Nguyễn Đình Hòe VACNE
Bức tranh minh họa bài thơ Phong kiều dạ bạc và ảnh chùa Hàn Sơn ở Tô Châu
1.Tiến sĩ Trương Kế (张继 Zhang Jì) sống vào khoảng trước sau năm 756 đời vua Đường Túc Tông nhà Đường. Trương Kế tự là Ý Tôn, đậu tiến sĩ và làm Tự bộ viên ngoại lang, về sau bị đổi ra Hồng Châu và mất tại đây.Hàn Sơn Tự là một trong 10 ngôi chùa danh tiếng nhất Trung Hoa, được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, thời Nam Triều nhà Lương (502-519) trên bờ con sông (kênh) đào vào loại cổ nhất thế giới có tên là Đại Vận Hà, nối liền Bắc Kinh với Chiết Giang. Như vậy, chùa Hàn Sơn (có khi gọi là Hàn San) có lịch sử hơn 1500 năm, đến đời Đường chùa mới được đổi tên là Hàn Sơn. Hàn sơn không phải là “chùa lạnh” mà là tên của một thiền sư nổi tiếng của Trung Quốc tu tại đây. Hai bên bờ bến Phong Kiều trên Đại Vận Hà bên ngoài thành Cô Tô trước đây trồng nhiều cây phong (phong là một họ thực vật với khoảng 400 loài cây lá chân chim, lá ngả màu vàng đỏ và rụng mùa đông,).
Đại Vận Hà còn được gọi là Kinh Hàng Đại Vận Hà, là kênh đào (cũng được gọi là sông) cổ đại trên thế giới. Kênh này cắt ngang đoạn hạ lưu các sông lớn của Trung Hoa, nối Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, Giang Tô (có thành phố Tô Châu) và Chiết Giang. Đại Vận Hà được nối dài qua nhiều đời, đến nay tổng chiều dài của nó là. 1.794 km.
Vào cuối thời kỳ Xuân Thu (722- 481TCN) Ngô vương Phù Sai của nước Ngô (ngày nay nằm trong địa phận Tô Châu), tiến quân về phía bắc, tổ chức đào sông để vận chuyển binh lính, sông này khi đó được gọi là Hàn Câu. Đại Vận Hà là huyết mạch chính nối miền Bắc với miền Nam Trung Quốc và cực kỳ quan trọng trong việc vận chuyển quân đội, lương thực và hàng hóa. Những chiếc cầu trên Đại Vận Hà thường là cầu cong có khẩu độ khá cao để đảm bảo thông thuyền trên sông. Đến nay với trên 25 thế kỷ tồn tại Đại Vận Hà vẫn là chiếc nôi văn hóa gắn liền lịch sử đầy biến động của Trung Hoa.
2.Phong kiều Dạ bạc (楓橋夜泊)là Bài thơ nổi tiếng của Tiến sĩ Trương Kế được lưu truyền rộng rãi và đựơc coi là Thiền thi tuyệt phẩm đời Đường và hậu thế. Đến mức Phong Kiều dạ bạc sau này đã được Khang Hữu Vi đời nhà Thanh khắc trên tấm bia lớn dựng trong chùa Hàn Sơn để cho người đời sau qua đây thưởng lãm. Tuy bài thơ chỉ có 28 chữ, nhưng các bài viết chú giải, phân tích hay bình lãm kể có đến ngàn trang. Các nhà sư coi Phong kiều dạ bạc là một trong các Đệ nhất thi phẩm Phật giáo chỉ với mỗi lí do là nó nhắc đến tiếng chuông chùa Hàn Sơn. Và hầu như chỉ với một bài Phong Kiều dạ bạc, Trương Kế đã được nhiều người coi là sánh vai với các nhà Đường thi lớn như Đỗ Phủ, Lý Bạch. Bản dịch tiếng Việt khá nhiều nhưng không có bản nào phản ánh hết ý thơ nguyên gốc. Bài thơ làm cho Tô Châu nổi tiếng, đến mức không có biết bao nhiêu du khách, Phật tử tại gia và các nhà sư khắp thế giới kể cả người Việt Nam cố công lặn lội đến Tô Châu chỉ để thăm Phong kiều và nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn mà thôi.
Vẻn vẹn 28 chữ theo lối tả cảnh, nhưng cảnh đây là cảnh nửa đêm về sáng khi trăng tà và mù sương nên không có màu sắc lộng lẫy, mờ mờ ảo ảo, trời lại yên gió đến mức hàng cây phong như đang ngủ. Không có một con người nào, một sự kiện nào. Rất ít cảnh được chọn lọc, được nhắc tới khiến bài thơ như một bức tranh thủy mặc. Bài thơ tả cảnh đêm tại bến Phong Kiều rất đơn giản:Trăng tà, quạ kêu, sương đầy trời, Hàng cây phong ven sông và bếp lửa trong thuyền chài đối nhau trong giấc ngủ buồn, Chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô, Nửa đêm tiếng chuông vẳng đến thuyền khách. Tác giả chỉ kể tên cảnh vật mà không bình luận gì, không tốn thêm một tính từ nào trừ một (1) từ duy nhất mà tác giả gán cho giấc ngủ của lửa chài và hàng cây phong: đó là chữ sầu. Người đọc thơ tùy cái riêng của mình mà cảm nhận khác nhau về bài thơ khiến cho bài thơ trở nên nổi tiếng mà sống mãi mặc dù nó có rất ít nội dung bề nổi. Cái sương mù mờ ảo nửa đêm trăng tà giăng khắp bài thơ, nhưng cũng chính từ cái mờ ảo vô biên đó (cái Không), người đọc ngộ ra rất nhiều ý tứ theo cảm nhận riêng mình (cái Có – cái Sắc). Muốn nói nhiều thì hãy nói ít, Không tức là Có, Có tức là Không, Không chẳng phải Không, Có không phải Có, Không tạo ra Có, Có tạo ra Không. Đó chính là phong cách “Chân Không Diệu Hữu” của Thiền thi (thơ Thiền)
Con người không xuất hiện trong bài thơ, nhưng hình như lại tràn ngập không gian. Không gian trong Phong kiều dạ bạc do đó là không gian Thiền mà tiếng chuông chùa Hàn Sơn nhờ đó mà trở nên nỗi rõ hơn. Có lẽ không phải vì tiếng chuông chùa Hàn Sơn quá đặc biệt, mà chính vì nó vang lên khi tâm thức Thi nhân và Cảnh vật đã chín muồi để đón nhận nó, như cái phút “Đốn Ngộ” đối với người học Thiền có Cơ duyên. Người là muôn vật, muôn vật cũng là người – một triết lý Thiền cổ xưa trở thành triết lí của bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày nay.
Nguyên tác: Phong kiều dạ bạc (Neo thuyền đêm bến Phong kiều)
楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Bản dịch của Nguyễn Hàm Ninh (có người nói là của Tản Đà):Trăng tà chiếc quạ kêu sương, Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ, Thuyền ai đậu bến Cô Tô, Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
3. Tiến sĩ Bùi Tâm Trung sinh năm 1930 tại Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận,từ năm1953 theo học Đại học ở Trường Đại học Đường sắt Đường Sơn và Trường Đại học Đồng Tế - Thượng Hải, Trung quốc.Ông là sáng lập viên và là Chủ tịch liên tục trong 4 nhiệm kỳ của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Thủ đô, đồng thời là Ủy viên Thường vụ Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam và Hội Xây dựng Hà Nội. Tuy được học nhiều năm ở Trung Quốc và rất thạo tiếng Trung Quốc, ông chỉ thích duy nhất bài thơ Phong Kiều dạ bạc. Nhưng ông chẳng mấy khi tự mình đọc hay ngâm nga bài thơ này. Mỗi lần đi công tác với ông, hay gặp ông ở văn phòng VACNE, ông đều nói tôi đọc cho ông nghe. Ông nghe chăm chú, gật gù, trầm tư, đượm sầu, nhưng không nói gì cả, chưa bao giờ tôi nghe ông nói gì cả khi đọc cho ông nghe bài thơ này ! Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường việt Nam đã tiễn đưa ông đến cõi Vính Hằng ngày 05/2/2010, đến nay là tròn 1 năm. Tôi viết bài báo nhỏ này vì hình ảnh và những kỷ niệm với ông không nhạt phai trong tôi. Không rõ ông đã gặp tác giả bài thơ Phong Kiều dạ bạc dưới Suối Vàng chưa, hay ông chính là Trương Kế tái sinh, hay cả hai đã đầu thai ở nơi đâu đó rồi./.
(Bài viết kỷ niệm ngày tiễn đưa Tiến sĩ Bùi Tâm Trung, nguyên Thường vụ VACNE về cõi Vĩnh hằng 5/2/2010- 5/2/2011)