(Moitruong24h.vn): Cao Bằng: Cây Gạo trên 500 năm được công nhận Cây Di Sản Việt Nam
Sáng 26/11 tại xóm Lũng Luông, xã hạnh Phúc, huyện Quảng Hoà, Cao Bằng, Chính quyền cùng nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận Cây gạo cổ thụ là Cây Di Sản Việt Nam.
Cây Gạo cổ thụ được công nhận Cây Di Sản Việt Nam. (Ảnh: QL)
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) tham dự buổi Lễ và mở văn bia Cây Di sản. Về phía địa phương tham dự buổi lễ có lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quảng Hà, lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Cao Bằng cùng đông đảo người dân địa phương.
Tại buổi lễ ông Nông Ích Thượng, PCT Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Cao Bằng đã báo cáo quá trình khảo sát đánh giá về giá trị của cổ thụ Gạo, có tuổi đời trên Năm trăm năm, được nhân dân khu vực xóm Lũng Luông chăm sóc và bảo vệ, coi đó là một trong những di sản quý báu của xóm, thể hiện tình đoàn kết dân tộc.
Quang cảnh buổi lễ vinh danh
Việc cây Gạo cổ thụ được công nhận là Cây Di Sản Việt Nam là niềm vui lớn không chỉ bà con nhân dân trong xóm Lũng Luông, mà còn thể hiện ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng của tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là cổ thụ đầu tiên từ khi huyện Quảng Hà được sát nhập lại từ huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hoà nằm trên địa bàn, được công nhận Cây Di Sản Việt Nam. Mang lại nhiều ý nghĩa đối với công tác bảo vệ môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học, góp phần tích cực trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, việc vinh danh và công nhận Cây Di Sản Việt nam đối với cây Gạo cổ thụ trên 500 năm tuổi giúp bảo tồn nguồn Gen cây tiêu biểu của địa phương, bảo vệ đa dạng sinh học, giới thiệu sự phong phú, đa dạng hệ thực vật của tỉnh đến với cả nước, đồng thời đề nghị địa phương đặc biệt là các thế hệ trẻ nâng cao ý thức, quan tâm hơn nữa trong công tác quảng bá hình ảnh bà con dân tộc Nùng nơi đây với sự phong phú đa dạng bản sắc văn hoá cũng như các khu du lịch, di tích khác của huyện nói chung, trong công tác vận động, tuyền truyền người dân địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên, môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xứng đáng là quê hương cách mạng anh hùng.