Cây đa cổ thụ nằm trước cửa của ngôi đình Đông, với chiều cao khoảng 25 m, đường kính 25- 2,7 m, tán cây trùm kín vươn xa với nhiều cành to, nhánh lớn. Đặc biệt, phần gốc cây hang hốc, gồ ghề rất kỳ quái. Theo di huấn của các bậc tiền nhân truyền lại, cây đa được trồng cùng vào thời gian phò mã Phùng Thế Kỳ quyết định an cư tại đất Hổ Đội, do đó cây như vật chứng khẳng định những ngày đầu khai hoang lập ấp của người xưa tại vùng đất này.
Có thể nói, trải qua hơn 600 năm tuổi, cây đa làng Hổ Đội đã chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của quê hương, đồng thời là điểm nhấn trong cảnh quan văn hóa tiêu biểu của làng Hổ Đội nói riêng và làng quê Việt nói chung.
Phát biểu tại buổi Lễ, TS. Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khẳng định, Thái Bình là một vùng đất mới mà còn giữ gìn được cây hơn 600 tuổi thì quả là đáng quý. Nhân dịp này, Chủ tịch Hội đã chia sẻ về bài thơ “Tản mạn cây di sản” do chính ông sáng tác để tặng chính quyền và nhân dân địa phương.
Chiều cùng ngày, tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cũng đã trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho cây đa lông gần 300 năm tuổi ở thôn Bương Hạ Nam. Tương truyền cây đa gắn với thời khai sinh, lập ấp của Đức Quế Minh, vị tướng đời nhà Trần. Từ đó đến nay, Cây đa Bương là di tích lịch sử, là biểu tượng của người dân địa phương và khiến người đi xa luôn mơ về nơi chốn cũ…
Trải qua gần ba năm khởi sướng và phát động, sự kiện vinh danh cây di sản của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã nhanh chóng trở thành phong trào rộng khắp trên cả nước. Đến nay Hội đã vinh danh 280 cây ở trên khắp các tỉnh/thành, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của cộng đồng; Là cầu nối giữa địa phương với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.