Ngày 14/10/2013, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (VACNE) đã họp xem xét hàng loạt hồ sơ cây cổ thụ của các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bến Tre và thành phố Hà Nội gửi về trong thời gian gần đây, công nhận thêm 12 cây đơn lẻ và 1 quần thể cây là Cây Di sản Việt Nam; đưa tổng số Cây Di sản từ trước tới nay lên con số 514.
Cổ thụ bạch mai và bia Bạch mai bi ký tại sân đình Phú Tự,
xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre.
Trong số những cây lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam vừa được xét lần này có cây bạch mai có tuổi trên 300 năm, có chín thân, chiều cao 14 mét, trong khuôn viên đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Các chuyên gia của Hội đồng Di sản đang xác định chính xác tên khoa học của cây.
Cây bạch mai ở sân đình Phú Tự còn gọi là mai khê, Nam mai, danh mộc bạch mai hay còn gọi mai mù u. Khác với nhị độ mai, bạch mai chỉ nở hoa một lần vào đầu xuân và nở rộ vào rằm tháng Giêng. Thân cây to, sần sùi, cành lá sum suê, có tuổi hàng trăm năm. Hoa có 4 cánh, màu trắng nhạt, hình dáng giống như hoa cây mù u. Có lẽ hình dáng và màu sắc của hoa nên người ta gọi đó là bạch mai hay thần mai. Một tên khác nữa là Nam mai, một giống mai mà tương truyền do ông Mạc Cửu (người có công khai phá đất Hà Tiên) mang từ quê hương của mình ở tận miền Nam Trung Quốc sang trồng ở Gia Định (nên được gọi là Nam mai). Đặc biệt loại cây này chỉ sống ở những vùng đất cao ráo, điều kiện phải thích hợp nên rất khó gây giống. Trong những ngày hoa nở rộ, tán cây toàn một màu trắng tinh khôi. Hoa nở về đêm, hương thơm lan tỏa cả một vùng. Cho đến nay, nhiều người đã bầu để chiết nhánh ra trồng, nhưng cành không ra rễ, trồng không sống được.
(Báo Bến Tre)