Theo đánh giá của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, Phia Oắc – Phia Đén là một trong những khu vực có cấu trúc địa chất đặc biệt, là một trong những khu vực giàu tài nguyên khoáng sản và sinh vật vào loại bậc nhất Việt Nam song chưa được kiểm kê và đánh giá toàn diện. Vì thế, UBND Tỉnh Cao Bằng đã giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam thực hiện đề tài “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng vườn quốc gia Phia Đén – Phia Oắc” thực hiện trong hai năm 2012 – 2013.
Kết quả đánh giá sau sáu lần khảo sát cho thấy Phia Oắc - Phia Đén rộng hơn 10.000 ha; độ cao từ 1500m - 1931m so với mặt biển nằm trên địa phận hành chính của các xã Thành Công, Phan Thanh, Quang Thành, và Thị trấn Tinh Túc thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng). Kết quả điều tra gần đây đã thống kê Phia Oắc – Phia Đén có 1117 loài trong đó có 229 loài động vật có sương sống, 17 loài lưỡng cư và 28 loài bò sát, hàng ngàn loài động vật không sương sống, côn trùng, động vật nhuyễn thể, và động vật đất. Trong số này, các nhà khoa học đã xác định 56 loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn cao, bao gồm 24 loài thú có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) trong đó loài Hươu Xạ ở thứ hạng cực kỳ nguy cấp, 15 loài nguy cấp, và sáu loài bị đe dọa.
So với một số rừng rêu ở Việt Nam, “Rừng rêu ở Phia Oắc – Phia Đén gần như vẫn giữ được nguyên vẹn trong đó có những cây rêu bao phủ gần như toàn bộ thân cây”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, chủ nhiệm đề tài – Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, đánh giá trong lần khảo sát mới đây nhất ngày mồng 1/10/2012.
Ông Lê Trần Chấn, Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ, cho biết độ ẩm và nhiệt độ là hai yếu tốc quyết định tạo nên rừng rêu, rừng lùn độc đáo ở Phia Oắc – Phia Đén trong đó có nhiều cây cũng vài trăm năm, xứng đáng vinh danh cây di sản Việt Nam.
Với lợi thế về địa hình, khí hậu và điều kiện nhân văn, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái, “Phia Oắc – Phia Đén có đủ các tiêu chí, thậm chí thừa tiêu chí, để trở thành vườn quốc gia thứ 31 của Việt Nam” - theo chuyên gia lâm nghiệp Vũ Văn Dũng, người đã tham gia vào việc quy hoạch các vườn quốc gia.
Đánh giá sau chuyến khảo sát thứ sáu tại hội thảo “Phia Oắc-Phia Đén – Báu vật thiên nhiên quốc gia” ngày 2/10 ở Cao Bằng, các nhà khoa học đều có chung nhận định rằng nơi đây hoàn toàn xứng đáng quy hoạch thành vườn quốc gia.
Hiện nay diện tích rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén là hơn 10.261ha mà theo đề xuất của các nhà khoa học Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam và Trung tâm Địa Môi trường&Tổ chức Lãnh thổ, diện tích đề nghị xây dựng vườn quốc gia là 20.480 ha trong đó rừng nguyên sinh là 9.500ha.
Trước đề xuất trên, ông Nguyễn Sinh Cung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, đề nghị các nhà khoa học cần xem xét lại diện tích, nếu trên 20.000 thì cao quá mà chỉ từ 13.000 đến 14.000ha thì dễ quản lý hơn.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, nói:“Chúng tôi còn trở lại đây để tìm hiểu tiếp làm rõ những nội dung, tiêu chí của vườn quốc gia, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh làm các bước tiếp theo để trình Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, sau đó là Chính Phủ để sớm đưa vùng Phia Oắc – Phia Đén lên thành vườn quốc gia.”
TS Nông Hồng Thái, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Tỉnh Cao Bằng, mong muốn Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam tiếp tục hỗ trợ nhằm hoàn thiện đề tài để Phia Oắc – Phia Đén sớm trở thành vườn quốc gia, phát triển sinh kế cho người dân địa phương.
Theo ông Huỳnh, chỉ khi được xây dựng thành vườn quốc gia, Phia Oắc – Phia Đén mới được đầu tư và bảo vệ nghiêm ngặt, bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh đặc dụng của vùng, bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của huyện Nguyên Bình nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung.
Rêu phủ kín thân cây
Rêu phủ trên các vách đá
Minh Phúc
Theo VFEJ