Cây di sản cổ thụ được vinh danh ở ngay cạnh cột mốc 651
Cây di sản ở cột mốc 651
Cây sấu cổ thụ xã Sóc Hà vừa được tôn vinh cây di sản có chu vi 9,5m, đường kính 3,13m, cao 38m. Các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác niên đại của cây. Theo những người cao tuổi ở địa phương, cây sấu này đã trải qua khoảng 9 đời người, chứng kiến nhiều thăng trầm lịch sử của vùng đất biên giới Sóc Hà, huyện Hà Quảng.
Gần đây, nhiều cây cổ thụ quanh vùng đã bị lâm tặc đốn hạ để lấy gỗ, nhưng cây sấu cổ thụ này được bà con coi là linh thiêng và giữ gìn cho đến nay. Đây là cây thứ 3 ở Cao Bằng được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Trước đó, cây nghiến ở xã Kim Loan, huyện Hạ Lang và cây nghiến ở Pác Pó, xã Trường Hà (Hà Quảng) đã được công nhận danh hiệu này. "Việc tôn vinh giá trị cây di sản sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng các dân tộc vùng biên giới với việc trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Cây sấu Di sản tại khu vực cột mốc 651 còn là minh chứng khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia”, TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE cho biết.
Tại Cao Bằng hiện có rất nhiều địa phương, cộng đồng dân cư gìn giữ những khu rừng nguyên sinh trong đó có nhiều cây cổ thụ quý hiếm, bằng các miếu thờ thần rừng, đồng bào địa phương gọi là "Đông sấn”, khu rừng thiêng được gìn giữ bảo vệ mang ý nghĩa tâm linh, nếu ai chặt hạ những cây gỗ cổ thụ trong khu rừng thiêng ấy sẽ bị " thần rừng” trừng phạt thích đáng. Nhiều rừng cây cổ thụ ở Cao Bằng đã được cộng đồng bảo vệ, giữ gìn theo hình thức đó. Đây là địa chỉ tham quan rất hấp dẫn với du khách, là bằng chứng ứng xử văn hóa với môi trường sinh thái của tổ tiên ta và trở thành nét đẹp truyền thống của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
3 năm và 300 cây cổ thụ quý được vinh danh, bảo vệ
Sau gần 3 năm VACNE phát động sự kiện vinh danh cây Di sản Việt Nam, ý nghĩa của nó không chỉ ở việc bảo tồn đa dạng sinh học, nguồn gene quý mà còn kêu gọi cơ quan chức năng và cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác này. Và ngày càng phát lộ những kỷ lục về cây, những kỷ lục này sẽ luôn thay đổi vì nhiều địa phương đang làm thủ tục cho những cây cổ thụ còn nhiều tuổi hơn, cao hơn, to hơn và chắc chắn đều rất đẹp, rất hùng vĩ với nhiều ý nghĩa sâu xa về khoa học, môi trường, văn hóa, lịch sử.
Theo tài liệu của VACNE cung cấp, Singapore là nơi đầu tiên tổ chức phong trào bảo vệ cây di sản. Theo quy định của nước này, cây di sản là những cây trưởng thành, đơn lẻ được lựa chọn và bảo vệ bởi quy định pháp luật do nhà nước xây dựng có tên Kế hoạch cây di sản. Hiện nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ… đã tiến hành bảo vệ cây di sản.
|
Theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh, tính đến cuối tháng 9-2012, VACNE đã vinh danh gần 300 cây trong tổng số hơn 600 hồ sơ của 30 tỉnh, thành trên cả nước gửi về. Trong số gần 300 cây đã được vinh danh, đáng chú ý những kỷ lục cây được ghi nhận như cây cao tuổi nhất 2.100 năm có từ thời An Dương Vương ở TP. Việt Trì (Phú Thọ); cao nhất là cây samu dầu ở Vườn Quốc gia Pù Mát - Nghệ An; cây đơn thân lớn nhất là cây tung ở Đắc Lắc đường kính 6,5m; cây đa ở đền Thượng (Lào Cai) tính cả rễ phụ có chu vi là 45m; tập đoàn 79 cây bàng, bằng lăng, thị rừng, điệp vàng ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu)...
Còn phải kể đến những cây khác nghìn tuổi gắn liền với ý nghĩa, lịch sử, văn hóa của đất nước như rặng ruối 18 cây (thôn Cam Lâm, Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) trên dưới 1.000 năm, từng là nơi vua Ngô Quyền làm chỗ buộc voi chiến, ngựa chiến sau các cuộc tập trận để chuẩn bị tiến về vùng cửa sông Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc. Cây me cao 24m, đường kính thân 1,2m, tán lá che phủ hơn 600m2 ở bảo tàng Quang Trung - Bình Định do thân phụ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là ông Hồ Phi Phúc trồng cách đây hơn 200 năm…
Ngày 12-10 tới đây, tại quận Tây Hồ (Hà Nội) VACNE sẽ tổ chức Tổng kết 3 năm sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam. Sách "Cây Di sản” cũng đang bước đầu soạn thảo.
Kim Vũ
|