(VACNE) - VnExpres vừa đăng bài viết về cây Bạch mai cổ thụ 300 tuổi ở đình Phú Tư, TP Bến Tre, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam năm 2014.
Bạch mai cổ thụ 300 tuổi ở đình Phú Tư, TP Bến Tre, mỗi năm ra hoa từ giữa tháng Giêng, hoa rụng được người dân nhặt phơi khô ngâm rượu, pha trà.
Gọi là mai nhưng cổ thụ này khác loài mai truyền thống ở Nam Bộ, không trổ vào dịp Tết. Từ lúc cây nở hoa đến lúc tàn khoảng một tháng. Thân chính của cây nhiều năm trước bị mưa bão đã đổ và chết, chỉ còn 10 nhánh phụ cao hơn 4m, mỗi nhánh to bằng một người ôm, toàn bộ tán rộng khoảng 40m2.
Trước đây cây trổ hoa đúng ngày, nhưng những năm gần đây, cây bắt đầu trổ hoa sớm hoặc muộn hơn do biến đổi khí hậu. Nụ hoa to bằng ngón tay út, màu xanh, khi nở có 4 cánh trắng, nhụy vàng, lá nhìn giống cây mù u. Vào sáng sớm, hoa nở tỏa hương thơm dịu nhẹ, lan xa khoảng 500 m, thu hút nhiều đàn ong đến. Những ngày cuối tuần, nhiều du khách đến đình thăm cây mai nở, chụp ảnh.
Ông Đoàn Văn Mười, Ban Quản lý đình Phú Tự cho biết, những người lớn tuổi trong vùng kể lại, khoảng 300 năm trước khi tiền nhân đến xứ giồng cao khai hoang, đã thấy cây bạch mai mọc ở đây.
Người trong vùng sau đó thấy vị trí khu đất gò cao, có loài cây lạ, đã lập đình thờ Thành hoàng bổn cảnh, cầu mưa thuận gió hòa. Ban đầu, đình được lợp bằng tre lá, sau đó cải tạo dần, đến năm 1918, được vua Khải Định phong sắc. Do có tuổi đời cụ kỵ, người dân trong vùng thường gọi cổ thụ này là "thần mai".
"Nhà ở gần đình nên sáng nào tôi cũng sang dùng lưới trải dưới gốc để hứng hoa rụng, số hoa này sau đó được phơi khô, làm thành những túi lộc may mắn tặng cho khách thập phương đến thăm và cúng đình vào dịp rằm tháng 3 sắp tới", chị Hồ Thị Thu (50 tuổi) nói.
Di tích Đình Phú Tự và bạch mai cổ thụ là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2008, đến năm 2014 được công nhận cây di sản. Cây thường không kết trái, nên nhiều năm nay các kỹ sư nông nghiệp dùng phương pháp chiết cành để nhân giống bảo tồn, song không thành công, vì cành chiết không ra rễ.