quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Ảnh hưởng lễ hội và du lịch đến sinh trưởng và phát triển Xích Tùng Yên Tử

Thứ Tư, 04/05/2016 | 11:34:00 AM

(VACNE) - Ngày 27/4/2016 vừa qua, UBND thành phố Uông Bí, Quảng Ninh đã tổ chức Hội thảo "Chăm sóc, bảo tồn loài cây Xích Tùng tại Rừng Quốc gia Yên Tử - Quảng Ninh.

Hội thảo đã được sự hưởng ứng tích cực của các nhà khoa học và quản lý. GS. TS. Trần Văn Mão, Giám đốc Trung tâm MÔi trường và Phát triển lâm nghiệp bền vững, TS> Phạm Anh Tuấn, PGĐ Viện KIến trúc cảnh quan và nghệ thuật, Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Ban Quản lý Rừng Quốc gia Yên Tử, ... đều có báo cáo, tham luận tại Hội thảo.

Nội dung của Hội thảo cũng là vấn đề mà Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và VACNE rất quan tâm. VACNE giới thiệu báo cáo của KS. Lê Huy Cường, Trưởn ban Kỹ thuật của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam tại Hội thảo quan trọng này.

Đánh giá hoạt động lễ hội và du lịch ảnh hưởng đến sinh trưởng
và phát triển loài Xích tùng Yên tử

 

Ks. Lê Huy Cường

 

Đặt vấn đề

            Xích Tùng là một loài cây trồng trên vùng rừng núi Yên Tử, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, Xích Tùng đã được trồng từ thời Vua Trần Nhân Tông lên Yên Tử tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều giai đoạn xây dựng và phát triển, thậm chí có thời kỳ trở thành phế tích ở một vài khu vực Chùa - Am - Tháp.

            Ngày nay Yên Tử đang trở về với đúng giá trị lịch sử - văn hóa và đã trở thành một thắng cảnh văn hóa lịch sử thiên nhiên đặc sắc của quốc gia được nhà nước công nhận. Cùng với thời gian quần thể cây Xích Tùng Yên Tử cũng đã bước vào tuổi thành thục và quá thành thục.

            Hàng năm du khách trong nước đến Yên Tử chủ yếu là khách mộ đạo và một phần là khách du lịch, tuy nhiên lượng khách chỉ tập trung vào mùa lễ hội gây nên sự quá tải cho cơ sở hạ tầng. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu trong những nguyên nhân tác động ảnh hưởng đến hàng cây, quần thể cây Xích Tùng tại Yên Tử.

            Tìm hiểu đánh giá tác động của lễ hội và phát triển du lịch ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển Xích Tùng Yên Tử là yêu cầu cấp thiết để đề xuất những giải pháp nhằm bảo vệ và bảo tồn lâu dài quần thể Xích Tùng  Yên Tử.

 

1. Hiện trạng Xích Tùng tại Yên Tử

            Xích Tùng Yên Tử phân bố khá rộng từ độ cao 400m đến 700m, so với mặt nước biển. Cây ở độ cao thấp nhất là 327m Am Lò Rèn và cao nhất 748m ở trước cửa chùa Bảo Sái. Như vậy khẳng định Xích Tùng Yên Tử sinh trưởng và phát triển tương đương với đai cao sinh trưởng của cây Xích Tùng trong rừng tự nhiên.

            Do đặc điểm là cây trồng nên Xích Tùng Yên Tử tập trung ở hai dạng:

         1.1. Dọc tuyến đường đi bộ đến các chùa và di tích.

            - Đường bộ từ Am Lò Rèn, qua đường Tùng tới Tháp Hòn Ngọc, qua Tháp Tổ tới Chùa Hoa Yên, tổng cộng có 64 cây.

            - Đường bộ từ Chùa Hoa Yên đi Thác Vàng có 14 cây.

            - Đường bộ từ Chùa Hoa Yên đến Chùa Vân Tiêu và Chùa Bảo Sái có 20 cây.

            - Đường từ Chùa Hoa Yên qua Chùa Một Mái, Trạm cáp treo 3 lên Chùa Bảo Sái có 18 cây. Tổng số cây trên các đoạn đường là 116 cây.

        1.2. Tại các Am trong đó

            - Am Diêm                             : 31 cây

            - Am Hoa (Vườn Tùng)        : 81 cây

            - Am Dược                            : 5 cây

Tổng số cây tại các Am là 117 cây

            Như vậy phân bố Xích Tùng trên đường đi và tại các Am là bằng nhau. Đồng thời cũng cho chúng ta thấy cách trồng cây Xích Tùng của các đời Vua trước đây đều có mục đích rõ ràng.

2. Các hoạt động xây dựng, lễ hội và du lịch tại Yên Tử

2.1. Các hoạt động xây dựng

        2.1.1. Trùng tu chùa tháp

            Từ một khu phế tích nhiều năm bị lãng quên các ngôi Chùa và Tháp cổ dần được trùng tu và xây dựng lại.

            + Tháp Tổ - Mắt Rồng, xây dựng từ năm 1310, một năm sau khi vua Trần Nhân Tông mất , Tháp bị đổ và được xây dựng lại vào thời Lê. Gần đây được tu bổ lại.

            + Chùa Hoa Yên cũ to lớn bề thế đã bị phá hủy Chùa được xây dựng lại vào những năm 90 thế kỷ XX và được trùng tu lại năm 2002.

            + Chùa Vân Tiêu được xây dựng khi vua Trần Nhân Tông mất sau trở thành phế tích. Năm đầu thế kỷ XXI được trùng tu lớn.

            Việc xây dựng trùng tu Chùa – Tháp có liên quan ảnh hưởng đến hàng cây Xích Tùng Yên Tử.

       2.1.2. Mở đường lên các Chùa –Tháp

            + Đường bộ: Những năm cuối của thế kỷ XX, những du khách hành hương về vùng đất thiêng Yên Tử chỉ đi bằng đường bộ từ Chùa Giải Oan, qua Hoa Yên lên Chùa Đồng bằng con đường mòn xưa. Do lượng du khách ngày càng tăng nên từ những năm đầu thế kỷ XXI, Ban quản lý di tích Yên Tử (nay là Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử) đã cho tu bổ và làm mới đường đi bộ từ Chùa Giải Oan đến Chùa Hoa Yên và  các  điểm di tích với chiều dài 6158m.

            + Đường vận chuyển nguyên vật liệu

            Năm 2005 khi xây dựng đường cáp treo số 2 từ Hoa Yên lên An Kỳ Sinh, đã san ủi và mở đường ô tô để vận chuyển nguyên vật liệu lên xây dựng nhà ga cáp treo. Con đường này đã đi xuyên qua Vườn Tùng. Trong quá trình xây dựng đường và vận chuyển đã ảnh hưởng không nhỏ tới cây Xích Tùng.

         2.1.3. Đường cáp treo

            Đường cáp treo 1, hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2002, nâng cấp năm 2009.

            Đường cáp treo 2 đưa vào khai thác năm 2007 việc xây dựng 2 đường cáp treo đã giúp vận chuyển được phần lớn du khách đến Yên Tử. Theo thống kê của Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử và công ty Tùng Lâm thì số lượng khách đi cáp treo vào mùa lễ hội chiếm trên 70% tổng lượng khách đến Yên Tử.

         2.1.4. Xây dựng các công trình dịch vụ

            Trước đây do lượng du khách đi bộ lớn nên số lượng hàng quán dịch vụ nằm dọc theo các tuyến đường đi bộ khá nhiêu. Đại bộ phân hàng quán thường đặt dưới các gốc cây để tạo bóng mát trong đó có một số cây Xích Tùng. Những hàng quán này ít nhiều ảnh hưởng đến cây như đóng đinh căng lều bạt hay đổ rác thải quanh gốc cây…

            Những năm gần đây hệ thống cáp treo đã đón tiếp rất nhiều lượng khách cùng với việc xử lý quyết liệt của Ban quản lý di tích và Rừng Yên Tử,

            Công ty Tùng Lâm hàng quán đã giảm khá nhiều, tuy  nhiên vẫn còn vài hàng quán tồn tại và hậu quả vẫn còn để lại vết tích trên một số cây Xích Tùng.

2.2. Hoạt động du lịch

            Hàng năm cứ vào đầu tháng Giêng (Âm lịch) lễ hội Yên Tử bắt đầu và kéo dài trong 3 tháng (từ tháng 2 đến tháng 4 Dương lịch). Đây cũng là thời gian tập trung khách hành hương du lịch đông nhất của năm. Theo thống kê của Ban quản lý di tích, mùa lễ hội lượng du khách chiếm tới 90% cả năm, trong đó từ tháng 2-3 chiếm tới 80% trong mùa lễ hội. Khách du lịch tăng dần theo từng năm.

Lượng khách du lịch các năm

TT        Năm    Tổng lượng khách (người)  Khách quốc tế (người)         Tỷ lệ KQT/ khách 0/0

1          2006   380.000          1.700  0,44

2          2007   900.000          2.600  0,28

3          2008   1.800.000      3.900  0,21

4          2009   2.100.000      4.700  0,22

5          2010   2.100.000      5.600  0,26

6          2011   2.143.000      7.000  0,32

7          2012   2.185.000      15.000            0,68

8          2013   2.186.000      30.517            1,39

9          2014   1.900.000      -           -

10        2015   1.500.000      120.000          8,000

           

            Từ năm 2014 số lượng khách du lịch có xu hướng giảm, tuy nhiên lượng khách quốc tế có xu hướng tăng mạnh.

            Cũng theo thống kê của Ban quản lý di tích và Rừng quốc gia và Công ty Tùng Lâm, trong tổng số du khách đến Yên Tử thì trên 70% lượng khách đi bằng cáp treo, còn lại khoảng 30% chỉ là khách đến các điểm di tích bằng đường bộ.

3. Đánh giá những tác động ảnh hưởng đến quần thể cây Xích Tùng Yên Tử

3.1. Đánh giá chung

            Xích Tùng là loài cây mọc tự nhiên trên vùng núi thấp và núi cao trung bình. Xích Tùng phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh trên đất nước ta. Riêng đối với Xích Tùng Yên tử lại là cây trồng trong rừng tự nhiên từ cách đây 600 – 700 năm. Nguồn giống cây và phương thức trồng Xích Tùng tại Yên Tử chưa có một tài liệu khoa học nào nghiên cứu cụ thể và đánh giá một cách chính xác. Đây cũng là điều bí ẩn mà cha ông ta ngày xưa đã làm được.

            Xích Tùng Yên Tử đã được trồng qua nhiều năm, bắt đầu từ Vua Trần Nhân Tông và tiếp theo các triều đại vua sau này. Xích Tùng Yên Tử có nhiều lứa tuổi khác nhau thể hiện qua phân bố các cỡ kính khác nhau. Nhân tố tác động lên cây Xích Tùng có thể chia làm 3 nhóm :

- Tác động của thời gian: Tuổi cây càng cao cây sẽ bước vào tuổi thành thục và quá thành thục thể hiện qua các hiện tượng mục gốc, mục thân, mục cành. Đây là qui luật tự nhiên, các loài cây sẽ không thể tránh được và bị đào thải.

- Tác động của thiên nhiên: gió bão, lốc xoáy hoặc các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt nhiệt độ xuống thấp, tuyết, băng giá, hoặc như hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu. Những tác động của thiên nhiên là nhân tố khách quan cây không thể chống đỡ được.

- Tác động của con người: Vài chục năm trước đây khi Yên Tử còn hoang sơ nhiều Chùa Am trở thành phyế tích. Các cây Xích Tùng vẫn được phát triển trong điều kiện tự nhiên.

Từ đầu năm 2000 đến nay là thời kỳ khôi phục, phát triển Yên Tử với nhiều công trình được trùng tu tôn tạo, đường bộ mở mang đến tất cả các điểm di tích, du lịch ngày càng phát triển. Đây cũng là thời điểm cây Xích Tùng bị tác động mạnh nhất.

3.2. Đánh giá tác động của con người

            - Làm đường đi bộ: san nền lát đá, xây kè quá trình này cắt đứt một phần hệ rễ của cây, phần lớn cây ở đất dốc làm cây có xu hướng ngả về phía dốc. Bằng mắt thường chúng ta cũng nhìn thấy cây nghiêng trên đường vào Thác Vàng.

- Thân cây bị vạc vào một phần vỏ, có cây tới tận gỗ tạo nên các vết thương. Đối với cây lá kim vết thương này lâu lành, là điều kiện để các loại sâu, mọt xâm nhập vào cây. Qua thời gian nắng, mưa, độ ẩm cao làm thân cây nhanh chóng bị mục. Vì sao cây bị vạc vào thân? Đây là câu hỏi chưa có lời giải đáp. Một số ý kiến nghi ngờ cho rằng có thể vỏ và gỗ Xích Tùng là một vị trong thang thuốc Nam, một số lại cho rằng do sùng đạo nên lấy vỏ, gỗ Xích Tùng về đặt lên bàn thờ Phật và tạo hương thơ, ý kiến khác lại cho rằng các nhóm thanh niên khi du lịch vãn cảnh Yên tử đã vạc vào phần gỗ của cây để viết hay khắc chữ lưu niệm. Tất cả chỉ là nghi vấn cần có giải đáp và có những  biện pháp tuyên truyền giáo dục để bảo vệ Xích Tùng. Chúng ta có thể so sánh giữa các cây nằm bên các con đường đi bộ với các cây ở các Am Diêm, Am Dược, Am Hoa. Trong khi các cây ven đường đi bộ hầu như 100% bị mục gốc, mục thân do tác động của con người thì cây ở các Am tỷ lệ này chiếm rất nhỏ, và ngay phần nhỏ đó nguyên nhân cũng do con người tác động khi mở con đường vận chuyển nguyên vật liệu.

            - Hệ rễ cây bị tổn thương: lát đá, kè đường bê tông hóa quanh gốc cây làm giảm khả năng thở và dinh dưỡng của rễ. Trên đường Tùng và vài tuyến đường khác, do quá trình rửa trôi bào mòn rễ cây trồi lên khỏi mặt đất. Qua nhiều năm đi lại của du khách rễ cây đã bị bào mòn nhẵn bóng, khả năng dinh dưỡng của cây kém, sức đề kháng của cây giảm cũng là nguyên nhân để sâu bệnh và mục xâm nhập.

            - Một nguyên nhân chủ quan nữa là trong nhiều năm qua Quần thể Cây Xích Tùng Yên Tử chưa được quan tâm chăm sóc chu đáo cẩn thận.

            Trước tiên chúng ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ đánh giá ý nghĩa và giá trị lịch sử, khoa học quần thể cây Xích Tùng Yên Tử. Xích Tùng Yên Tử là cây trồng,  truyền thống của dân tộc Việt ngày xưa cũng như ngày nay: Khi xây dựng hoàn thành các công trình Đình – Đền – Chùa bao giờ cũng trồng các hàng cây xung quanh. Hiện nay chúng ta chỉ công nhận Đình – Đền – Chùa là các di sản lịch sử văn hóa cấp Quốc gia hay địa phương  nhưng chưa bao giờ công nhận những cây cổ thụ, đại thụ gắn liền với các  Đình – Đền – Chùa là di sản văn hóa lịch sử. Bản thân cây Xích Tùng Yên Tử cũng là sản phẩm cha ông ta gây trồng từ thời Vua Trần Nhân Tông, gắn liền với các di tích Yên Tử và sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm. Đây cũng là di tích vật thể sống ghi nhận sự tồn tại của các công trình văn hóa lịch sử  (Có một lần năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 700 năm chiến thắng Bạch Đằng. Bộ Văn hóa bấy giờ cũng đã có quyết định hai cây Lim Giếng rừng ở Quảng Yên là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nhưng đây lại là điều nhầm lẫn đáng tiếc không thể chấp nhận được).

            Thứ hai, Xích Tùng Yên Tử là vật thể sống, cây cần được chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại, phòng chống mọi tác động từ bên ngoài. Bởi vì nếu cây chết phải mất rất nhiều thời gian mới tái tạo lại được.

            Từ những kết quả khảo sát, chúng ta có thể kết luận:

- Sự tổn thương của Quần thể Xích Tùng Yên Tử hôm nay, tác động của con người chiếm tỷ lệ lớn 70%. Tác động của con người cũng là tiền đề để sâu, bệnh, mối mọt và bệnh mục xâm nhập vào cây.

- Phần còn lại 30% là do thời gian tuổi cây đã cao và các yếu tố tác động của thiên nhiên.

Trong quá trình khảo sát nhóm chuyên gia đã đề xuất những giải pháp bảo vệ và chăm sóc cho từng cây, để duy trì sự tồn tại của cây.

Nhưng có một nội dung cần phải được nghiên cứu đó là bón phân cho cây Xích Tùng.

Phần lớn Xích Tùng Yên Tử đã ở tuổi cao trong khi đất lại nghèo dinh dưỡng do đó cần có sự nghiên cứu để đưa ra chế độ bón phân cho Xích Tùng. Đồng thời cũng là một trong các giải pháp tăng sức khỏe cho cây, tăng sức đề kháng cho cây.

Lễ hội Yên Tử hàng năm và sự phát triển du lịch là những vấn đề không thể tránh khỏi. Trước đây khi khôi phục trùng tu các di tích Yên Tử chúng ta ít quan tâm đến quần thể cây Xích Tùng . Ngày nay vấn đề bảo vệ, bảo tồn quần thể Xích Tùng Yên Tử phải trở thành một trong những nội dung quan trọng trong quá trình trùng tu các di tích Yên Tử, Rừng Quốc gia Yên Tử để vùng đất thiêng này trở thành trung tâm văn hóa , Phật giáo và du lịch của cả nước và quốc tế./.

 

 

 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Danh sách các loài thực vật Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu tài nguyên và Môi trường – Đại học quốc gia Hà Nội (Tập I – trang 1162)  NXB Nông nghiệp

2. Dự án đầu tư xây dựng Rừng quốc gia Yên Tử (2010) Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ.

3. Danh Sơn Yên Tử - Thiền phái Trúc Lâm (2012) – Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên tử - NXB Giáo dục Việt Nam (2012)

4. Yên Tử Non Thiêng (2008) – Trung tâm quản lý di tích – Danh thắng Yên Tử -  Năm 2008.

5. Đề án mở rộng và phát triển khu di tích danh thắng Yên Tử - Nhóm bảo vệ cảnh quan Môi trường –Viện Kiến trúc quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ xây dựng.

6. Đề án mở rộng và phát triển khu di tích lịch sử danh thắng Yên Tử - Bảo tồn tôn tạo các công trình Chùa, Am, Tháp. Viện kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn – Bộ xây dựng.

7. Thuyết minh đề án mở rộng và phát triển khu di tích danh thắng Yên Tử - Quy hoạch chung xây dựng. Viện kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ XD.

8. Đề án mở rộng và phát triển khu di tích danh thắng Yên Tử - Phần tổng hợp – Bộ xây dựng.

9. Nghiên cứu tăng trưởng rừng tự nhiên lá rộng thường xanh đã qua tác động (2005) – Đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Quản lý Tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai – TS. Đỗ Xuân Lân.

10. Tên cây rừng Việt Nam (2000) Vụ khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm - Bộ Nông nghiệp và PTNT. NXB Nông nghiệp (2000).

11. Một số loài cây bị đe dọa ở Việt Nam (1999) Viện khoa học Nông nghiệp – Nguyễn Hoàng Nghĩa – NXB Nông nghiệp (1999)



 


 

Lượt xem: 2155

Các tin khác

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 3/2024

(10/04/2024 07:46:PM)

Bốn đơn vị được Hội BVTN&MT Việt Nam tặng Bằng khen “ Vì Môi trường Xanh quốc gia năm 2024”

(10/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn về: “Rủi ro đối với môi trường và sức khỏe từ hoạt động của đốt lộ thiên” tại khu vực phía Nam

(10/04/2024 02:07:PM)

Triển khai Chương trình “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(09/04/2024 05:06:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE