Cây Đa Sơn Trà là cây cổ thụ có tuổi thọ trên 800 năm tuổi (có tên thường gọi là Đa Núi Cao, thuộc họ dâu tằm, tên khoa học là Ficus Bengalensis) cao 22m, có chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m, có 26 rễ phụ và chiều cao rễ đến 25m, nằm ở tiểu khu 63 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.

 

 
Cây Đa Sơn Trà.  

 

Nhiều năm qua, cây Đa này thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, lạ lùng. Đặc biệt, đây là nguồn sống của quần thể Voọc chà vá chân nâu - một loài linh trưởng đặc hữu của địa hình Đông Dương tại Sơn Trà (được phát hiện đầu tiên vào năm 1771).

 

Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cây Đa Sơn Trà để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Theo đó, trong những năm đầu thế kỷ IX các vị vua triều Nguyễn đã cho lập đài quan sát và cả pháo đài phòng thủ trên đỉnh. Suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1958) và đế quốc Mỹ (năm 1965), bán đảo Sơn Trà là căn cứ quan trọng của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Vị trí cây Đa Sơn Trà được lực lượng tự vệ, dân quân biệt động Thành chọn làm nơi ẩu náu, tụ họp để trao đổi thông tin. Đó là món quà quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng qua các thế hệ cha ông. Vì vậy, cần quảng bá rộng rãi hơn nữa về giá trị văn hóa lịch sử và khoa học của cây Đa Sơn Trà đến du khách trong và ngoài nước.

 

 
Hội đồng cây Di sản Việt Nam trao bằng công nhận cây Đa Sơn Trà là cây Di sản Việt Nam cho UBND TP Đà Nẵng.  

 

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam khẳng định, việc lựa chọn vinh danh cây Đa cổ thụ Sơn Trà Đà Nẵng là Cây Di sản Việt Nam không chỉ trực tiếp bảo tồn nguồn gen tiêu biểu của vùng nhiệt đới và giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam, mà còn thúc đẩy du lịch ở địa phương, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng tự nhiên và kêu gọi cùng bảo vệ môi trường đối với cả cộng đồng.

Mở bia đá cây Di sản Việt Nam.