quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Bài phát biểu của GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2010

Thứ Sáu, 31/12/2010 | 09:42:00 AM

Ngày 29/12/2010, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2010, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VN đã thay mặt lãnh đạo Hội phát biểu ý kiến.

 
 
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo
Kính thưa các vị đại biểu và toàn thể Hội nghị
Giải thưởng Môi trường Việt Nam là giải thưởng tôn vinh các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT, là giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực BVMT ở nước ta. Giải thưởng Môi trường Việt Nam không chỉ giới hạn đối tượng khen thưởng là các cán bộ, công nhân viên trong ngành môi trường, giống như khen thưởng của các Bộ/ngành khác, mà đối tượng được xét Giải thưởng VN, có thể nói là toàn dân, tất cả các tập thể và cá nhân, từ người nông dân, công nhân, quân nhân, công an đến các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và đào tạo, bất cứ tổ chức đoàn thể xã hội, sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu, đào tạo hay cơ quan nào, nếu có thành tích xuất sắc trong hoạt động BVMT đều được xét tặng thưởng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Vì vậy Giải thưởng Môi trường Việt Nam đã có tiếng vang trong cả nước và nước ngoài, thu hút sự quan tâm của mọi người, mọi tổ chức, có tác dụng thúc đẩy và khuyến khích mọi người, mọi tổ chức tích cực tham gia công tác BVMT. Giải thưởng Môi trường VN đã thực sự trở thành nguồn động viên, khuyến khích lớn, nhằm cổ động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường ở nước ta, thực hiện chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường quốc gia.


 

Kể từ khi Bộ KHCN&MT có sáng kiến đặt ra giải thưởng này đến nay đã được 10 năm.
Với trách nhiệm và vinh dự được Bộ KHCN&MT trước đây và Bộ TN&MT ngày nay giao cho nhiệm vụ liên tục 10 năm tham gia Hội đồng xét Giải thưởng Môi trường Việt Nam, trong đó có nhiều năm làm chủ tịch Hội đồng, tôi xin có một số ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của Giải thưởng Môi trường Việt Nam như sau:
 
 
1. Về đối tượng xét thưởng
Đề nghị mở rộng thêm đối tượng xét Giải thưởng là các tổ chức, các cá nhân người nước ngoài và các Việt kiều đã có thành tích xuất sắc tham gia sự nghiệp bảo vệ môi trường ở nước ta.
2. Về hồ sơ đăng ký
Trong thời gian qua, khi xem xét hồ sơ đăng ký của tập thể và cá nhân, chúng tôi thấy có một số tồn tại sau đây:
-          Có hồ sơ chỉ có 1-2 trang, rất thiếu thông tin để xem xét, đánh giá, ngược lại, có nhiều hồ sơ của tổ chức viết về tình hình hoạt động của tổ chức mình rất dài dòng, nhưng thông tin về các tiêu chí để xét thưởng thì lại rất sơ sài, nhiều hồ sơ thiếu các phụ lục, tài liệu để minh chứng các thành tích của mình, nên không bảo đảm độ tin cậy của lời khai.
-          Theo chúng tôi nghĩ thì hồ sơ đăng ký phải trình bày rõ ràng thành tích, đóng góp của tổ chức, cá nhân đối với sự nghiệp BVMT, đây là phần quan trọng nhất của nội dung hồ sơ đăng ký, sau đó là người đăng ký phải tự đánh giá hiệu quả về kinh tế, về xã hội và về môi trường (trong mẫu báo cáo thành tích không có mục tự đánh giá hiệu quả về môi trường) của thành tích hoạt động của mình, cũng như tự trình bày về sáng kiến, sáng tạo của mình trong hoạt động BVMT. Nếu trong hồ sơ đăng ký không trình bày rõ ràng và mạch lạc những vấn đề nêu trên thì Hội đồng không thể đánh giá chính xác được.
-          Cần phải có phương thức chọn lọc sơ bộ các hồ sơ từ cơ sở để giảm bớt những hồ sơ yếu kém hoặc không hợp lý, không đáng đưa ra Hội đồng xét thưởng quốc gia xem xét. Thí dụ như  trường hợp có đơn vị trong một lần nộp tới 2-4 hồ sơ đăng ký, đọc các hồ sơ này thấy thành tích  nêu trong các hồ sơ là tương tự như nhau, chỉ khác nhau ở chỗ: người lãnh đạo đơn vị thì khai là đã có thành tích chỉ đạo, quản lý, còn cán bộ trong đơn vị thì khai là có thành tích trong thực hiện. Trong khi mỗi năm Bộ TN&MT chỉ khen thưởng 20 giải, năm nay đặc biệt là 50 giải, trong tổng số gần 200 hồ sơ đăng ký thì đương nhiên 1 đơn bị không thể được quá 1 giải thưởng.
3. Về hoạt động của Hội đồng xét Giải thưởng
Hội đồng thường xét hồ sơ đăng ký theo 2 vòng là hoàn toàn hợp lý, vòng 1 xét và đánh giá theo các Tiểu ban (lĩnh vực), mỗi Tiểu ban có khoảng 3 ủy viên Hội đồng, để chọn ra các hồ sơ thuộc loại khá đưa vào xét ở vòng 2. Vòng 2 - toàn Hội đồng xem xét, đánh giá và chọn ra 20 tổ chức và cá nhân được nhận giải thưởng như nhau, không phân biệt nhất nhì ba.
Trong một số năm gần đây, khi chấm ở vòng 2 chủ yếu dựa vào kết quả chấm của vòng 1 (tức là hồ sơ được giải thưởng thực chất chỉ được 3 ủy viên Hội đồng đọc và đánh giá, chứ không phải tất cả các ủy viên Hội đồng đọc và chấm). Theo chúng tôi thì chấm vòng 2 cũng nên yêu cầu tất cả các ủy viên Hội đồng đều đọc và xem xét toàn bộ hồ sơ của tất cả các Tiểu ban đã chọn qua vòng 1 và chấm điểm cho từng hồ sơ để chọn ra 20 hồ sơ được giải thưởng. Phương pháp chấm này, tuy Hội đồng phải tốn thời gian hơn, nhưng yên tâm hơn về tính công bằng và tính chính xác của toàn bộ giải thưởng.
4. Về lễ công bố và trao Giải thưởng Môi trường Việt Nam
Phần lớn lễ công bố và trao giải thưởng môi trường trước đây không được tổ chức riêng mà thường kết hợp với tổ chức ngày Môi trường Thế giới, ngày 5 tháng 6 ở một địa phương nào đó, cho nên ít gây được ấn tượng và tiếng vang xứng đáng với Giải thưởng cao quý này. Vì vậy chúng tôi đề nghị Lễ công bố và trao Giải thưởng Môi trường VN nên được tổ chức riêng và long trọng, như đã làm trong năm nay, năm 2010, tổ chức truyền hình và đưa tin lên hệ thống thông tin đại chúng riêng.
5. Về nhân rộng điển hình tiên tiến
Đến nay nước ta đã có khoảng 160 tổ chức và cá nhân được tặng Giải thưởng Môi trường Việt Nam. Để nhân rộng các điển hình tiên tiến này chúng tôi đề nghị Bộ TN&MT tiến hành Biên tập và xuất bản Tuyển tập “Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2001-2010” và phổ biến rộng rãi Tuyển tập này trong phạm vi toàn quốc.
6. Về sự tham gia của Hội Bảo vệ TN&MT đối với Giải thưởng Môi trường Việt Nam
Trong quá trình thực hiện Giải thưởng Môi trường Việt Nam, từ khi bắt đầu đến nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam rất tích cực tham gia, như là trong tất cả các hoạt động của mình Hội luôn luôn cổ động cho Giải thưởng này, phần lớn các Ủy viên Hội đồng xét Giải thưởng Môi trường đều là Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ TN&MT, v.v... Hội Bảo vệ TN&MT có nhiều kinh nghiệm trong việc khen thưởng, tuyên dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực BVMT.
Vì vậy, thay mặt cho Hội Bảo vệ TN&MT VN, chúng tôi kiến nghị Bộ TN&MT như sau:
a.      Trong việc xét hồ sơ đăng ký Giải thưởng Môi trường VN, để tăng cường tính xã hội của Giải thưởng, giảm nhẹ gánh nặng của Hội đồng xét giải thưởng, đồng thời nâng cao độ chính xác và sự đồng thuận của cộng đồng, Hội Bảo vệ TN&MT VN có thể nhận trách nhiệm sơ tuyển toàn bộ hồ sơ đăng ký để lựa chọn ra số lượng hồ sơ đưa ra Hội đồng xem xét chỉ còn khoảng gấp 2 lần số lượng Giải thưởng hàng năm của Bộ.
b.      Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam hoàn toàn có khả năng tư vấn cho Bộ thực hiện nhiệm vụ biên tập Tuyển tập “Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2001-2010”, dùng làm tài liệu tuyên truyền phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến.
 
Xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội ngày 29/11/2010
 
 

Lượt xem: 1272

Các tin khác

Dài ngắn

(27/01/2025 08:17:AM)

Thêm 15 cây cổ thụ lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam

(13/01/2025 02:36:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 12/2024

(09/01/2025 09:45:AM)

Phóng sự ảnh về tổng kết chương trình vì môi trường xanh quốc gia năm 2024

(06/01/2025 09:28:AM)

Đề xuất các giải pháp ứng phó với đảo nhiệt đô thị để bảo vệ sức khỏe thị dân và thích ứng với BĐKH

(02/01/2025 11:27:AM)

Tổng kết chương trình “Vì Môi trường xanh Quốc gia 2024”

(30/12/2024 02:14:PM)

Công nhận 156 Cây di sản Việt Nam tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long

(23/12/2024 12:23:AM)

Nam Định: Cây Đa Tía trên 120 tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

(16/12/2024 12:32:PM)

Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng tổ chức hội đáp ứng yêu cầu quản lý mới – kinh nghiệm từ vacne

(13/12/2024 02:58:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE