VACNE - Tại Lễ Vinh danh Cây di sản Việt Nam cây thị Nhà thờ Họ Phái Thân Văn, TP. Huế ngày 5/11/2010, Cụ Thân Trọng Ninh, người cao tuổi nhất trong Họ đã có bài phát biểu giới thiệu lịch sử dòng Họ và cây thị được vinh danh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Kính thưa: ........................
Thay mặt Hội đồng Thân tộc Thừa Thiên – Huế và họ Thân phái Dương Xuân, tôi xin có lời chào mừng sự có mặt của quí vị đại biểu từ các nơi về đây chiều nay, không quản ngại mưa gió lạnh lẽo, để tham dự buổi lễ công nhận và gắn bia Cây Di sản Việt Nam cho Cây Thị 312 tuổi tọa lạc tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Tôi cũng xin được bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (gọi tắt là VACNE) và đoàn cán bộ cao cấp của Hội do TS Nguyễn Ngọc Sinh, chủ tịch Hội dẫn đầu cùng các GS Đặng Huy Huỳnh, PGS Phạm Bình Quyền , GS Ngô Đình Tuấn, đã từ Thủ đô Hà Nội xa xôi vào Huế để tổ chức thực hiện chương trình này
Kính thưa quí vị,
Theo gia phả của họ Thân phái Dương Xuân, Cụ Thị được tiền bối của chúng tôi là Ngài Thân Văn Thẩm lúc bấy giờ là giáo học ở làng Nguyệt Biều (nay thuộc phường Thủy Biều, Tp Huế) đem hạt giống từ quê nhà về gieo trồng ở Dương Xuân, nơi định cư mới của Ngài. Trải qua hơn ba trăm năm sinh trưởng và phát triển, qua 9 thế hệ con cháu hậu duệ nối tiếp nhau, Cụ Thị đã vượt qua bao nguy nan, hậu quả tàn khốc của chiến tranh cũng như đã chống chọi với biết bao phong ba bão táp và bản thân cũng không thoát khỏi bị tổn thương trầm trọng bởi bom đạn vào những năm 60 của thế kỷ trước (Tết Mậu Thân 1968). Được con cháu họ Thân Dương Xuân hết lòng chăm sóc và quyết tâm bảo vệ nên Cụ mãi mãi xanh tươi, hàng năm ra hoa kết trái cho tới ngày nay. Đặc biệt trong thế kỷ qua, cuộc sống của Cụ gắn bó với tên tuổi của một người con họ Thân là cố đại tá Thân Trọng Một, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân VN. Mảnh đất này là nơi chôn rau cắt rốn của Ông, nơi Ông lớn lên trong sự che chở của Cụ và sau khi qua đời Ông cũng được thờ ở đây. Hồn thiêng của Ông quyện vào linh hồn Cụ tạo nên một chốn tâm linh ấm áp, một cảnh quan thân thiện, môi trường hiền hòa trong khuôn viên của ngôi từ đường bé nhỏ này.
Kính thưa quí vị,
Cây Thị 312 tuổi này với những đặc tính chi tiết đã được giới thiệu ở tờ rơi mà quý vị đang cầm trong tay là cây cổ thụ thứ 10 được vinh danh “Cây Di sản Việt Nam”. Cách đây đúng một tháng, ngày 05/10, tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp đại lễ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, HBVTNVMTVN đã tổ chức lễ công nhận và gắn bia Cây di sản Việt Nam cho 9 Cây Muỗm đại thọ, có cây trên 700 tuổi, tại Đền Voi Phục, một di sản lịch sử văn hóa quốc gia . Nay đến lượt Cây Thị ở từ đường họ Thân phái Dương Xuân chúng tôi được vinh danh. Cụ là di sản của Tổ tiên để lại, là tài sản của một dòng họ lớn mà lịch sử song hành với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và sắp đến, vào đầu tháng 12, sẽ tổ chức lễ kỷ niệm “1000 năm Họ Thân” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội.
Về mặt quốc gia, đợt vinh danh cây Di sản hôm nay là đợt thứ hai tại Việt Nam diễn ra tại cố đô Huế, sau Thủ đô Hà Nội 1 tháng và cây Thị này là cây Di sản đầu tiên được vinh danh tại Thừa Thiên Huế. Về mặt quốc tế, đây là lần thứ hai mà Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có hành động thiết thực để hưởng ứng năm quốc tế về đa dạng sinh học (năm 2010). Rõ ràng vinh dự này chưa dành cho ai và cho nơi nào khác ngoài Thủ đô và Cố đô của nước ta..
Kính thưa quí vị
Việc tổ chức công nhận và gắn bia cây Di sản VN ở nước ta là sự kiện mới mẻ tạo ấn tượng và nhận thức còn xa lạ đối với nhiều người nhưng nó đánh dấu một mốc quan trọng mang nhiều ý nghĩa khoa học và nhân văn cao trong tư duy và sự nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cũng như bảo tồn sự đa dạng sinh học trên toàn cầu nói chung, ở nước ta nói riêng.
Để tiếp tục hưởng ứng và phát huy ý nghĩa nói trên, họ Thân chúng tôi đang làm hồ sơ đề nghị VACNE công nhận tiếp theo một số cây cổ thụ và đăc biệt tọa lạc trong khuôn viên các từ đường và lăng mộ của các Ngài tiền bối.
- Cây Măng Cụt trên 100 tuổi ở Từ Đường họ Thân, phái Thân Trọng ở xóm Vạn, làng Nguyệt Biều, phường Thủy Biều.
- Cây Thị trên 100 tuổi ở Từ đường họ Thân Cư Chánh (chân đồi Vọng Cảnh), phường Thủy Biều
- Cây Sanh trên 300 tuổi cũng tại đây.
- Hai cây Bộp tuy chưa được 100 tuổi nhưng đạt tiêu chuẩn về thẩm mỹ, về giá trị văn hóa lịch sử, giá trị cảnh quan – môi trường. Hai cây này được “Trời trồng” song song và tọa lạc tại lăng mộ Ngài Thủy tổ họ Thân An Lỗ, có lịch sử khoảng 700 năm.
Ngoài ra, với tư cách là Ủy viên ban chấp hành của Hội Thực vật học Việt Nam, tôi cũng sẽ làm hồ sơ đề nghị công nhân và bảo vệ hai cây Bao Báp có nguồn gốc từ Châu Phi, được trồng dưới thời Pháp thuộc mà tôi phát hiện, bảo vệ và giới thiệu sau khi Huế được giải phóng (1976) .
Cây Bao Báp ở đường Mai Thúc Loan, gần ngã tư Anh Danh.
Cây Bao Báp ở đồi Phú Cam, phường Phước Vĩnh.
Nhân dịp này, tôi xin đề nghị các dòng họ, các địa phương có cây cổ thụ tại từ đường, lăng mộ, cổng làng hãy làm hồ sơ gửi Hội BVTNVMTVN đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam trong những đợt tương lai. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác nếu có yêu cầu.
Cuối cùng, tại khuôn viên Từ đường họ Thân Dương Xuân này chúng tôi phát tâm xin hứa sẽ ra sức chăm sóc chu đáo, bảo vệ tính mạng Cụ Thị tránh khỏi sự tàn phá của thiên nhiên, môi trường và con người để Cụ sống mãi, trường thọ với các thế hệ con cháu họ Thân mai sau. Chúng tôi cầu nguyện Tổ tiên Ông Bà cũng như Cụ Thị hãy phù hộ dòng họ phấn đấu vươn cao, ra sức trau dồi tài năng trí tuệ, đạo đức xứng đáng với ngài Thân Nhân Trung, một vị đại tiền bối đã có câu nói bất hủ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
Cuối cùng, thay mặt Ban tổ chức xin gửi lời cám ơn đến Đảng ủy. Chính quyền và nhân dân phường Thủy Xuân, Tp Huế đã quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi tổ chức buổi lễ đặc biệt này được thành công mỹ mãn.
Xin chân thành cám ơn tất cả.
T.T.N