(VACNE) – Theo GS.TSKH. Trần Công Khánh, đến nay, trong số 125 loài cây Di sản đã được công nhận có 38 loài (30%) cây được dùng làm thuốc. Theo bài 10 Năm CDS 2: Cây Di sản – một nguồn gen cây thuốc quý đã đưa, được được sự quan tâm của nhiều độc giả, chúng tôi tiếp tục cập nhật các Cây Di sản có nguồn gen cây thuốc quý.
Cây Bàng, tên khoa học là Terminalia catappa L., họ Bàng (Combretaceae), có nguồn gốc ở Ấn Độ, mọc hoang và được trồng ở nhiều nước nhiệt đới trong khu vực Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ. Ở Việt Nam, Bàng là một cây rất quen thuộc với chúng ta, được trồng khắp nơi, ở ven đường, hè phố, công viên và sân trường để lấy bóng mát.
Trong số những cây Di sản đã được vinh danh đến nay thì những cây Bàng Di sản có tuổi 130-150 năm trong khuôn viên các dãy nhà tù Côn Đảo còn mang ý nghĩa đặc biệt. Những cây Bàng Di sản ở đây đã gắn liền với lịch sử đấu tranh kiên cường của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam giữ nơi địa ngục trần gian này. Trong tình trạng bị giam cầm và tra tấn tàn bạo của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, với những bữa ăn trong tù chỉ có cơm hẩm với cá mục, làm cho sức khoẻ người tù bị suy kiệt thì những chiếc lá và quả Bàng tuy có vị chát nhưng đã trở thành thứ rau xanh quan trọng bổ sung dưỡng chất và còn làm thuốc chữa bệnh, cứu sống những người cộng sản bị lưu đầy.
Cây Bàng – Cây Di sản tại Côn Đảo
Bàng là cây gỗ, cao 8-10m, hoặc hơn, cành nằm ngang, mọc vòng thành nhiều tầng quanh thân, tạo thành tán cây xòe ra như cái lọng. Lá to, mọc so le, phiến lá hình trứng ngược, dài 20-25cm, rộng 10-13cm, đầu lá tròn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông mịn màu hung nhạt; cuống lá ngắn. Lá Bàng chuyển thành màu nâu đỏ và rụng về mùa lạnh khô (cây thay lá). Cụm hoa là chùm, dài 15-20cm, ở kẽ các lá non đầu cành, mang nhiều hoa nhỏ tạp tính cùng gốc. Đài hoa có 5 răng, sớm rụng, không có cánh hoa; nhị 10, cao hơn đài; bầu dưới một ô, chứa 2 noãn đảo. Quả hạch, hình trứng hơi dẹt, dài 4cm, rộng 3cm, đầu hơi nhọn, khi chín có màu vàng, cơm quả màu vàng đỏ, vị hơi chua, ăn được. Một hạt nằm trong hạch cứng. Mùa hoa: tháng 3-5, quả: tháng 7-9.
Quả và lá bàng
Vỏ thân Bàng chứa 25-35% tanin pyrogalic và tanin catechic. Lá Bàng chứa tanin, corilagin, acid galic, acid elagic và acid brevifolin carboxylic. Nhân hạt Bàng chứa 25,42% protein, 5,98% đường, 52% chất béo màu vàng nhạt, vị dễ chịu, giống như dầu hạnh nhân, ăn được. Nhân hạt có thể ăn tươi, hay chế biến làm nhân bánh.
Bàng là cây đa tác dụng. Theo Đông y, búp và lá Bàng có tính mát, kết hợp với lá Hương nhu, Cúc tần, mỗi thứ 30g, sắc uống để chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi. Lá tươi giã nát, sao nóng để chườm, hoặc bó vào nơi đau nhức có tác dụng giảm đau. Lá Bàng sắc nước đặc, chữa viêm loét, sâu quảng, vết thương có mủ. Ở Đài Loan (Trung quốc), người ta dùng lá Bàng rụng làm thuốc chữa một số bệnh về gan. Ở Surinam (Nam Mỹ), lá Bàng làm chè uống để chữa bệnh kiết lỵ và tiêu chảy. Ở Philippines, dùng nước sắc lá Bàng để trị giun.
Vỏ thân Bàng (bỏ lớp vỏ đen bên ngoài) 20-30g, thái miếng, sắc nước uống chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Nước sắc đặc dùng để rửa vết thương, vết loét.
Hạt Bàng có chứa chất béo đơn bão hoà, protein và kali, là những chất hỗ trợ tim. Nhân hạt Bàng 20g sao vàng, sắc uống, chữa đại tiện ra máu, kiết lỵ. Dầu hạt nấu với lá Bàng dùng chữa ghẻ, bệnh phong và các bệnh ngoài da khác. Hạt Bàng còn được người dân ở Côn Đảo chế biến thành mứt Bàng có vị bùi bùi, mùi thơm hấp dẫn, vừa ngon vừa lạ.
Theo tài liệu Ấn Độ, Bàng là cây thuốc được dùng nhiều trong hệ thống y học cổ truyền Ayurvedic. Ngày càng có nhiều nghiên cứu dược lý cho biết chất chiết từ lá và quả Bàng có tác dụng chống oxy hóa, chống bệnh ung thư, chống HIV, chống viêm, chữa bệnh tiểu đường và bảo vệ gan. Nước ép của lá Bàng non dùng chế thuốc mỡ chữa bệnh hủi, ghẻ; dùng uống chữa đau đầu, đau bụng. Lá Bàng già khi chuyển sang màu nâu đỏ, chứa flavonoid có tính chất chống oxy hóa, gồm apigenin 6-c-(2 -galloyl)-L-D-glycosid, apigenin 8-c-(2 -galloyl)-L-D-glycosid, isovitexin, vitexin, isoorienthin, rutin và tannin; acid gallic, acid ellagic, puricalagin và punicalin.
Trong công nghiệp, người ta dùng vỏ thân cây Bàng để thuộc da. Lá Bàng dùng nhuộm màu đen và màu cứt ngựa.
TSKH. Trần Công Khánh