(TN&MT) - Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Ngày hội hoa sơn tra 2023, UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Bằng Công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện 4 bản: Nà Tâu, Phày, Lướt, Mường Chiến.
Dự lễ công nhận có Nhà giáo ưu tú, PGS. TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam; Nhà báo Phùng Quang Chính, Phó Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam cùng đoàn công tác Hội đồng cây di sản Việt Nam; lãnh đạo huyện Mường La và đông đảo bà con nhân dân xã Ngọc Chiến.
Theo hồ sơ được Hội đồng cây di sản Việt Nam công nhận, cây số 1 là cây Du sam núi đất, ở bản Nà Tâu được người dân trong vùng gọi là “Cây thần”, “Sa mu đại thụ” hay “Co mạy pé”. Đây là cây gỗ lớn cao trên 35m, đường kính trên 100 cm, có tuổi lên đến hàng nghìn năm.
Tiếp đến là 3 cá thể Đa tía tạo thành 1 quần thể cây đa tại bản Lướt, có độ tuổi khoảng trên 400 năm. Theo các cụ già trong bản, đây là cây còn lại trong quá trình khai phá mở mang và trở thành cây thiêng của bản.
Cây di sản thứ 5 là cây gạo nằm ở trung tâm bản Phày, do người dân trồng khi xây dựng bản làng, khoảng trên 300 năm tuổi. Hiện nay, dân làng đã xây dựng một ngôi miếu thờ bên cạnh cây và coi như cây thiêng của bản làng.
Cây thứ 6 và 7 là 2 cây sồi quấn vào nhau, độ tuổi khoảng 300 năm. Đây là cây được nhân dân trồng để làm ranh giới giữa 2 bản, người dân trong vùng tôn kính coi đây là hình ảnh ông bà, tổ tiên chung của cộng đồng và đặt tên là “Cây đôi tình yêu”.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Hội đồng cây di sản Việt Nam đã công bố quyết định và trao Bằng công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện 4 bản, gồm: Nà Tâu, Phày, Lướt và Mường Chiến.
Lễ công bố cây di sản là niềm tự hào của người dân Ngọc Chiến. Đây là những cây cổ thụ như chứng nhân lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc, gắn liền với quá trình hình thành của vùng đất Ngọc Chiến.
Đồng thời, góp phần lưu giữ nguồn gen quý, bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm. Việc lưu giữ cây cổ thụ còn bày tỏ lòng tri ân, kính trọng đối với các bậc tiền nhân có công bảo vệ, gìn giữ những cây này cũng như phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
PGS. TS Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết: Cây di sản được được công nhận không những ở Tây Bắc mà trên toàn lãnh thổ Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa, nhất là gìn giữ, bảo tồn nguồn gen của những loài cây, đặc biệt là cây cao tuổi, có kích thước lớn. Đây cũng là những nguồn gen quý hiếm có thể giữ lại để làm giống cây cho quốc gia.
Xã Ngọc Chiến cam kết sẽ có biện pháp bảo vệ tốt 7 cây di sản trên địa bàn, giao cho người đại diện của từng bản quản lý, bảo vệ lưu giữ nét văn hóa tâm linh của người dân Ngọc Chiến.
Theo Hội đồng Cây di sản Việt Nam, cùng với Sơn La, 14 cây di sản tại Hà Nội, Hải Phòng và Phú Thọ cũng được công nhận là Cây di sản dịp này. Hiện nay, Việt Nam có trên 6.000 cây di sản, với trên 100 họ cây khác nhau, trong đó, cây du sam núi đất (sa mu đại thụ) ở bản Nà Tâu và cây sồi (cây tình yêu) ở bản Mường Chiến là 2 loại cây mới được công nhận vào danh sách cây di sản Việt Nam.