Một lần nữa các điều vừa trình bày trong mục “Nâng cao vai trò cộng đồng ứng phó với BĐKH” cho thấy, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, vai trò cộng đồng là hết sức quan trọng đối với hoạt động ứng phó BĐKH.
Nhóm nghiên cứu VACNE
Hoạt động càng mới mẻ, càng phức tạp, càng lâu dài thì càng phải đánh giá và khai thác đúng vai trò cộng đồng. Không khó để nhận thấy những hạn chế của cộng đồng hiểu như một số lượng đông đảo người dân. Nhưng cần hiểu cộng đồng mà Nhóm nghiên cứu nói tới là cộng đồng được tổ chức, và lúc này là được tổ chức theo Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH. Điều đó sẽ làm giảm nhiều những hạn chế của cộng đồng và phát huy được những ưu việt của cộng đồng. Đấy là điều cần được đánh giá đầy đủ, đặc biệt là khi xem xét các kết quả hoạt động vừa trình bày của cộng đồng.
Một cách khái quát có thể thấy các ưu việt sau đây của cộng đồng, cũng là ưu việt của các tổ chức phi chính phủ Việt Nam.
- Có cơ sở ở mọi miền đất nước, mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội;
- Phong phú về loại hình hoạt động, sát với cộng đồng, nói chính tiếng nói của cộng đồng;
- Có kinh nghiệm, có kỹ năng cần thiết để đánh giá và xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH phù hợp với các điều kiện khác nhau của tự nhiên, kinh tế - xã hội – dân tộc đặc biệt là của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương;
- Dễ dàng trong việc liên kết theo địa bàn, dân tộc, nhóm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động và các đặc điểm khác;
- Đang hàm chứa nhiều mô hình thực tiễn có giá trị đối với ứng phó với BĐKH, chỉ cần được phát hiện, điều tra nghiên cứu, nâng cấp hoàn thiện thì có thể trở thành các chuẩn mực, mô hình mẫu áp dụng cho các hoàn cảnh tương tự;
- Sẵn sàng phối hợp với các cơ quan chính phủ ở trung ương và địa phương nhằm ứng phó với BĐKH vì đó cũng chính là giúp bản thân họ;
- Các tổ chức quần chúng liên quan đến BĐKH ít nhiều đã có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, đã trưởng thành trong hoạt động và đang có nhiefu mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa trong lĩnh vực quan trọng này.
Nhằm nâng cao vai trò cộng đồng đúng tầm quan trọng trong ứng phó với BĐKH, Chương trình MTQG cần nghiên cứu khắc phục các tồn tại được trình bày dưới đây:
Trước hết là tính hình thức còn nặng trong việc trình bày các nội dung liên quan đến cộng đồng trong văn bản Chương trình MTQG ứng phó với BĐKH. Những nội dung liên quan đến cộng đồng thường chỉ đặt cho hoàn chỉnh về mặt câu chữ và cách trình bày. Đặc biệt, vai trò cộng đồng luôn ở thể bị động, ví dụ như được tuyên truyền nâng cao nhận thức, được tập huấn, được tham gia các hoạt động về BĐKH, hoặc có trách nhiệm thực hiện về BĐKH, hoặc có trách nhiệm thực hiện việc này việc khác. Nếu may mắn được ở thể chủ động thì cộng đồng cũng không biết sẽ thực hiện các công việc đó như thế nào vì thiếu sự bảo đảm thông tin, thiếu điều kiện để tham gia, không được thể chế pháp luật bảo đảm quyền lợi và giải quyết công bằng khi phải phân xử, và đặc biệt, không được các nhiệm vụ/đề án thực sự hướng tới việc tăng cường năng lực cho cộng đồng đủ sức thực hiện các hoạt động được phép.
Việc tổ chức thực hiện trên thực tế các điều khoản về cộng đồng có trong Chương trình MTQG cũng vậy.
Chẳng hạn trong việc tổ chức huy động cộng đồng ứng phó với BĐKH các cơ bản nhà nước quá tin vào khả năng tập hợp quần chúng của các tổ chức chính trị - xã hội trong khi các tổ chức này thiếu năng lực, chưa có đủ kinh nghiệm và kiến thức cần thiết liên quan đến BĐKH và cũng chưa thể có những sáng tạo cần thiết cho lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và lâu dài này.
Thực tế, Bộ TN&MT chỉ ký kết và đầu tư (dù rất hạn chế) với các tổ chức chính trị - xã hội (bao gồm VUSTA), không ký kết (hoặc hầu như không) với các tổ chức NGO’S (“vừa” và “nhỏ”), coi đó là “ký kết” với cộng đồng. Đối với lĩnh vực BĐKH, có thể nói tất cả các tổ chức chính trị - xã hội đều chưa có kinh nghiệm gì, nhưng cộng đồng thì khác. Nếu được chủ động, nếu được tạo điều kiện phát huy, cộng đồng sẽ có thể hoàn thiện các kinh nghiệm ứng phó BĐKH của mình một cách nhanh chóng nhất. Hệ quả là các tổ chức chính trị - xã hội cũng sẽ được hưởng lợi, thay vì các tổ chức này đóng vai trò trung gian như hiện nay.
Vì tính chất phức tạp, vì quãng thời gian lâu dài của quá trình ứng phó BĐKH, nên chăng cần mạnh dạn sáng tạo cách làm với cộng đồng, hướng tới bản thân các kết quả hoạt động và hiệu quả của các hoạt động đó, hơn là vì một khuôn khổ đã có sẵn cho dù khuôn khổ đó đã từng đem lại thành công đối với các lĩnh vực khác. Kinh nghiệm nhiều nước cũng cho thấy như vậy.
Cộng đồng còn gặp những trở ngại lớn dưới đây cần được Chương trình MTQG tìm cách khắc phục trong thời gian tới:
- Chưa có khung pháp lý đầy đủ cho các hoạt động của cộng đồng, của các tổ chức phi chính phủ;
- Chưa có cơ chế phối hợp rõ ràng và hợp lý nhằm thực hiện các chương trình/nhiệm vụ/đề án, nói rộng hơn là các giải pháp, các chính sách cộng đồng ứng phó BĐKH;
- Sự hợp tác thực sự, có hiệu quả giữa Chính phủ với các tổ chức phi chính phủ còn phải được tiếp tục hoàn thiện. Thực tế còn có sự chưa tin tưởng ở một bộ phận tổ chức và cá nhân cán bộ nhà nước vào vị trí, năng lực và hiệu quả hoạt động của cộng đồng ứng phó với BĐKH, một thực tế cũng thường thấy đối với một số lĩnh vực khác.
- Thiếu mạnh dạn trong việc giao cho cộng đồng nhiều nội dung hoạt động ứng phó BĐKH, nhất là trong các công việc truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức các sự kiện về BĐKH, nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện, nhân rộng mô hình liên quan.
- Cuối cùng, nhất thiết cần có những thay đổi đáng kể về cấu trúc, nội dung, kinh phí và tổ chức thực hiện đối với mục IV “Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực” trong Danh mục “Các nhiệm vụ, dự án thực hiện chương trình MTQG ứng phó với BĐKH giai đoạn 2009 – 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008.