Nhắc đến bản Đôn người ta thường nghĩ ngay đến những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi. Đến đây du khách không chỉ được thư giãn bởi không gian yên bình, cảnh quan thiên nhiên đẹp hoang sơ mà còn được các mế trong làng tận tình chỉ dạy cho cách dệt vải, được thưởng thức nhiều món ăn ngon, đặc sản của người dân vùng cao như: măng rừng, vịt cỏ, lợn rừng, gà đồi, canh cá... và hơn cả là sự chân thành của người dân địa phương.
Những thửa ruộng bập thang trải dài ở bản Đôn
Anh Hà Huy Thục, hộ có nhà sàn cho du khách lưu trú cho biết: Bản Đôn được biết đến là địa danh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhiều năm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, du khách đến thăm, lưu trú lại ở bản Đôn nhiều hơn. Khách nước ngoài rất thích khi đến đây vì được khám phá cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ và nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa. Từ bản Đôn, du khách có thể đi bộ hoặc thuê xe máy để di chuyển đến các điểm du lịch khác như: Bản Hiêu (có thác Hiêu), bản Kho Mường (khám phá hang Dơi)…
Theo ông Lê Hùng Chúc,Trưởng phòng Văn hóa huyện: Trên địa bàn huyện có nhiều bản làng có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như bản Đôn. Các bản làng này đều giữ nguyên bản sắc văn hóa của người dân xưa, không bị thương mại hóa với cuộc sống bình dị của người dân dưới các nếp nhà sàn… Vào các dịp lễ tết, nếu khách không đặt phòng trước sẽ không có phòng nghỉ lại.
Nhà sàn truyền thống ở bản Đôn luôn được du khách chọn là nơi lưu giữ hình ảnh
Năm 2016, huyện Bá Thước được hỗ trợ Đề án phát triển du lịch cộng đồng. Trong Đề án, có 17 bản làng có thể làm du lịch và mỗi bản đều có nét văn hóa riêng. Hiện nay, huyện Bá Thước đang ưu tiên phát triển du lịch cho 6 xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn thuộc khu vực vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, gồm: Thành Lâm, Thành Sơn, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Cao và Lũng Niêm. Tính đến năm 2016, đã có 35 nhà nghỉ du lịch cộng đồng, chủ yếu nằm khu vực 6 xã trên.
Đến nay, trong bản Đôn đã có 22 hộ làm hàng rào cây xanh và có đủ 3 công trình: nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và khu vực chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình là nhà sàn truyền thống. Ngoài ra, hàng tuần các hộ gia đình cùng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, làm đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp. Việc phát triển du lịch bền vững được người dân nơi đây đặc biệt quan tâm. Không chỉ là phương thức làm du lịch, mà việc giữ gìn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên là những yếu tố góp phần làm nên một bản Đôn hấp dẫn du khách.
Ông Lò Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, bản Đôn là một trong những bản được huyện chọn làm thí điểm việc xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho người dân địa phương. Từng bước xây dựng và hoàn thiện các dịch vụ du lịch.
Việc phát triển du lịch tại bản Đôn và một số điểm đến khác cần được khai thác theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch, trên cơ sở khai thác, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; việc xây dựng các công trình cần đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường xanh, không phá vỡ cảnh quan tự nhiên... tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Bản Đôn thuộc xã Thành Lâm của huyện miền núi Bá Thước -Thanh Hóa, với tổng diện tích tự nhiên trên 125 ha, gồm 76 hộ và 283 nhân khẩu, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái. Những năm trở lại đây, khách du lịch trong và ngoài nước đến với bản Đôn ngày một nhiều. |
Tuyết Trang