 |
Đại diện lãnh đạo Hội BVTN&MTVN, UBND thị xã Chí Linh cắt bằng khánh thành Cia công nhận Cây di sản |
|
Ngọc phả đền Cao ghi rằng, rừng lim gắn liền với sự ra đời của 12 dòng dòng họ vùng đất Giao Chỉ lúc đó. Tương truyền, khi ngôi đền cổ xây dựng thờ tự các Đức thánh họ Vương, lim được lựa chọn làm cây bảo vệ ngôi đền. Nhưng trong số 54 cây lim còn lại đến ngày nay, có cây nào còn sót lại từ thời đó hay không, hay chúng thực sự trồng vào thời gian nào, vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Điều có thực là đến nay, những cây lim này, dù được trồng cận kề chân núi, sát với đường đi, hay trồng trên đỉnh núi bao bọc lấy đền, vẫn đều nguyên vẹn.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã An Lạc trong lời phát biểu chào mừng lễ công nhận, gắn biển 54 cây lim di sản không dấu được niềm tự hào: "Hiểu được giá trị của cây lim cổ gắn liền với chốn thiêng liêng của Đức Thánh đền Cao, hàng trăm năm nay cán bộ nhân dân An Lạc, trực tiếp là nhân dân làng Đại đã quyết tâm giữ gìn chắm sóc, trân trọng, giữ được nguyên vẹn toàn bộ từ cây xanh ngọn cỏ xung quanh cây lim và cả đồi lim, không đào bới bất cứ nơi nào, một mét đất nào xung quanh đồi lim. Như chúng ta nhìn thấy, 54 cây lim phủ bóng mát xung quanh ngôi đền cổ ngay giữa làng, khó có một miền quê nào có được"...
Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban phản biện xã hội - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (BVTN&MTVN) cho biết, đây là lễ công nhận cây di sản lần thứ 3 của Hội. Nhưng kể từ khi sáng kiến tôn vinh cây di sản của Hội được thực hiện, đây là lần đầu tiên một loại cây được tôn vinh nhanh như vậy. Ông Hòe kể: Tháng 12 năm ngoái, tôi dẫn sinh viên khoa du lịch trường Đại học Khoa học - Xã hội nhân văn đi thực tế tại điểm du lịch đền Cao. Thấy chúng tôi nói về giá trị của cây xanh trong du lịch tâm linh, văn hóa, cụ chủ đền thích quá tới góp chuyện. Chúng tôi giới thiệu với cụ về tiêu chí cây di sản Việt Nam và nói nếu cụ muốn rừng lim đền Cao được tôn vinh là cây di sản thì hãy liên hệ với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để cùng xúc tiến. Cụ vui vẻ nhận lời ngay. Kể từ đó đến nay chỉ khoảng 2 tháng, những cây lim đền Cao đã được xếp hạng. Quý nhất là sự trân trọng giá trị trường tồn cây lim của cụ chủ trì đền, Ban quản lý di tích đền, Ban quản lý di tích thị xã Chí Linh. "Đó là sự gặp gỡ lý tưởng giữa người làm công tác bảo tồn và những người đang chăm sóc sự trường tồn của cây xanh"- GS. TS Nguyễn Đình Hòe nhấn mạnh.
Có một sự ngẫu nhiên thú vị, đó là những cây di sản đầu tiên được công nhận cho đến nay đều là những cây gắn liền với nơi thờ tự. 9 cây muỗm 700 tuổi Đền Voi phục (Thụy Khê) cạnh Hồ Tây là nơi thờ Hoàng tử Linh Lang Đại Vương, một trong 4 tứ trấn thành Thăng Long xưa. Không chỉ gắn liền với trang lịch sử oai hùng của Hoàng tử con trai vua Lý Thái Tông cầm đầu một đạo quân thủy quân, quyết chiến với giặc Tống, hy sinh trên tuyến Như Nguyệt năm 1.077; những cây muỗn này còn là nhân chứng sống, vẫn ra hoa kết trái, đi qua thời điểm Thành Thăng Long ngàn năm tuổi trở thành di sản thế giới.
Tương tự như vậy, cây Thị 312 tuổi trong khuôn viên nhà thờ phái Thân Văn tại làng Dương Xuân Hạ, thành phố Huế do chính thủy tổ phái Thân VănThẩm (1671 - 1758) đem từ làng Nguyệt Biểu về trồng làm mốc địa giới cho hậu duệ, nay cao 25 mét, chu vi thân 4,2 mét. Hơn 300 năm qua, dòng họ phái Thân Văn tự hào đúc kết giá trị "hiền tài chính là nguyên khí quốc gia" đã qua bao thăng trầm dưới tán lá xanh ngày một xòe rộng, ngày một tăng cao.
Còn biết bao cây xứng đáng được tôn vinh là cây di sản khác ở khắp các đền thờ người Việt Cổ. Ví như cây me cổ thụ trong đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bình Định) thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc, nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ giờ đã gần 300 tuổi, chu vi gốc 3,5 mét. Hoặc cây Dã hương nghìn năm tuổi tại thôn Giữa, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) thuộc cụm di tích quốc gia, có chu vi gốc 12,5 mét, cao 36 mét, lớp vỏ dầy trung bình 15cm, được vùa Lê Cảnh Hưng (1.740 - 1.786) phong là "Quốc chúa đô mộc dã Đại vương" là cây dã hương cổ thụ nhất thế giới, chỉ đứng sau một cây của Ấn Độ…
Văn hóa Việt cổ gắn liền với đền chùa, miếu mạo. Mỗi khi, hoặc ngay sau khi lập đền thờ, xây dựng chùa chiền, tùy theo đặc thù vùng quê, người Việt đều chọn một loại cây có sức sống trường mãnh liệt nhất trồng bao bọc như một sự bảo vệ, chở che, làm mát dịu, tươi tốt nơi thờ tự. Sự thông thái đó đang được kế thừa khi hậu duệ người Việt cổ tiếp tục bảo vệ, nâng niu giá trị tinh thần, giá trị tâm linh, văn hóa và lịch sử từ những cây di sản...
Thu Trang
(MONRE, 1/3/2011)