Biết đâu mấy trăm nghìn/lạng tóc lại có thể dụ dỗ chủ sở hữu đồng ý để cái kéo của anh buôn cắt xoẹt đi mái tóc trong chạng vạng khói chiều. Và biết đâu đấy, người ta bán tóc vì nhẩm tính món tiền đem về có thể cứu bần giải khó cho gia đình trong mùa giáp hạt, trong mất mát thiên tai, trong vụn vỡ của số phận. Không thương xót tóc. Chỉ thấy đắt hơn lúa khoai ngoài đồng là bán, xem đó là giá hời. Có điều gì đó đáng phải xót xa, báo động gần giống với sự xuẩn ngốc của một số cơ thể sống đi bán nội tạng. Làng mất đi những mái tóc dài lộng lẫy.
Cái loa! Một góc chợ, buôn tóc đang phóng thanh một lời rao. Phiên chợ đông, phụ nữ đông. Một người mua, nhiều kẻ bán. Mái tóc là một món hàng có pha chút mặc cả vì chất lượng tốt/xấu, màu sắc đen/bạc, thước đo dài/ngắn. Người bán vá víu thêm túi tiền buổi chợ. Người mua hỉ hả vì thu gom lẹ cho chuyến hàng sắp sửa xuất kho. Làng mất đi thứ hương hoa bưởi, chanh, bồ kết quanh quẩn trên mái tóc dài.
Khi mẹ tôi rục rịch để cái kéo lên đầu để xén tóc, cha tôi đã hấp hởi chạy về can ngăn. Nghĩa tình chồng vợ đã khiến mẹ tôi rơi nước mắt, quấn gọn mái tóc đen mượt lên đầu. Em trai tôi chứng kiến cảnh tượng đó, hỏi tôi một câu: "Đố chị biết, ai trong làng mình bán tóc mà không bị can ngăn?". Tôi lững thững không tìm ra câu trả lời. Nó chỉ tay về phía ngọn đồi nằm rìa làng, ở đó có một người đàn bà không chồng, đang nuôi mẹ già và hai đứa con thơ. Hóa ra cái chỉ tay của em tôi là một giải pháp để giữ tóc dài nguyên dạng, để cho tóc dài bạc trên một mái đầu đến mai sau.
Có một vị giáo sư khả kính, uyên thâm văn hóa người Việt đã bộc bạch: "Tôi thấy tiếc khi nghe nhiều phụ nữ Việt Nam bán tóc. Tôi thích phụ nữ tóc dài". Cớ sao ông tiếc? Phải chăng là ông đã định vị được nét hồng nhan của phụ nữ xứ mình là mái tóc dài- ít nhất là thế!
Mua tận gốc, bán tận ngọn là một điều có thật trong những chuyến hàng buôn tóc. Trôi nổi không biết bao nhiêu tấn tóc của phụ nữ Việt trong các thẩm mỹ viện ngoại quốc. Tóc của người này lại mọc tiếp trên đầu của người kia. Công nghệ thẩm mỹ đã chiều lòng các thượng đế để theo đuổi các thời trang tóc giả. Có điều gì đó lệch lạc đi liền với thói thích thời thượng của con người hiện nay.
Không ai ngăn sông cấm chợ, mua bán sợi tóc xét ở góc độ có cầu thì có cung. Thẩm mỹ viện là nơi đặc quánh nhu cầu làm đẹp tóc tai của phái nữ giàu sang. Nông thôn và người nghèo là nơi cung cấp nhiệt tình đến cạn kiệt cho nhu cầu ấy. Mỗi sợi tóc phiêu dạt là một niềm tủi phận của người bán. Làng có những suy tư nặng niềm xót xa.
Tuổi đôi mươi của cô gái ấy có một cuộc tiễn đưa ngay trên mái đầu của mình. Những sợi tóc đen ngây ngất trên giảng đường đại học ngày nào bỗng dưng chuyển bạc trắng, rồi rụng sạch vì tác dụng phụ của thuốc đặc trị dùng trong hàng năm trời để khỏi bệnh. Hoảng hốt, bi quan và xấu xí. Một ngày may mắn, cô thấy sợi tóc đầu tiên xanh lại sau bao nhiêu chăm chút hiền lành bằng liệu pháp thiên nhiên. Tôi biết đó là mái tóc đẹp của một can đảm sống băng mình qua những khắc nghiệt của cuộc đời. Tôi biết người con gái đó trân quý tóc như một báu vật.
Tóc là một phần linh hồn của sự sống bình yên, khỏe mạnh và tự nhiên. Những ai đã trải qua kiếp nạn mà hồi sinh mái tóc thì mới thấm thía như thế nào là đắng đót lẫn vào hạnh phúc. Trong bao dâu bể của đời người, tóc như là một sinh mệnh.
Đừng tiếp tục tái diễn cảnh một phụ nữ đi cắt xoẹt hàng ngàn mái tóc của phụ nữ khác với chiếc cân đĩa, túi tiền buôn và một lời rao. Có điều gì đó thậm xưng thành một nỗi đau nữ giới trong các miền quê nghèo, bắt đầu từ sợi tóc.
(Tuần VN)