(VACNE) - Mọi người đến Quán Cafe Môi trường sớm hơn thường lệ, ai cũng muốn nghe tiếp 3 câu chuyện nhỏ của ngọn núi to hôm trước. Nhưng thật ngạc nhiên, Người kể chuyện lại thông báo sẽ kể chuyện khác. Dù ồn ào một lúc, nhưng sợ thiệt về thời gian, nên các “thượng đế” vẫn phải chấp nhận dời chuyện núi xuống dòng sông. Và ba câu chuyện lớn của một con sông nhỏ ở phía Nam được bắt đầu.
Trước hết nói về con sông. Thực ra gọi lớn hay nhỏ, to hay bé chẳng qua cũng chỉ là cách ví von thôi, chứ không theo tiêu chí hay quy chuẩn nào cả. Có người còn tố là Người kể chuyện câu khách, cố tình đặt tên cho “hot”. Tùy cách hiểu, nhưng con sông “nhỏ” nói trưa nay có tên Thị Vải. Vâng, Thị Vải, con sông đã đi cùng “môi trường” ít nhất cũng trên 25 năm gần đây. Lập tức có thượng đế hỏi tên sông ấy nghĩa là gì. Người kể đành dẫn ra câu trả lời của tác giả Anh Phó đăng trên nguyệt san Pháp luật Tp Hồ Chí Minh số 159 ngày 4/2/2011. Theo đó, dòng sông này chỉ dài khoảng hơn 50 km (Bách khoa toàn thư nói dài khoảng 76 km) bắt nguồn từ suối Bưng Môn chảy theo hướng Đông Nam qua huyện Nhơn Trạch và huyện Long Thành (Đồng Nai), rồi huyện Tân Thành (Bà Rịa -Vũng Tàu), sau đó đổ ra biển tại vịnh Rành Gái huyện Cần Giờ (TP.HCM). Ở địa phận huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), sông này chảy gần núi Thị Vải nên cũng mang tên chung với núi đó, gọi là sông Thị Vải.
Chuyện lớn này nói về việc đền bù ô nhiễm sông Thị Vải của doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Dưới đây xin nêu lại 4 trong số hàng loạt tin bài liên quan đã được truyền thông rầm rộ đăng tải trong thời gian dài.
Báo Tuổi trẻ ngày 15/9/2008, đã tóm lược vụ việc như sau:
Mật phục ba tháng mới bắt được quả tang
...Để kiểm tra và phát hiện các vi phạm tại Công ty này, các trinh sát của Cục Cảnh sát môi trường đã phải trinh sát, mật phục khoảng ba tháng để thu thập các bằng chứng về hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường của VN. Theo đánh giá của Cục Cảnh sát môi trường trước khi bắt quả tang vụ việc trên, có thời điểm Công ty này đã thải ra sông Thị Vải khoảng 50.000m3 nước thải/ngày đêm.
Sau khi nắm được hành vi vi phạm của Công ty, sáng 8-9 lực lượng cảnh sát môi trường Bộ Công an và đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tài nguyên - môi trường đã kiểm tra nhà máy sản xuất của Công ty nằm tại huyện Long Thành.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện công ty đã lắp đặt hệ thống bơm, đường ống kỹ thuật xả trực tiếp một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý xuống sông Thị Vải. Chất thải bị đổ xuống sông chủ yếu là dịch thải lỏng chứa nước mật rỉ đường và các chất đặc sau khi chế biến từ các bể chứa lớn có dung tích 6.000-15.000m3. Hệ thống đường ống xả nước thải được thiết kế đi chìm, có trụ bơm cắm sâu xuống lòng sông Thị Vải, tránh không bị phát hiện.
Hệ thống xả nước thải của Công ty được lắp đặt không đúng với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty chấm dứt việc xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, giữ nguyên hiện trạng để chờ xử lý.
|
Ngay sau khi bắt quả tang, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản, đại diện lãnh đạo Công ty đã ký vào biên bản thừa nhận sự việc và các sai phạm của mình. Các cơ quan chức năng đã lấy mẫu chất thải để kiểm định, xác định mức độ vi phạm của công ty để xử lý.
Vụ việc đền bù thiệt hại kéo dài cả năm trời. Năm sau, báo Công an Nhân dân ngày 19/9/2009 có bài viết: “Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm vụ “bức tử” sông Thị Vải”. Trong đó, nêu rõ: “..bắt đầu đi vào hoạt động năm 1993, Công ty liên tiếp có nhiều sai phạm gây ô nhiễm môi trường: Năm 1994, công ty thải hóa chất ô nhiễm làm thủy sản chết hàng loạt trên sông Thị Vải; năm 2005, Công ty mới đồng ý đền bù với danh nghĩa hỗ trợ nông dân nuôi trồng thủy sản với số tiền 15 tỷ đồng; năm 2006, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai qua kiểm tra đã phát hiện đơn vị này có hành vi xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 - 5.600 lần…”.
Lại 1 năm nữa trôi qua, việc đền bù vẫn bế tắc. ngày 28/7/2010 Vnexpress đăng bài có ý kiến của Bộ trưởng TNMT đề nghị Hội Nông dân Việt Nam làm đại diện, chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý để khởi kiện đơn vị này.
Cũng trong buổi họp, đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam cho biết, Quỹ sẽ đảm bảo việc ứng án phí cho toàn bộ hộ nông dân đứng đơn khởi kiện. Đại diện các bộ Công an, Tư pháp khẳng định cũng sẽ sát cánh với Bộ Tài nguyên Môi trường, ủng hộ người nông dân hết mình.”
Chiều 28/7, vài giờ sau cuộc họp tại Hà Nội và một ngày sau khi nông dân các tỉnh đồng loạt gửi đơn khởi kiện đơn vị này ra tòa, công ty đã bất ngờ thông báo nâng tiền hỗ trợ cho nông dân cả 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và TP HCM lên gấp đôi mức đã đưa ra trước đây”.
Sau đó, chúng ta đều biết kết quả đền bù, hỗ trợ,...ra sao.
Vậy mà, đến tận năm 2013, trong bài “Giải quyết tranh chấp môi trường: Đường xa vạn dặm” khi phản ánh kết quả 1 hội khảo khoa học liên quan của VACNE còn phải viết: “...Người dân không biết khiếu nại của mình đang ở giai đoạn nào, trong khâu xử lý, chưa nói đến kết quả xử lý tranh chấp có thỏa đáng hay không. TS Nguyễn Ngọc Sinh tại hội thảo mới nhất do VACNE cùng Viện Chính sách Môi trường (Bộ TN&MT) và Quỹ Châu Á tổ chức hôm 20-8 cho rằng, giải quyết tranh chấp môi trường là vấn đề khó và rất mới ở ta. Các nước trên thế giới đều vấp phải vấn đề này. Nhật Bản là một trong số ít các quốc gia có Luật Tranh chấp môi trường. Cần tham khảo Nhật Bản như cách thức tổ chức phải minh bạch hay phải thành lập một tổ chức, hoặc cơ quan ngoài tòa án chuyên tư vấn hòa giải độc lập ở các cấp, trước hết là cấp cơ sở có công quyền. Tranh chấp môi trường còn phải bao hàm cả đa dạng sinh học chứ không nên bó hẹp về ô nhiễm”. Mới biết chuyện này nan giải chừng nào, nếu hệ thống pháp luật không được liên tục hoàn thiện thỉ dù “tình ngay” nhưng rất có thể “lý gian”, người thì bị hại, môi trường thì bị đầu độc mà không thể bắt thủ phạm phải đền bù thiệt hại và phục hồi môi trường.
Đấy là chuyện lớn thứ hai, Các “thượng đế” liến phản đối Người kể chuyện và cho rằng đó là chuyện thứ nhất chứ. Không, chuyện thứ hai, vì có nhìều tình tiết liên quan chuyện thứ nhất nên xin phép kể trước. Còn chuyện thứ nhất là thế này, người kể từ tốn giải thích: cũng những chất thải đó, khi bắt đầu đi vào hoạt động, Công ty kể trên xin đổ một cách có kiểm soát ra biển, ra ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu. Hãy nhớ lại cách đây hơn ¼ thế kỷ, có người tiên phong đem tiền của đến nước ta, xây dựng hẳn 1 nhà máy tầm cỡ khu vực, với công nghệ hiện đại thì có đáng mừng không. Thế rồi người ta mua hẳn 1 con tàu hàng triệu đô la, lập trình khoa học phù hợp lượng thải, tốc độ tàu, kèm giám sát trực tiếp, xin phép chở ra tít ngoài biển xa để đổ. Có thông tin còn cho rằng, đâu đó trên thế giới, chất thải này cũng đã được xả ra biển và cũng có nhà khoa học trong nước tuyên bố: loại chất thải này còn có thể là thức ăn cho sinh vật biển. Người kể chuyện không nhớ là quyết định cho thử nghiệm đã được ban hành chưa, còn một “thượng đế” quả quyết là ban hành rồi, nhưng ngay lập tức bị thu hồi và việc đổ chất thải của đơn vị này ra biển đã không được phép thực hiện. Sự kiện này diễn ra cũng quyết liệt không kém câu chuyện ốc bươu vàng, có người đánh giá như vây. Người kể chuyện cho rằng có khi còn gay cấn hơn, vì quan niệm “chất thải không phải là thứ bỏ đi” áp dụng trong trường hợp này có vẻ cũng đúng: Ngày 9 tháng 6 năm 2015, tại buổi lễ mà các “thượng đế” nhìn thấy trên ảnh, Lễ Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2014, Phân hữu cơ khoáng dạng viên, đã được vinh danh. Sau đó, báo Sài gòn giải phóng ngày 27 tháng 1 năm 2019 đã đăng bài ca ngợi đơn vị này liên tiếp được vinh danh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, trông đó có đoạn viết:
... “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” là chương trình… nhằm ghi nhận sự đóng góp nổi trội của các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên cả nước.
Là một trong những doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, với thế mạnh công nghệ sinh học và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, các sản phẩm của Vedan Việt Nam từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành của nông dân Việt Nam trong công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững.Năm nay là lần thứ 4 sản phẩm phân hữu cơ khoáng Vedagro dạng viên được vinh danh tại chương trình. Vedagro là sản phẩm phân khoáng hữu cơ được lên men tự nhiên giúp cây trồng trực tiếp hấp thụ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và tính chịu đựng với các yếu tố khắc nghiệt bên ngoài”...
Mặc dù không biết loại phân được vinh danh này có phải loại cải tiến của phân Vedagro “nước” đã từng làm ồn ào dư luận hồi trước không, và thực ra câu chuyện cũng không gắn hẳn với Thị Vải, nhưng Người kể chuyện vẫn cho vấn đề chất thải này xứng đáng là chuyện lớn thứ nhất.
Lúc này cả quán nhộn hạo hẳn lên. Các nhóm hai, ba người túm tụm lại, sôi nổi trao đổi. Thời gian cứ trôi, giờ nghỉ trưa đã hết mà hình như không ai nhớ rằng còn chuyện lớn thứ ba về sông nhỏ Thị Vải chưa kể. Theo Hợp đồng, lỗi này do các thượng đế gây ra, nên Người kể chuyện lẳng lặng rời Quán. Các chuyện chưa kể hết sẽ được kể bù vào trưa khác.
Quán Cà phê MT, Trưa hè nóng bức 2019.