Ao làng đã lưu giữ trong tôi những kỉ niệm, kí ức vui có, buồn có. Nhưng cho dù vui hay buồn thì ao làng đã gắn bó với tôi cả một quãng đời tuổi ấu thơ.
Những trưa hè, trốn nhà để cùng chúng bạn ra ao tắm táp. Mẹ vác roi đi tìm, ra bờ ao thấy quần áo của con mình vứt đống ở trên bờ. Mẹ đứng trên bờ, rồi nói vọng xuống ao trong tiếng tì tùm, ủng oẳng của những bàn chân đang quẫy đạp trên nước mà rằng :
- Nhà có phúc con biết lội, nhà có tội con biết trèo!
Sao con không ngủ trưa mà trốn ra đây tắm táp, con không sợ chết đuối à?
Nhà tôi ở gần ao, gần sông Hồng, thủa chăn trâu cắt cỏ, tôi ra sức tập bơi mà vẫn chẳng biết bơi, nhà ở gần sông nước mà tôi lại không biết bơi thì thật là buồn! Cha tôi chặt đổ cả một thân cây chuối hột sau nhà to bằng cột đình, rồi thả xuống ao, nó nổi lên cho tôi bám vào thân cây để tập bơi, rồi tôi nghe lời chúng bạn bắt cả chuồn chuồn cho cắn vào rốn của mình mà rút cuộc tôi vẫn chẳng biết bơi. Nhiều lúc nghĩ vẩn nghĩ vơ, hay do mình là mạng Thổ (đất), Thổ ném xuống nước thì chỉ có mà chìm nghỉm, chẳng thấy tăm hơi. Theo các thầy Tử vi thường hay nói về số của tôi thì : Tôi dễ mắc nạn sông nước, mỗi khi có việc đi đâu tôi đều hết sức tránh những nơi sông sâu nước chảy xiết.
Ao làng như một định danh về vị trí cư trú của gia đình tôi, tôi đi đâu xa, ai hỏi về nơi sinh, tôi thường giải thích với họ rằng : Nhà tôi ở xóm Ao, thôn Phương Khê. Một cái tên nôm na, dân dã nhưng đã ăn sâu vào trí nhớ của mỗi người dân quê tôi. Ngay cả khi cúng khấn những người quá cố trong ngày giỗ, ngày Tết, trong bài khấn bao giờ ông nội tôi, cha tôi cũng nhắc tên địa danh xóm Ao như để định danh nơi về của tổ tiên!
Ao làng tôi còn có cả một kho chuyện dân gian kì bí. Mẹ tôi thường hay kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện, trong đó câu chuyện về đôi vịt vàng thường hay xuất hiện ở Ao làm tôi nhớ nhất. Mẹ tôi bảo có nhiều người nhìn thấy, và đã từng bắt đôi vịt ấy về, rồi nhốt chúng vào chiếc cối đá mà người ta thường hay giã gạo, rồi đậy chiếc mâm gỗ lên trên. Nhưng rồi, đôi vịt vàng ấy biến mất lúc nào mà chủ nhà không hay. Không biết đôi vịt vàng ấy bây giờ ở đâu, đã có ai bắt được chúng chưa, và chúng có là tài sản của riêng ai không? Đến giờ mải mưu sinh nơi đất khách quê người, câu chuyện ấy chỉ còn đọng lại trong kí ức tuổi thơ của tôi.
Ao làng tôi không rộng lắm, quanh bờ ao là những rặng tre, rặng ổi của người dân sống xung quanh, soi bóng xuống mặt ao làm cho khung cảnh thôn quê bớt đi sự tẻ nhạt, nó giống như những nét chấm phá, những mảng màu trên một bức tranh nơi thôn dã.
Ao làng tôi xưa kia có ba cầu ao lên xuống được xây bằng gạch nghiêng có nhiều bậc, ở đó tôi thấy dáng mẹ tôi rửa rau, giặt giũ... Còn tôi đã bao lần lên xuống cầu ao ấy, khi thì ngồi thả cần câu cá, khi thì ghánh nước tưới rau... Tất cả đều chìm vào trong kí ức tuổi thơ của tôi.
Bây giờ xa quê, tôi đã từng đi tắm ở bao nhiêu con sông, bao nhiêu bãi biển trên đất nước mình như bãi biển Trà Cổ đẹp bậc nhất ở vùng Đông Bắc của Việt Nam, bãi biển Cửa Lò sầm uất ở miền Trung, hay bãi biển mũi Nai, mũi Né ở miền Nam nước ta, điểm cuối cùng của Tổ quốc thân yêu, lòng tôi chợt nhớ về ao làng như lời bài ca dao xưa vang vọng lại:
Ta về ta tắm ao ta
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.
Nhưng ôi thôi, ao làng giờ không còn nữa, người ta đã cho lấp ao đi để xây nhà văn hóa thôn. Những hình ảnh thân thương như mặt ao trưa hè hàng tre rủ bóng, con trâu miệng nhai cỏ dưới lũy tre soi bóng mặt ao giờ không còn nữa. Những chiếc cầu giờ đã tan biến mất. Đứng trước khu ao xưa, tôi lại nhớ những vần thơ của cụ Tú Xương đã viết rằng:
“Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”.
Sự đổi thay của làng quê Việt Nam nói chung và làng tôi nói riêng đang dần làm tan biến đi nhiều nét đẹp văn hóa làng, trong đó hình ảnh ao làng một thời gắn bó với tôi và người dân quê tôi giờ chỉ còn trong kí ức tuổi thơ tôi một thời quá vãng!
Phùng Hoàng Anh (Theo Lao động)