Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE) vừa phối hợp với địa phương vinh danh cây gạo ở TP Hải Phòng là cây di sản Việt Nam.
Trên website VACNE, dưới dòng tít “Chứng tích bên một ngôi chùa có lịch sử bi hùng nhất nước ta được vinh danh Cây di sản Việt Nam”, tác giả Mạnh Thủy cho biết đó là cây Gạo có tuổi hơn 500 năm của làng Mỹ Lộc, bên chùa Thắng Phúc, xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, được các cấp chính quyền, Giáo Hội Phật giáo và cộng đồng địa phương, tổ chức Lễ vinh danh
Cây Di sản Việt Nam do VACNE công nhận vào ngày 17/2/2014.
Theo Báo Hải Phòng, cây gạo này là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Cây hơn 500 tuổi nằm ở ven sông, có dáng đẹp, phần thân cây có chu vi 7,5m, đường kính 2,38m, độ cao hơn 20m, xòe tán rộng.
Trải qua nhiều biến cố thời gian, nhưng cây gạo vẫn được bảo tồn xanh tốt, tạo cảnh quan đẹp. Cây gạo còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của địa phương và văn hóa tâm linh của người dân.
Đại Đức Thích Quảng Minh, trụ trì ngôi chùa Thắng Phúc, cho biết PV VACNE biết sở dĩ Lễ vinh danh cây Gạo đỏ này được tổ chức đúng ngày Lễ hội truyền thống của làng Mỹ Lộc và có sự tham dự của đông đảo các vị lãnh đạo cao cấp nhất của huyện và Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường TP Hải Phòng, cùng các Tăng ni, Phật tử, bởi đây là nhân chứng lịch sử, là biểu tượng cho
sự trường tồn, bất khuất của vùng đất Tiên Lãng nói riêng và Hải Phòng nói chung.
Ngôi chùa Vọng Phúc (nay là chùa Thắng Phúc) đã từng cháy rừng rực ba bốn ngày liền, do bị tiêu hủy trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nơi đây, có rất nhiều tu sĩ, Phật tử xả áo Cà sa tham gia kháng, trong đó có 5 nhà sư hóa thân thành liệt sĩ và trở thành một trong những ngôi chùa có nhiều tu sĩ Liệt sĩ nhất Việt Nam.
Trước và sau lễ vinh danh Cây Di sản Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE; TS. Đào Tác, Chủ tịch Hội BVTN&MT Hải Phòng và các ông: Cao Xuân Liên, thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy huyện Tiên Lãng; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND huyện, cùng đông đảo cán bộ, chuyên gia môi trường…đã tham gia lễ thả cá phóng sinh, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; chứng kiến Lễ hội dân gian truyền thống“thổi cơm thi”của bà con địa phương.
Được biết, ngay tại buổi Lễ công nhận cây Gạo là Cây Di sản Việt Nam, các vị lãnh đạo huyện Tiên Lãng đã chỉ đạo các cấp chính quyền đại phương nhanh chóng quy hoạch, tạo cảnh quan cho khu vực này và mở rộng không gian sống cho cây. Nếu để mất cây, là có tội với tổ tiên và có lỗi với quê hương.
Mai Anh
(MOITRUONG.COM.VN)