quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Âm thanh sắc màu Tết cổ truyền

Chủ Nhật, 29/01/2017 | 07:38:00 AM

Giao thừa năm Đinh Dậu 2017, Hà Nội và nhiều thành phố trong cả nước không tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới để tiết kiệm tiền chăm lo cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ. Thay vào đó là nhiều hoạt động văn hóa truyền thống có ý nghĩa được tổ chức, tạo các điểm nhấn cho nhân dân Thủ đô và du khách đón xuân.

Trong thời khắc giao thừa, các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội trang hoàng đẹp đẽ sẽ mở cửa đón khách. Các đình, chùa thỉnh chuông, đánh trống đánh dấu thời khắc chuyển giao năm mới. Tại các điểm ở trung tâm Thủ đô và các quận, huyện, thị xã sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật; trong đó có bốn chương trình lớn được tổ chức tại Vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình, trung tâm quận Hà Đông và trung tâm thị xã Sơn Tây.
 

Chợ hoa Hàng Lược (Hà Nội). Ảnh: MINH ĐỨC
 

Khu vực phố cổ Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa đón Tết, bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa. Tại Đình Kim Ngân, Ban quản lý phố cổ Hà Nội giới thiệu ba dòng tranh dân gian: Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), đồng thời trang trí, sắp đặt các không gian Tết truyền thống. Trong Ngôi nhà Di sản 82-87 Mã Mây giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội gốc và khung cảnh Tết xưa ở Hà Nội... Bên cạnh đó, tại các điểm di sản còn tổ chức biểu diễn âm nhạc truyền thống, trình diễn thư pháp vẽ tranh Tết dân gian... Các hoạt động tại khu phố cổ diễn ra đến ngày 12-2 (16 tháng Giêng, Đinh Dậu). Tại Hoàng thành Thăng Long từ ngày 20-1 đến ngày 28-2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm văn hóa truyền thống như: tranh Tết truyền thống Việt Nam; triều phục Việt Nam (giới thiệu 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua nhà Nguyễn); ảnh di sản Việt Nam (100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam)...
 

Trong thời gian đón Tết, vui Xuân, trong khuôn viên khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 với nhiều hoạt động hấp dẫn, trong đó nổi bật là triển lãm thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” và hoạt động viết chữ đầu Xuân. Triển lãm thư pháp năm nay giới thiệu gần 30 tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ, được tuyển chọn từ hơn 70 tác phẩm thuộc hàng chục Câu lạc bộ Thư pháp đang sinh hoạt tại Thủ đô. Trong khuôn khổ Hội chữ, Ban tổ chức còn dành khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như: gốm sứ, dệt, thêu, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng; khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết”... Các hoạt động của Hội chữ sẽ diễn ra đến ngày 11-2 (Rằm tháng Giêng, Đinh Dậu). Cũng trong dịp đầu Xuân, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại đây với chủ đề “60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, tổ chức vào ngày 11-2 (Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu) với hai sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ. Trong đó, sân thơ truyền thống sẽ có những cuộc giao lưu theo từng nhóm tác giả tiêu biểu của các thế hệ nhà thơ và các tác giả đoạt giải thưởng. Tại sân thơ trẻ sẽ có “Góc thơ tuổi 20” giới thiệu chân dung và sáng tác của những nhà thơ thành danh lúc còn trẻ. Một điểm nhấn và là nét mới của Ngày thơ Việt Nam năm nay là chương trình “Con đường thi nhân” giới thiệu chân dung các nhà thơ tiêu biểu thuộc các thế hệ nhà thơ Việt Nam hiện đại.

 

Nhóm nghệ sĩ của Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam biểu diễn hát văn tại không gian nghệ thuật phố đi bộ. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Trong những ngày này, không khí đón Xuân vùng cao Tây Bắc sẽ đến với nhân dân Thủ đô và du khách với chương trình “Vui xuân Đinh Dậu 2017 - Sắc thái văn hóa Sơn La” được tổ chức vào ngày 4 và 5-2 (mồng tám và chín Tết) tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Tham dự chương trình, du khách được tìm hiểu những hoạt động văn hóa, lễ hội vui xuân của vùng Tây Bắc qua các hoạt động của người Thái, Mông, Khơ Mú... cùng các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh đu, chơi “rồng ấp trứng”, ném pao, vặt gậy, tung còn, nhảy bao bố... cùng nhiều hoạt động truyền thống trong dịp Tết như viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa tứ linh, múa sạp, nặn tò he... Tại khu nhà ẩm thực dân tộc Thái, các nghệ nhân sẽ giới thiệu nét đẹp của nghệ thuật ẩm thực truyền thống với các món đặc sản vùng cao như thịt băm gói lá, chẩm chéo, lạp xưởng, cá, gà nước, xôi ngũ sắc, cơm lam, rượu táo mèo, thịt trâu, lợn gác bếp... Cùng thời gian, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017. Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: chương trình nghệ thuật Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân; tái hiện các lễ hội truyền thống, trò chơi, thi đấu thể thao dân gian các dân tộc...
 

Từ ngày 30-1 (mồng ba Tết) đến 5-2 (mồng chín Tết), “Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017” được khai trương tại phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ, bao gồm 25 gian hàng trưng bày với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, công ty sách được bạn đọc quan tâm như các nhà xuất bản: Văn học, Kim Đồng, Phụ Nữ, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam... Phố sách còn có gian trưng bày, giới thiệu báo Tết, báo Xuân của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội cùng không gian giới thiệu nghệ thuật thư pháp.
 

Cận kề ngoại thành Hà Nội, tại Khu đô thị mới Ecopark (Hưng Yên), một lễ hội hoa lớn đầy hấp dẫn được tổ chức trải dài trên diện tích rộng với sáu con đường, mỗi con đường mang một chủ đề riêng, trong đó: con đường cổ tích tái hiện các câu chuyện cổ tích trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam; con đường di sản tái hiện hình ảnh đặc trưng các di sản ở ba miền đất nước. Thật ý nghĩa biết bao giữa những tòa nhà cao tầng kiến trúc hiện đại với những con đường thảm nhựa thênh thang, chúng ta được đi qua khung cảnh của Tết cổ truyền thể hiện một cách sống động ở khắp nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Thảo Nguyên (theo Nhandan)

Lượt xem: 1363

Các tin khác

NGƯỜI THANH LỊCH

(15/04/2024 09:45:PM)

Cây Nghiến Di sản Lâm Bình

(08/04/2024 11:42:AM)

TÂM THƯ TƯ BẢN

(01/04/2024 11:09:AM)

CÂY KƠ NIA TRÊN ĐẤT TỔ

(30/03/2024 10:36:PM)

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE