cây tự nhiên sống trên 200 năm, đối với cây trồng phải có tuổi thọ trên 100 năm, cao to hùng vĩ, cây gỗ đơn thân cao trên 40m, chu vi trên 6m. Cây đa, cây si cao trên 25m, chu vi trên 15m. Cây có hình dáng đặc sắc, đặc biệt ưu tiên các loài đặc hữu, quý hiếm, có giá trị lịch sử văn hóa. Các loại câu có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử, văn hóa, mỹ quan hoặc cây cảnh độc đáo. |
Còn đó những nỗi buồn…
Những giá trị lịch sử văn hóa của rừng lim vẫn còn đó, ngoài niềm vui hân hoan được tôn thờ, ngưỡng vọng, công nhận thì các cụ lim vẫn ngày ngày chứng kiến nhiều nỗi buồn khổ của chúng sinh. Bước chân vào đền Cao là một dãy người hành nghề ăn xin với trăm ngàn số phận khác nhau, đang bò lê bò càng dưới đất, bên cạnh gốc lim để mong nhận được lòng thương của du khách. Nhiều gốc lim cổ thụ đứng trước những nguy cơ bị bóc vỏ, gốc cây lổn nhổn rác thải… Những hình ảnh làm mất đi giá trị lịch sử văn hóa vốn có của rừng lim.
Một gốc lim bị đẽo vỏ
Xả rác đầy gốc lim
Khi được hỏi về tuổi thọ của các “cụ lim”, ông Chu Vinh Toàn cho biết, nếu được bảo vệ, tránh mối ăn, nghiêm cấm người đẽo vỏ cây, chặt phá… thì có thể nói đây là rừng lim không tuổi. Đặc biệt là phải quan tâm tôn tạo, dọn dẹp lá, làm vệ sinh thường xuyên để tạo cảnh quan thoáng đãng, phòng chống cháy rừng. Thực tế đã có 1 cây lim bị trẻ chăn trâu đốt lửa sưởi ấm trong hốc cây làm cây lim chết, vì thế chỉ còn lại 54 cây. Đó là bài học cần được rút kinh nghiệm. Nếu được quan tâm chắc sóc tốt, các “cụ lim” sẽ sống không biết đến tận bao giờ.
“Điều đáng buồn nhất là việc quản lý và tiếp nhận quản lý rừng lim không được liên tục. Lãnh đạo thì chỉ làm một thời gian, còn rừng lim thì vẫn tồn tại mãi. Vị nào quan tâm đến môi trường cảnh quan thì làm rất nghiêm, ngược lại thì bỏ bê, không tôn tạo cũng như bảo vệ. Chính con người mới là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn tại của những “cụ lim” 700 tuổi này”, ông Chu Vĩnh Toàn than thở.
Tô Hội
(Nguồn: Báo KH & ĐS)