Giới thiệu: Để ghi nhận những thành công trong năm 2004 của Hội, Văn phòng Hội đã đưa ra các tiêu chí lựa chọn sự kiện trong năm. Có 27 sự kiện được các hội thành viên đề xuất. Trên 30 đơn vị đã gửi phiếu bình chọn, theo đó, Hội đã chọn được 10 sự kiện tiêu biểu nhất của năm 2004. Đây là những hoạt động hoặc là liên quan đến nhiều đơn vị thành viên và hội viên, và/hoặc là rất có ý nghĩa về mặt môi trường và xã hội.
1. Biên soạn và phát hành rộng khắp tài liệu “Việt Nam: Môi trường và cuộc sống”
· Nhiều năm qua, theo đơn đặt hàng của các cơ quan ở Trung ương và địa phương, các đơn vị và nhiều thành viên của Hội đã tham gia soạn thảo nhiều dạng báo cáo hiện trạng môi trường. Nhưng việc đánh giá tình hình môi trường nhìn từ góc độ của cộng đồng chưa từng được thực hiện. Với sự tài trợ của Tổ chức phát triển quốc tế của Thụy Điển (Sida), Hội đã tập hợp đội ngũ chuyên gia đầu ngành và huy động nhiều đơn vị trong Hội tham gia biên soạn báo cáo theo hướng này. Nhiều đợt khảo sát, điều tra, nhiều hội thảo và hàng loạt cuộc họp của các nhóm công tác đã tạo ra không khí sinh hoạt học thuật sôi nổi lành mạnh trong Hội. Kinh nghiệm của Trung tâm nghiên cứu môi trường (CES), một tổ chức phi chính phủ rất mạnh của ?n Độ cũng được Hội áp dụng trong quá trình biên soạn tài liệu “Việt Nam: Môi trường và Cuộc sống” như một dạng báo cáo hiện trạng môi trường nhìn từ góc độ cộng đồng.
· Về mặt học thuật, tài liệu “Việt Nam: Môi trường và Cuộc sống” là một công trình khoa học nghiêm túc, bao gồm:
- Sản phẩm chính 370 trang
- Bản tóm tắt gồm 92 trang (tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh)
- Bản phổ cập cộng đồng gồm 32 trang.
Tài liệu đã được 30 nhà khoa học biên tập và nhận được sự đóng góp ý kiến của 80 người. Sản phẩm chính và bản tóm tắt gồm 7 chương. Bản phổ cập cộng đồng do một nhà báo trong Hội soạn thảo theo nội dung của cuốn chính.
· Tài liệu đã được in thành 18.000 bản các loại, được tổ chức giới thiệu ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Đắk Lắk, đã được gửi đến toàn thể các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ban ngành ở Trung ương, UBND các tỉnh và thành phố, tất cả các quận huyện và qua đó đến các xã, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục, các thư viện Trung ương và địa phương, và nhiều địa chỉ khác. Các tổ chức và cơ quan nước ngoài cũng được gửi biếu bản dịch Tiếng Anh. Việc biên soạn đã tạo ra nhiều hoạt động phong phú trong Hội, giúp nâng cao năng lực cho những người trực tiếp tham gia trong suốt 2 năm và cũng đã trang bị cho Văn phòng Hội một số trang thiết bị có giá trị.
2. Toàn Hội sôi nổi tham gia phản biện Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi
· Tư vấn, phản biện xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của Hội và các đơn vị thành viên và các hội viên. Ngay từ tháng 3/2004, Hội đã chính thức đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giao nhiệm vụ phản biện dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi mà Hội cho là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng bật nhất trong lĩnh vực quản lý môi trường của đất nước. Sau khi được nhất trí, Hội đã triển khai thực hiện với tinh thần đóng góp thật khách quan, khoa học, coi đây là trách nhiệm và quyền lợi. Mặc dù kinh phí được cấp rất chậm và hạn hẹp, việc phản biện vẫn được Tổ phản biện, Lãnh đạo Hội và các đơn vị thành viên nhiệt tình tham gia. Làm việc dân chủ, huy động lực lượng tổng hợp toàn Hội, khai thác tối đa các ý kiến chuyên gia là những nét đặc trưng của đợt hoạt động tiêu biểu này của toàn Hội.
· Đến nay, qua 4 lần góp ý tại các Công văn số 24 ngày 18/5/2004, số 38 ngày 18/6/2004, số 101 ngày 28/7/2004 và số 01 ngày 03/01/2005, Hội đã gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng cộng 49 trang báo cáo và 26 trang phụ lục, bao gồm các kiến nghị về cấu trúc của Luật và về các nội dung liên quan và hàng trăm ý kiến góp ý sửa chữa câu chữ cho hầu hết các điều của các dự thảo.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội năm 2004 đánh giá đây là thành công quan trọng của Hội trong năm. Hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tư vấn phản biện đối với Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi trong năm 2004, góp phần tích cực cho việc hoàn thiện dự thảo Luật. Tinh thần này cần được phát huy trong thời gian tới.
3. Chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của Hội
· Trong 17 năm xây dựng và trưởng thành Hội đã tập hợp được 40 đơn vị thành viên. Riêng năm 2004, đội ngũ này được bổ sung 10 thành viên mới gồm 8 đơn vị được kết nạp và 2 viện được thành lập. Các đơn vị mới được kết nạp đều là những cơ sở hoạt động tốt về bảo vệ môi trường thời gian qua và chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp cho Hội trong thời gian tới.
· Lần đầu tiên sau nhiều năm hoạt động, các đơn vị thuộc khu vực phiá Nam, khu vực miền Trung và khu vực các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức họp riêng để bàn biện pháp tăng cường hoạt động trong thời gian tới. Lãnh đạo Hội gửi Công văn tới nhiều địa phương đề nghị thành lập các tổ chức quần chúng bảo vệ môi trường. Các đơn vị thành viên được nhắc nhở về việc tăng cường tổ chức. Lần đầu tiên tổ chức phát thẻ hội viên cho 50 tập thể và 200 cá nhân.
· Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ, của Ban Kiểm tra, của Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Hội đồng Khen thưởng và đặc biệt của Văn phòng Hội được chấn chỉnh, có nhiều cải tiến. Thông tin trong Hội thường xuyên và thông suốt hơn. Trong năm, số lượng công văn Văn phòng Hội gửi các nơi đã tăng mạnh (trên 200 được đánh số), bảo đảm truyền đạt được đầy đủ các thông tin cần thiết. Cơ hội tiếp xúc, làm việc giữa các cơ sở, các hội viên được gia tăng. Hoạt động đối ngoại được tăng cường. Sự đóng góp quỹ Hội đã được các đơn vị thành viên thực hiện tốt hơn. Không khí hoạt động trong toàn Hội đã khởi sắc.
4. Lại có thêm 2 làng sinh thái tại Hà Tĩnh và Bắc Kạn
Tiếp tục truyền thống trung bình mỗi năm một Làng sinh thái, riêng năm 2004, Viện Kinh tế sinh thái ECO-ECO, một Viện nghiên cứu khoa học tư nhân đầu tiên ở nước ta – nay là thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, đã xây dựng 2 Làng sinh thái, một ở Tiên Điền – Hà Tĩnh quê Nguyễn Du và một ở vùng cao Nà Rì - Bắc Kạn.
Đây là những mô hình phát triển bền vững đã được thử nghiệm thành công ở 13 địa điểm khác tại 3 vùng sinh thái kém bền vững (đồng bằng úng ngập nước, vùng cát hoang hoá ven biển và vùng đồi núi trơ trọc), góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững trực tiếp đối với cộng đồng.
5. Vận hành thành công nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Thái Bình
Thành viên mới của Hội – Trung tâm ?ng dụng Công nghệ mới và Môi trường đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh toàn bộ thiết bị nhà máy xử lý rác và sản xuất phân bón đối với thành phố Thái Bình. Tổng mức đầu tư là hơn 26 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 25 – 30% giá thành nhập ngoại của Nhà máy tương đương, Nhà máy đã hỗ trợ hoạt động ổn định trong suốt năm 2004, bảo đảm xử lý triệt để lượng rác thải của thành phố Thái Bình.
Công trình đã được Huy chương vàng tại Hội chợ công nghệ và thiết bị Việt Nam TECHMART năm 2003.
6. Hỗ trợ đồng bào Mông Lào Cai trồng rau
Trung tâm Dân số, Xã hội và Môi trường (CPSE), thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có nhiều hoạt động liên quan trực tiếp đến cộng đồng. Năm 2004, Trung tâm đã hỗ trợ đồng bào Mông ở xã Sàng Ma Páo, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai tự trồng rau để ăn và cả bán ra thị trường, thay cho việc chỉ khai thác rau rừng như từ trước tới nay vẫn làm.
Sự kiện này đã được đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai khen ngợi, Đài truyền hình tỉnh Lào Cai phát phóng sự.
7. Cùng với nông dân ở Nghệ An xây dựng mô hình phát triển bền vững
Trong 2 năm 2003 – 2004 Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã thực hiện thành công dự án “Hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển bền vững ở bản Na Nhắng, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong tỉnh Nghệ An”. Dự án đã đạt được kết quả xuất sắc, có đóng góp về khoa học, về triển khai áp dụng mô hình về môi trường và phát triển bền vững, và đặc biệt đã có tác dụng thực tiễn quan trọng tại một trong những địa bàn nhạy cảm về môi trường và phát triển.
8. Kết hợp đào tạo cấp bằng kỹ sư với chứng chỉ môi trường
Gần đây, các hoạt động quần chúng bảo vệ môi trường trong ngành giao thông vận tải đã phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Lần đầu tiên, theo sáng kiến của Trung tâm Tư vấn bảo vệ môi trường Giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông vận tải đã đồng ý phương thức kết hợp đào tạo kỹ sư theo hệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo với việc tăng cường kiến thức bảo vệ môi trường theo đề nghị của Hội BVTN&MT Việt Nam. Khi tốt nghiệp, người kỹ sư trẻ sẽ vừa có bằng Đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa có Chứng chỉ môi trường của Hội.
Lớp đầu tiên đã hoàn thành việc tuyển sinh vào cuối năm 2004. Khoa công nghệ thông tin thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đề nghị Hội cùng phối hợp thực hiện phương thức đào tạo này.
9. Tổ chức thành công Hội thảo “Tài nguyên và môi trường Biển”
Ngày 25/6/2004 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Biển đã tổ chức thành công Hội thảo “Tài nguyên và Môi trường biển”. Đây là Hội thảo có tầm quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức thành công. Đại diện nhiều cơ quan, đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý về môi trường biển đã sôi nổi tham gia. Các báo cáo của nhiều hội viên đã đặt ra hàng loạt vấn đề quan trọng cần tiếp tục điều tra nghiên cứu về tài nguyên và môi trường biển của nước ta.
10. Khai trương trang Web của Hội
Trong thời đại thông tin hiện nay, việc cập nhật các công cụ hiện đại trong hoạt động thực tiễn luôn là mong ước của mọi tổ chức, cá nhân. Với thiện trí tài trợ của Sida, Văn phòng Hội đã nhanh chóng xây dựng trang Web của Hội với tên miền riêng www.vacne.org.vn.
Ngay sau khi đăng ký, Văn phòng Hội đã từng bước đưa các nội dung liên quan vào các mục lục của trang Web. Lớp tập huấn đầu tiên về khai thác sử dụng trang Web đã được đại diện của gần 20 đơn vị trong Hội tham dự. Hy vọng, đây sẽ là công cụ hữu hiệu cho hoạt động của Hội trong tương lai.