quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

30 giờ thăm lại Huế: Cảm nhận hoài niệm và đổi thay (2)

Thứ Tư, 28/08/2019 | 07:22:33 AM

(vacne) - Hương Giang không chỉ là nguồn nước cấp dồi dào cho Thừa Thiên – Huế mà còn là trái tim của văn hóa và tâm hồn Huế: các công trình di sản vật thể, đô thị Huế đều nằm ven sông và thơ ca hò Huế phần lớn lấy cảm xúc từ dòng Hương này.

 3.  Xuôi theo dòng Hương Giang


Hương Giang không chỉ là nguồn nước cấp dồi dào cho Thừa Thiên – Huế mà còn là trái tim của văn hóa và tâm hồn Huế: các công trình di sản vật thể, đô thị Huế đều nằm ven sông và thơ ca hò Huế phần lớn lấy cảm xúc từ dòng Hương này. “Tiếng hát sao mà nghe nhớ thương, mái nhì man mác nước sông Hương (Tố Hữu); “Nếu không có dòng Hương thuyền em qua Bạch Hổ; Xuôi Trường Tiền còn đâu nữa Huế thơ” (Huỳnh Minh Nhật). Sau khi hợp lưu Tả Trạch và Hữu Trạch tại Bằng Lăng cách trung tâm Huế trên 20km dòng sông lững lờ trôi qua thành Huế, chảy về Tam Giang. Dọc bờ sông là các công trình di sản Thế giới: các lăng vua Nguyễn: Minh Mạng, Đồng Khánh, Tự Đức; tiếp đến là chùa Thiên Mụ ở Hương Long. Thêm 5 – 6 km qua Kim Long, cầu Dã Viên, về xuôi là Kinh thành và khu nội thành Huế. Đi tiếp vài cây số nữa là Đập Đá, Vĩ Dạ, Cồn Hến nổi tiếng lãng mạn trong thơ, ngoài đời. Thêm 20 km nữa xuyên qua huyện Phú Vang là đầm phá Tam Giang, cuối cùng là biển Thuận An.


Hương Giang ở đoạn nào cũng êm đềm, đầy nước và nên thơ. Ảnh dưới, bên trái: Sông Hương ở Thủy Biều trong xanh như ngọc: “Có một Huế mờ sương trong kỷ niệm; nước sông Hương xanh tận đáy chân trời” (Tuyết Trang).


Ảnh dưới, Bên phải
: Sông Hương ở Kim Long: “Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn; chèo qua Ngọc Trản đến vạn Kim Long; Sương sa, gió thổi lạnh lùng; Sóng xao trăng lặn chạnh lòng nhớ thương”(ca dao)

 

 


Bên trái
: Bên trong Chùa Thiên Mụ (Linh Mụ): “Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Linh Mụ, canh gà Thọ Xương” (ca dao). Thọ Xương là đâu? Khác với các chùa mới quá “hoành tráng” và ồn ào ở Bắc, Thiên Mụ (và nhiều công trình Phật giáo ở Huế) là nơi hấp dẫn khách quốc tế: khi tôi đến đây có hàng trăm người, chủ yếu từ châu Âu, thành kính chiêm ngưỡng. Huế dù đô thị hóa nhưng vẫn cố giữ lại các nhà vườn đặc trưng sinh cảnh và lối sống người Huế xưa.  Bên phải: Nhà vườn An Viên gần Thiên Mụ - đang bị kinh doanh: vé vào cửa 30K (Công ty CP Silk Path). Năm 1993 tôi đã được anh Tố - PGĐ Sở KH&CN đưa đi thăm nhiều nhà vườn chưa làm dịch vụ, còn chân chất đúng với làng quê Huế xưa.


Xuôi khoảng 5 km nữa là đến Kinh thành Huế: Ảnh dưới, bên trái: Cuối đoạn thành bao Hoàng Thành, nơi giáp khu dân cư phía Tây: có bốt châu mai kiên cố, không rõ từ thời Pháp hay Mỹ? Ảnh dưới, Bên phải: “Phu Văn Lâu – Lầu văn chương; Tiếng thơ say cả Hương Giang bao đời” (Phạm Quang Thu).

 


5 lần đến Huế tôi đều trân trọng thăm Ngọ Môn, Cột Cờ và các công trình trong Đại Nội. Tưởng tượng cảnh cung đình triều Nguyễn. Khâm phục kiến trúc và ngạc nhiên, vui mừng vì dù trải qua chiến tranh, nhất là Tổng tiến công năm 1968 Huế là trận chiến khốc liệt, hàng ngàn người chết, vậy mà kinh thành, các lăng tẩm, chùa chiền hầu như vẫn nguyên vẹn. Nếu thành Huế cũng là chiến địa như thành cổ Quảng Trị chỉ cách đó 70 km về phía Bắc thì còn đâu các công trình cung đình vô giá và các đường phố, toà nhà thời thuộc địa có giá trị lịch sử và kiến trúc. Ảnh dưới, bên trái: “Ngọ Môn năm cửa chín lầu” (sao tôi không thấy 9 lầu?); Ảnh dưới, bên phải: “Cột cờ ba bậc”, Phu Văn Lâu hai tầng” (ca dao).

 


Vé vào Đại Nội: 140K, người có công, lão niên, trẻ em dưới 6 tuổi: chỉ 70K. Rất đáng giá để thăm mấy chục công trình cổ. Tây rất đông nhưng yên lặng, từ tốn, không ồn ào, mất trật tự như khách Việt và Trung Quốc (Rất mừng cho Huế: khác với Đà Nẵng, Hạ Long rất đông khách Trung Quốc, Nha Trang rất đông khách Nga, Trung ở Huế rât hiếm khách Trung, Nga ồn ào mà chủ yếu là khách châu Âu, Nhật, Hàn,…có lẽ đến Huế là tìm hiểu văn hóa chứ không phải ăn uống, tắm biển nên khách Trung, Nga ít nhu cầu).

  

Đại Nội im lìm khép kín thâm cung, Người hôm nay tìm hôm qua để sống; Mặt trời Ngọ Môn đã từ lâu tắt ngấm; Ta khoác long bào hoài niệm buổi chầu xưa” (Huỳnh Văn Dung). Tôi phát hiện ngày nay nhiều công trình trong Đại Nội mới được trùng tu hoặc tân trang (bên phải).

 


Bên trái
: Bờ Nam sông Hương là trung tâm hành chính với nhiều đường phố rộng, hàng cây xanh và nhiều công trình thời thuộc địa tuyệt đẹp trường tồn theo năm tháng. Nhưng này nay ngay trung tâm đã xuất hiện khá nhiều nhà cao tầng, nổi bật nhất là tòa tháp Vincom nghễu nghện. Có người bảo Vincom làm hiện đại hóa đô thị nhưng không ít người rất sợ Vincom đang và sẽ làm biến dạng kiến trúc đặc trưng của các trung tâm đô thị Việt Nam (không hiểu sao Vin chiếm được mấy chục ha đất cả Ba Son nổi tiếng truyền thống lẫn Tân Cảng hải quân; mấy chục tòa trên 40 tầng của họ mới xây nổi hẳn bên khu đô thị cũ, che cả sông Sài Gòn ở trung tâm TP HCM là minh chứng điển hình). Mong người Huế tham khảo người Hội An (cùng là Di sản Thế giới): không cho quy hoạch các công trình cao tầng trong khu phố cũ. Bên phải: thuyền rồng trên sông Hương, xa xa là cầu Phú Xuân.


Dù mong đô thị này phát triển nhanh nhưng vẫn rất muốn sẽ còn lưu cảm nhận “Hương Giang buồn quạnh hiu nỗi nhớ; Giọng hò quen Huế mộng ngày xưa” (Đường Hải). Huế mà nhộn nhịp, ồn ào, ô nhiễm  như  các thành phố X,Y, Z... thì dân có thể có thu nhập cao hơn nhưng sẽ giảm sự tự hào về vùng văn hóa truyền thống nhiều đời này.

 


Trải dài theo 2 bờ sông Hương ở trung tâm Huế là các giải công viên cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, vườn tượng tuyệt đẹp, có lẽ không có thành phố nào nước ta có 2 bờ sông đẹp và yên tĩnh như vậy. Tôi nhìn thấy vài nhóm Tây trẻ tuổi bình thản hóng mát, chơi bài, tán chuyện bên bờ Hương Giang gần cầu Phú Xuân (bên trái). Thật thanh bình!

  


Xuôi gần 2 km n
ữa là đến cầu Trường Tiền  “Trường Tiền nay cũng buồn lỗi nhịp; Áo ai bay thơ thẩn mãi tìm;Điệu nam buồn héo hắt con tim; Giọng ngân dài khi chìm khi nổi” (Đường Hải). Ảnh bên phải: lấy từ Google.


Thuyền qua Đông Ba, thuyền qua Đập Đá; Thuyền về Vỹ Dạ đến Ngã ba Sềnh; Là đà bóng ngã trăng chênh; Giọng hò xa vọng nhắn tình nước non” (ca dao). Ảnh dưới, bên trái: chợ Đông Ba nổi tiếng, “thương hiệu” lâu năm của Huế.

 

 Bên phải: Đập Đá là đây! Còn Ngã ba Sềnh ở đâu: tôi chưa kịp hỏi.

 


Bên trái:
Đây là “Cồn Hến nằm, bên nớ nhớ bên ni”. Không rõ bây chừ còn vạn đò vét hến để làm món cơm hến – đặc sản xứ Huế?  Bên phải: Vĩ Dạ ngày nay đã đô thị hóa, nhà 3-6 tầng san sát. Chợt nhớ thơ Hàn Mặc Tử sao lưu luyến, day dứt: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ; Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên; Vườn ai mướt quá xanh như ngọc; Lá trúc che ngang mặt chữ điền; Gió theo lối gió mây đường mây; Dòng nước buồn thiu hoa bắp bay; Thuyền ai đậu bến sông trăng đó; Có chở trăng về kịp tối naymà nay vườn chỉ còn vài mảnh, đâu còn thấy cau, trúc; và bến sông trăng đã có màu nước không còn trong xanh như đoạn từ Trường Tiền về thượng lưu vì sông Hương qua trung tâm thành phố tiếp nhận nước thải đưa về Vĩ Dạ.



(Còn tiếp)

Lượt xem: 1666

Các tin khác

THƠ … SẠCH XANH

(21/03/2024 11:51:PM)

PHÙ HỘ

(20/03/2024 03:27:PM)

THI ... ĐUA

(17/03/2024 05:43:AM)

“Khúc nhạc” của rừng

(15/03/2024 06:17:AM)

THỜI SỰ

(10/03/2024 11:43:PM)

QUÀ XANH

(09/03/2024 05:16:PM)

NÂNG TẦM KHÁT VỌNG

(07/03/2024 09:24:AM)

AI SAY CỨ VỀ

(04/03/2024 10:37:AM)

Mỗi kỷ niệm - một niềm vui

(01/03/2024 10:32:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE