(VACNE) - Người Cơ Tu ở Tây Giang xem tiêu rừng (a mót) là loại gia vị số một, Ai đến Tây Giang mà không thử qua loại gia vị này là một thiệt thòi.
Dr. Caxay VACNE
Tiêu rừng tiếng Cơ tu gọi là amót, chuyên dùng làm gia vị hay thức chấm cho các món thịt cá chiên, xào, luộc, hấp,.. và đặc biệt là các món thịt hay cá nướng. Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào thì món ăn có mùi thơm riêng ngay, và khử đi những mùi tanh ban đầu. Tiêu rừng không cay bằng ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại giống như mùi lá chanh quyện xả, thoang thoảng mùi lá bưởi và nồng nàn như vỏ quýt, làm cho nó có sức hấp dẫn kỳ lạ.
Trái tiêu rừng mang về phơi hoặc xông trên giàn bếp cho khô rồi trữ vào trong vỏ trái bầu hoặc ống nứa khô, có nắp đậy kín, để trên gác bếp. Khác với hồ tiêu, tiêu rừng không phải loài dây leo mà là cây thân gỗ, không mọc thành cụm mà mọc rất thưa và tận trong rừng sâu, có chiều cao khoảng 10 - 15 m, đường kính lớn nhất khoảng 10 - 15 cm. Lá tiêu rừng nhỏ, thân cây xanh trơn. Sau từ 2 đến 3 năm, cây cho trái vào khoảng tháng 9, 10. Trái tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh. Hàng năm, mỗi cây tiêu rừng cho 8 - 12 kg hạt. Thân cây cũng có mùi thơm như trái, vì vậy mà nhiều người dân còn lột vỏ cây làm gia vị khi trong nhà hết trái tiêu khô dự trữ. Tiêu rừng thơm nhất là ở các xã Lăng, A Xan, Chơm, Tr’Hy và Ga Ri (huyện Trây Giang) trên dỉnh Trường Sơn.